Hàng triệu triệu những túi nilong được sử dụng trên thế giới mỗi năm chỉ được con người sử dụng trung bình trong 15 phút, nhưng các nhà khoa học ước tính thời gian tồn tại của chúng lại kéo dài từ tới 450 năm hoặc hơn thế nữa.

Thống kê của National Geographic cho thấy, mỗi năm có khoảng 9 triệu tấn chất rác thải nhựa đổ vào đại dương  và số lượng rác thải hiện nay gấp 48 lần trữ lượng nhựa con người từng có trong lịch sử thế giới.

Mỗi ngày, các nhà thám hiểm, các nhà nghiên cứu và nhiếp ảnh gia đều chứng kiến ​​tận mắt tác động tàn phá của các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên đại dương và tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những chất thải nhựa trôi nổi trên đại dương đã đe doạ sự sống của nhiều sinh vật biển, từ loài không xương sống cho đến loài to lớn hơn nếu vô tình nuốt phải. Con người cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu ăn cá bị nhiễm độc nhựa.

Những bức ảnh của National Geographic đã truyền tải một thông điệp: “Trái Đất hay Trái nhựa?” với mục đích chia sẻ những câu chuyện về cuộc khủng hoảng rác nhựa ngày càng gia tăng, và kêu gọi mọi người trên toàn thế giới ý thức về việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và không xả rác vào đại dương.

National Geographic cũng đang thực hiện chiến dịch đẩy mạnh cam kết giảm việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và mục tiêu đến cuối năm 2019 là tẩy chay hoàn toàn loại nhựa này để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Một chiếc lưới đánh cá cũ bằng nhựa bị vứt xuống biển đã khiến một con rùa mắc phải ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Tây Ban Nha. Để có thể sống sót, nó phải duỗi cổ lên mặt nước để thở và nếu không có nhiếp ảnh gia phát hiện và giải cứu kịp thời, nó sẽ bị chết. Những chiếc lưới vô chủ này là một mối đe dọa lớn đối với loài rùa biển.

Một số loài động vật hiện đang sống trong thế giới rác nhựa, giống như những con linh cẩu tìm thức ăn tại một bãi rác ở Harar (Ethiopia). Chúng chờ xe chở rác tới và tìm kiếm thức ăn trong thùng rác.

Ở Okinawa (Nhật Bản), một con cua đã bị mắc kẹt trong một nắp chai nhựa. Cuộc sống của loài cua biển này thực sự nguy khốn bởi những rác thải nhựa vương vãi trên bãi biển.

Các nhiếp ảnh gia đã giải phóng chú cò này khi nó bị một cái túi niong phủ kín toàn thân tại một bãi rác ở Tây Ban Nha. Một cái túi nilong này có thể bẫy chết nhiều “nạn nhân” như chú cò này. Trong khi “nạn nhân” bị phân hủy, thì “tuổi thọ” của chiếc túi này lại rất dài và nó lại có thể bẫy thêm những nạn nhân khác.

Những chiếc chai nhựa sử dụng một lần bị vứt trôi nổi trên đại dương sẽ tồn tại trong nhiều trăm năm nữa.

Để tránh bị trôi dạt theo dòng chảy, con cá ngựa này nhẽ ra phải bám vào rong biển hoặc các mảnh vụn tự nhiên khác. Ở vùng biển ô nhiễm ngoài khơi đảo Sumbawa (Indonesia), nó lại bám vào một chiếc bông tăm bằng nhựa – “một bức ảnh mà tôi ước ao không tồn tại,” nhiếp ảnh gia Justin Hofman nói.

Dưới chân một cây cầu trên nhánh sông Buriganga ở Bangladesh, một gia đình đang phân loại rác chủ yếu là những chai nhựa để bán cho các đại lý phế liệu, cho thấy lượng rác thải từ nhựa ngày càng nhiều.

Theo National Geographic 

Xuân Trường