Núi băng thứ hai có diện tích 267 km2 tách khỏi sông băng Pine Island của Nam Cực gây lo ngại cho hoạt động hàng hải và khí tượng.

Theo Live Science, thông tin trên được Stef Lhermitte, chuyên gia quan sát vệ tinh ở Đại học Công nghệ Delft tại Hà Lan phát hiện và đăng tải trên mạng xã hội Twitter hôm 23/9.

Núi băng trôi lần này có diện tích 267 km2 tương đương 4,5 lần khu Manhattan của New York sau khi vỡ từ sông băng Pine Island ở phía tây Nam Cực.

Sông băng Pine Island (Ảnh: Livescience)

Sự kiện lần này thu hút được sự chú ý, bởi đây là lần thứ hai trong vòng 2 năm, sông băng Pine Island bị vỡ. Theo Peter Neff, nhà khoa học Trái Đất và băng hà học ở Đại học Rochester, New York, Mỹ. “Sự việc tương tự không phải chưa từng xảy ra trước đây, nhưng sông băng này liên quan tới mực nước biển dâng trong tương lai”, Neff cho biết.

Theo các nhà khoa học, là một trong những sông băng lớn nhất ở tây Nam Cực, do chịu ảnh hưởng của hiện tượng ấm lên toàn cầu, mỗi năm, sông băng này mất đi 408 tỷ tấn băng, khiến mực nước biển dâng thêm một milimet sau mỗi 8 năm. Ước tính, nếu toàn bộ sông băng Pine Island tan chảy, mực nước biển có thể dâng cao 0,5 mét.

Thềm băng Larsen C ở Nam Cực cũng mới vỡ một mảng lớn hồi tháng 7 (Ảnh: Livescience)

Các lần nứt vỡ trước đó xảy ra vào tháng 1/2001, tháng 11/2007, tháng 12/2011, tháng 8/2015 cho thấy tần suất vỡ băng đang tăng nhanh một cách đáng sợ, gây ảnh hưởng đến khí hậu, các công trình ven biển và an toàn hàng hải.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy sau khi tách khỏi sông băng, núi băng trôi Pine Island vỡ thành nhiều khối nhỏ. Sông băng Pine Island không phải nơi duy nhất bị nứt vỡ trong năm nay. Hồi tháng 7, thềm băng Larsen C ở Nam Cực cũng bị vỡ mất núi băng lớn gấp 3 lần diện tích thành phố Hồ Chí Minh.

Hoài Anh

Xem thêm: