Ảo ảnh thị giác này chính là một trong những thủ phạm tinh vi đằng sau các vụ tai nạn giao thông mà rất ít người biết đến.

Say rượu, vượt quá tốc độ… thường là những nguyên nhân được viện dẫn khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, gây thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, còn có một nguyên nhân nữa, một thủ phạm náu mình rất kỹ, một tác nhân mờ ẩn rình rập, nhưng lại đóng vai trò không hề nhỏ trong những vụ tai nạn thương tâm.

Đó chính là một loại ảo ảnh thị giác khiến mắt người bỏ qua những “tiểu tiết” trước mắt để tập trung vào các sự vật “có ý nghĩa hơn”. Loại ảo ảnh này xảy ra như thế nào? Trước hết hãy làm một thí nghiệm sau đây.

Hãy tập trung nhìn vào chấm xanh lá cây nhấp nháy ở giữa. Cố gắng cố định ánh nhìn vào chấm xanh này. Khi nhìn đủ lâu, bạn sẽ phát hiện thấy các chấm vàng xung quanh sẽ dần dần biến mất, cái này nối tiếp cái kia. Tất nhiên, khi phát hiện ra điều kỳ dị này, bạn sẽ bất giác đảo mắt để tìm kiếm các chấm vàng đã biến mất, và như thế các chấm vàng sẽ tái xuất hiện. Nếu bạn có thể tập trung đủ lâu vào chấm xanh, cả 3 chấm vàng sẽ biến mất hết.

ao anh thi giac(Ảnh: Mlechowicz/Wikimedia Commons)

Bạn có thể ngắm lại kỹ hiện tượng này qua video dưới đây. Chú ý: Càng nhìn gần bao nhiêu, hiệu ứng càng rõ nét bấy nhiêu:

Đừng lo sợ! Mắt của bạn không có vấn đề gì đâu! Thực chất ra, mọi người đều có thể trải nghiệm hiện tượng ảo ảnh thị giác này. Đây là một hiện tượng gọi là “Điểm mù khi chuyển động”(motion-induced blindness – MIB)

Theo một nghiên cứu vào năm 2008 của hai chuyên gia từ trường Đại học Yale (Mỹ), đây có thể là một dạng thức của “điểm mù” (Blind spot). Mắt của các loài động vật có vú đều có tồn tại một điểm mù. Đây là điểm mà ở đó không có các tế bào nhạy cảm với ánh sáng, hoặc điểm mà dây thần kinh thị giác và các mạch máu đi qua võng mạc của mắt. Theo họ, chính vì những chấm vàng này đã rơi vào điểm mù của mắt khi cái khung kẻ ô quay đằng sau, nên chúng đã biến mất. Tuy vậy, chúng chỉ biến mất trong khoảnh khắc, cho thấy đây chỉ là những điểm mù mang tính tạm thời.

Theo các giả thuyết phổ biến hiện nay đằng sau hiện tượng MIB, lý do bạn không nhìn thấy 3 chấm vàng là do một hiện tượng gọi là quá tải giác quan (sensory overload). Nó xảy ra như sau: Khi khung kẻ ô màu xanh dương đằng sau liên tục xoay tròn và chấm tròn màu xanh lá liên tục nhấp nháy, các chấm tròn màu vàng bỗng trở nên lạc lõng và do đó đã được não bộ nhìn nhận là các thông tin thừa, từ đó tiến hành loại bỏ chúng khỏi tầm mắt.

Tại sao não bộ lại làm vậy? Não bộ sẽ không tiếp thụ tất cả các thông tin từ môi trường xung quanh bởi nếu làm vậy, nó sẽ trở nên quá tải. Chính vì vậy, việc lọc bỏ các thông tin thừa (các thông tin không xuất hiện thay đổi, trong trường hợp này là 3 chấm vàng cố định), là một điều cần thiết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale lại đưa ra một cách giải thích có đôi chút khác biệt. Họ cho rằng đối với khung cảnh toàn thể, việc xuất hiện của 3 chấm vàng cố định bất động đã tạo nên một sự mâu thuẫn đối với tính logic của các cảm quan thực tại, và vì vậy chúng đã bị loại bỏ. Họ gọi 3 chấm vàng này là các “điểm mù cảm quan”.

Bất kể là trường hợp nào, chúng ta có thể nhận thấy một điểm chung là: Não bộ sẽ chọn lọc thông tin nào có thể được tiếp thụ từ môi trường xung quanh, dựa trên một bộ các quy tắc có sẵn.

Có lẽ đặc điểm này của não bộ nói chung và con mắt nói riêng sẽ khiến chúng ta phải tự hỏi rằng: “Cảnh tượng nhìn thấy qua con mắt thịt này có thật sự phản ánh thế giới khách quan, chân thực hay không?”.

Xem thêm: 

Ảo ảnh thị giác: Thủ phạm đằng sau các vụ tai nạn giao thông

Các nhà nghiên cứu tin rằng hiện tượng ảo ảnh thị giác này rất thường hay xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng ta chỉ đơn giản là không nhận ra.

Lấy ví dụ, khi lái xe trên một đường cao tốc với quá nhiều ánh đèn giao thông, người tài xế thường bỏ qua những ánh đèn chiếu hậu của những chiếc xe đỗ bên đường. Chính vì vậy, người tài xế có thể không biết được khi xe mình và các xe khác tiếp cận gần nhau, và khi phát hiện ra thì đã quá muộn, từ đó xảy ra va chạm, cũng giống như các chấm vàng trong thí nghiệm trên biến mất khỏi tầm mắt, nhưng lại đột ngột xuất hiện trở lại sau đó.

ao anh thi giac
Các tai nạn như vậy có thể là do vượt quá tốc độ, nhưng cũng rất có thể là do ảnh hưởng của ảo ảnh thị giác. (Ảnh: Wikimedia)

Thế giới “khách quan” nhìn qua con mắt thịt có phải là chân thực?

Chúng ta đều tin rằng điều mà chúng ta cảm nhận được từ các giác quan là chân thực. Chúng ta chấp nhận rằng điều mà bộ não nhận thức được từ các giác quan của chúng ta là chân thực. Từ nghiên cứu này, chúng ta biết rằng quan niệm này là không đúng. Chính bộ não chúng ta xác định cái gì nên thấy và cái gì không nên thấy. Và rồi điều gì xác định cái mà bộ não chúng ta “thấy”? Điều gì quyết định cách bộ não chúng ta nhận thức thế giới này?

Thực ra, điều mà con mắt chúng ta nhìn thấy được là rất hạn chế. Con mắt chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ánh sáng nhìn thấy với bước sóng từ 312 nm đến 1.050 nm trong dải quang phổ. Ở mức hoành quan và vi quan hơn, tất cả những gì chúng ta có thể thấy chỉ là một phần rất nhỏ của vũ trụ, và các vật thể đi vào tầm nhìn chúng ta chỉ có thể được thấy sau khi phản ánh đến bộ não. Khả năng nhận thức của chúng ta bị hạn chế bởi sự giới hạn của các giác quan. Một bài báo xuất bản ngày 17/5/2002 trên tạp chí khoa học Science nói rằng một đứa trẻ 6 tháng tuổi có khả năng lớn hơn một đứa trẻ 9 tháng tuổi khi phân biệt các khuôn mặt người và động vật. Còn gì nữa? Một đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể phân biệt các ngôn ngữ, trong khi một đứa trẻ 9 tháng tuổi chỉ có thể nhận ra sự khác biệt trong ngôn ngữ của chính mình. Chúng ta đều tin rằng khả năng của chúng ta là bắt nguồn từ sự giáo dục sau khi sinh ra, nhưng một số khả năng thực sự đáng kinh ngạc lại mất dần sau khi sinh ra.

Trong cả hai nền văn hóa Đông và Tây phương đều có ghi chép lại về những khả năng thần kỳ của con người. Ngày nay, những điều này được coi là thần thoại. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm lại các năng lực thoái hóa của con người, chẳng hạn so sánh khả năng của một đứa trẻ 6 tháng tuổi với một đứa trẻ 9 tháng tuổi. Bởi vì chúng ta đều có một đôi mắt thịt và bộ não chúng ta xác định thế giới là như thế nào dựa trên các quan niệm và các bộ quy tắc sẵn có như ví dụ bên trên, nên chúng ta không thể thấy được chân tướng thực sự của thế giới này.

Quý Khải tổng hợp

Xem thêm: