Các nhà khoa học giải mã tư liệu cổ đại từ hàng nghìn năm trước của nhiều nền văn hóa nhận thấy một sự miêu tả rất tương đồng với vụ nổ bom hạt nhân ngày nay.

Phải chăng các nền văn minh tiền sử nhầm lẫn người ngoài hành tinh với các vị “Thần”? (Ảnh: Internet)

Khi xem xét lịch sử và các tư liệu cổ đại của nhiều nền văn minh khác nhau trên thế giới, chúng ta có thể nhận thấy một lượng lớn thông tin đề cập đến các vị Thần – hạ xuống từ bầu trời – mang đến Trái Đất các vũ khí hùng mạnh, khác với bất cứ thứ gì người cổ đại từng trông thấy.

Nhưng liệu những ‘vũ khí cổ đại’ này chỉ là một bộ phận của truyền thuyết hay thần thoại? Liệu có khả năng những tư liệu cổ đại này không phải là truyền thuyết và thần thoại, mà là các vũ khí thực sự, được mang đến bởi các nền văn minh tiên tiến ngoài hành tinh?

Nếu xem qua thần thoại Hy Lạp và Hindu, chúng ta sẽ thấy trong đó miêu tả vũ khí của các vị Thần là một loại công cụ siêu mạnh có tính sát thương cao, có khả năng đốt cháy quân địch và san phẳng cả một khu vực.

Một trong những vũ khí đó là Narayanastra, được thần Vishnuc chế tạo ra để làm vũ khí cá nhân.

Loại “astra” (“vũ khí” trong tiếng Phạn) này có khả năng đồng thời bắn ra một tràng phi tên lên đến cả triệu cái. Cường độ tràng đạn tăng lên theo mức độ chống trả của quân địch. Cách duy nhất để phòng thủ trước đợt công kích này là biểu lộ thái độ đầu hàng toàn bộ trước khi phi tên tiếp cận mục tiêu. Điều này sẽ khiến phi tên ngừng lại.

Thú vị như khả năng của nó, vũ khí này chỉ dùng được một lần, bởi nếu dùng lần hai, Narayanastra sẽ xóa sổ lực lượng của chính mình.

Vũ khí Narayanastra. (Ảnh: Internet)

Được đúc bởi thần Brahma là vũ khí mang tên ông – Brahmastra. Loại vũ khí đáng gờm này được miêu tả trong một số purana- một loại tư liệu Ấn Độ cổ về một loạt chủ đề rộng lớn- là một vũ khí có tính tàn phá rất lớn. Người ta nói rằng khi Brahmastra được phóng ra, không một vụ phản công hay lối phòng thủ nào có thể ngăn được nó.

Brahmastra không bao giờ nhắm trật mục tiêu và phải được dùng với mục đích rõ ràng, nhắm vào một cá nhân hay đạo quân cụ thể nào đó, bởi đối tượng mục tiêu chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ hủy diệt hoàn toàn.

Dù vậy, có lẽ chi tiết quan trọng nhất về Brahmastra là khả năng phá hủy bên lề. Theo tư liệu cổ đại, vùng đất nơi vũ khí được sử dụng được rào quanh để ngăn chặn sự xâm nhập, và tất cả sự sống trong và xung quanh sẽ không còn tồn tại. Người nào tiếp xúc với nó sẽ bị vô sinh. Sau khi vũ khí được sử dụng, lượng mưa sẽ giảm và đất đai trở nên khô cằn rạn nứt.

Trên thực tế, Brahmastra được đề cập trong sử thi và kinh Vệ Đà như một loại vũ khí được viện đến cuối cùng và không bao giờ được sử dụng trong chiến trận.

Trong sử thi Mahabharata, vũ khí này là loại bắn phát một, nhưng mang jnăng lượng của cả vũ trụ.

Cột sáng là vũ khí Brahmastra. (Ảnh: Internet)

Uy lực của Brahmastra. (Ảnh: Internet)

Một phiên bản cải tiến của loại vũ khí đáng gờm này là Brahmashirsha Astra. Brahmashirsha Astra có sức mạnh lớn gấp 4 lần Brahmastra. Theo sử thi Mahabharata, khi vũ khí này được thức tỉnh, sẽ xuất hiện lửa, sấm chớp, và hàng ngàn sao băng rơi, theo sau bởi tiếng rền vang và hiện tượng mặt đất rung chuyển.

Một loại vũ khí khủng khiếp khác là Pashupatastra. Nó sẽ để lại một khung cảnh kiểu tận thế sau khi khai hỏa. Đây là loại vũ khí có khả năng hủy diệt lớn nhất trong tất cả các loại vũ khí được đề cập trong thần thoại Hindu. Loại vũ khí cổ đại này có khả năng hủy diệt tất cả sự sống.

Một đoạn trích trong sử thi Mahabharata có đề cập đến sức mạnh của Pashupatastra như sau:

Trong số các vũ khí đáng sợ, Pashupatastra vượt trội hơn so với vũ khí của các Thần Brahma, Narayana, Indra, Agneya, Varuna. Nó có thể vô hiệu hóa tất cả các loại vũ khí khác trong vũ trụ. Chính nhờ nắm giữ thứ vũ khí này, thần Mahadeva lừng lẫy thời xưa mới có thể thiêu đốt ba thành phố của thần Asura. Mahadeva đã đạt được thành tích đó chỉ nhờ mũi tên Pashupatastra. Vũ khí này, phóng ra từ cánh tay của thần Mahadeva, có thể nuốt trọn cả vũ trụ trong nửa thời gian một cái chớp mắt, nhờ những sinh vật cố định và di động. Loại vũ khí này có thể tước đoạt mạng sống của bất kỳ sinh vật nào trong vũ trụ.

Xem xét bản dịch của sử thi Mahabharata, nhiều người đồng tình rõ ràng nó miêu tả cách thức ‘các vị Thần’ sử dụng vũ khí cao cấp trên Trái Đất từ hàng chục nghìn năm trước. Các sự kiện thảm họa làm khuấy đảo nhiều lục địa được miêu tả như sau:

“Gurkha, bay một chiếc phi thuyền Vimana nhanh và mạnh, ném một viên đạn duy nhất với tất cả sức mạnh của vũ trụ.

Cột lửa khói dựng, sáng như vạn mặt trời, vút lên với tất cả sự hoành tráng.

Loại vũ khí vô danh, một tiếng sấm gầm, sứ giả khổng lồ của thần chết, thiêu đốt toàn bộ chủng tộc Vrishnis và Andhakas thành tro bụi.

Xác chết cháy đến mức không thể nhận dạng.

Tóc và móng tay rời ra, gốm vỡ tan, những con chim trắng bệch…

Sau một vài giờ, tất cả lương thực bị nhiễm độc…

Ðể thoát khỏi ngọn lửa, người lính ném mình vào lòng suối, kỳ cọ thân thể và vũ khí”.

Sau khi đọc những dòng trên, bạn có để ý thấy một sự tương đồng với các loại vũ khí chúng ta sở hữu ngày nay hay không? Như thể lịch sử đang một lần nữa lặp lại. Những tư liệu Hindu cổ đại này miêu tả thứ khá giống với bom hạt nhân ngày nay.

Hậu quả khủng khiếp được miêu tả sau khi sử dụng các vũ khí cổ đại như Brahmashirsha Astra, Pashupatastra, và Brahmastra là tương đồng một cách kỳ lạ với sau khi khai nổ một quả bom hạt nhân. Có nhà khoa học ước tính nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra dẫn đến việc khai hỏa 100 quả bom kiểu Hiroshima tại các thành phố, nó có thể gây thương vong rất lớn, lên đến hàng chục triệu người nếu chỉ xét đến ảnh hưởng dài hạn lên khí hậu. Một giả thuyết cho rằng nếu mỗi thành phố đều khai nổ bom hạt nhân, lượng lớn bồ hóng sẽ tràn ngập bầu khí quyển, che phủ lấy Trái Đất, và rốt cục sẽ cắt đứt nguồn sáng mặt trời trong nhiều năm, can thiệp đến chuỗi thức ăn,  tạo nên một mùa đông hạt nhân thực sự.

Liệu có khả năng … người cổ đại không phải đang miêu tả các truyền thuyết và thần thoại khi họ đề cập đến các Brahmashirsha Astra, Pashupatastra, và Brahmastra, mà đây là các vũ khí thực sự được mang đến Trái Đất bởi các vi Thần, một cách hình tượng để miêu tả những người ngoài hành tinh lạ hoắc đáp xuống từ bầu trời trên những phi thuyền không gian?

bom hạt nhânHình vẽ mô tả trận chiến Kurukshetra trong bản thảo cổ đại. (Ảnh: Wikimedia)

Hãy thử nghĩ xem, định nghĩa của một vị “Thần” và của một người ngoài hành tinh là như thế nào? Không ai có thể nói rằng hai cụm từ này không thể được kết hợp hay không thể được áp dụng một định nghĩa tương đồng.

Hãy thử tưởng tượng nếu con người ngày nay du hành đến Ai Cập cổ đại vào 2000-3000 năm trước, trên những chiếc phi cơ, trực thăng, đồng thời cầm trên tay máy tính bảng, điện thoại thông minh và vũ khí.

Khi đó người Ai Cập sẽ nhìn nhận công nghệ của chúng ta như thế nào? Liệu họ có nhìn nhận chúng ta giống như họ không?

Tôi cho rằng với những thiết bị này, chúng ta sẽ nổi bật hơn hằn, dường như nắm trong tay một quyền lực nào đó, đơn giản bởi con người thời đó không nhận biết được công nghệ của chúng ta, họ không hiểu nó, và do đó nhiều khả năng họ sẽ coi chúng ta là “thần thánh” đáp xuống từ bầu trời, trong các con chim sắt bay với hai cánh tỏa sáng, xả khói, lửa và âm thanh ầm ĩ khi hạ cánh … Khá giống với miêu tả về các vị Thần cổ đại ở Trung Bộ châu Mỹ và Châu Á, trong đó các con rồng hay mãng xà hạ xuống từ các vì sao,  tạo nên sự hỗn loạn và phá hủy mọi thứ khi hạ cánh.

Một điều thú vị là, trưởng nhóm khoa học trong Dự án Manhattan (dự án nghiên cứu phát triển những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II) TS J. Robert Oppenheimer – một người khá quen thuộc với văn bản tiếng Phạn cổ – cũng cho rằng từng xảy ra các vụ nổ bom hạt nhân trên Trái Đất trong quá khứ xa xôi.

Trong cuộc phỏng vấn được tiến hành sau khi chứng kiến vụ thử hạt nhân đầu tiên, ông đã trích dẫn câu sau từ văn bản Bhagavad Gita:

““Giờ đây tôi đang trở thành Tử Thần, Người hủy diệt thế giới. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều cảm thấy như vậy”.

Khi một học sinh hỏi TS Oppenheimer liệu thiết bị hạt nhân đầu tiên có phải được kích hoạt ở thành phố Alamogordo, bang New Mexico, Hoa Kỳ không, ông đã trả lời:

“Vâng. Đúng thế…[Ít nhất là] trong thời hiện đại”.

Nhưng liệu có bằng chứng cho thấy những vũ khí như vậy thật sự tồn tại trong quá khứ xa xôi?

Ở Pakistan ngày nay, tại khu vực bờ sông Ấn, chúng ta có thể tìm thấy một trong những di chỉ khảo cổ bí ẩn nhất trên Trái Đất – từng thuộc về một trong những nền văn minh cổ xưa nhất trên hành tinh – Văn minh lưu vực sông Ấn – thành phố cổ Mohenjo-Daro.

Mohenjo-Daro, cùng với Harappa cách đó 600 km về phía đông bắc, đã trở thành hai thành phố cổ đại nổi bật nhất thuộc nền văn minh lưu vực sông Ấn.

Điều thú vị là, giống với văn minh Sumer cổ đại, văn minh lưu vực sông Ấn dường như xuất hiện một cách đột ngột, mà không có bất kỳ dấu tích nào của một sự phát triển tuần tự dần lên trước đó, với khởi điểm là sự xuất hiện đột ngột của hai thành phố cổ Harappa và Mohenjo-Daro.

Nhưng nếu sự xuất hiện của một nền văn minh đáng kinh ngạc như vậy vẫn là một bí ẩn, sự biến mất của chúng thậm chí còn khó hiểu hơn. Nguyên nhân ban đầu được cho là do sự xâm lược của chủng người có nguồn gốc Ấn Âu. Tuy nhiên, trong cuộc khai quật sau này các chuyên gia đã tìm thấy vài mảnh di thể xương còn sót lại tại Mohenjo Daro. Theo các chuyên gia, cái chết đến với họ rất nhanh chóng.

Điều thú vị là, có một khu vực với bán kính 45 m tại trung tâm thành phố mà ở đó địa hình và các tòa nhà trông như thể bị kết tinh, hệ quả của việc tiếp xúc với một nguồn nhiệt cực đại (VD: cát được nung nóng để chế tạo thủy tinh).

Trên các tòa nhà gần trung tâm thành phố, các nhà nghiên cứu nhận thấy các viên gạch xây tường hướng ra phía bên ngoài và ra khỏi phần trung tâm cũng có vẻ như bị nung chảy và gắn liền lại với nhau. Theo các chuyên gia, điều này chỉ xảy ra khi tòa nhà hứng chịu mức nhiệt trên 1500 độ C.

Loại vũ khí nào có thể gây nên sự tàn phá lớn như vậy đến con người và các tòa nhà xung quanh?

Liệu có khả năng như một số người nhận định, Mohenjo-Daro từng bị tàn phá bởi một vụ nổ hạt nhân?

Truyền thuyết hay thực tế? Quan điểm của bạn là gì?

Quý Khải

Xem thêm: