Công ty Chứng khoán MB (MBS) ngày 11/1 đã tổ chức buổi hội thảo MBS’s Talk 12 với chủ đề “Thị trường chứng khoán 2018 gọi tên Việt Nam”, trong đó nêu ra nhận định về triển vọng của nền kinh tế và thị trường cho năm 2018.

Theo chuyên gia của MBS, chỉ số Vn-Index trong năm 2018 có thể đạt mốc 1.280 điểm, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể lên đến 30%.

Bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2018, chuyên gia MBS cho rằng có 3 câu chuyện lớn cần nhắc đến.

Thứ nhất là câu chuyện tăng trưởng. Nền kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng tiêu dùng và lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, cùng với đó là dòng vốn FDI vào mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tiếp đến là việc thi trường chứng khoán cải thiện khi thanh khoản đang tăng mạnh và có thể đạt đến 200 tỷ USD về vốn hóa. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh.

Cuối cùng là lộ trình nâng hạng thị trường có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh giống trường hợp của Pakistan trước đây, với mức tăng trưởng trên 40% trước khi nâng hạng, và chỉ bị chốt lời khi chính thức nâng hạng.

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường của MBS nhận định thị trường Việt Nam đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng, và chúng ta đang ở giai đoạn vàng son của những yếu tố tốt nhất như tăng trưởng GDP ở mức cao, tỷ giá ổn định, tín dụng tăng trưởng tốt, lãi suất và lạm phát cũng duy trì ở mức ổn định; Việt Nam cũng tạo được sức hút lớn sau kỳ rà soát vào Emerging Markets.

Chia sẻ về mục tiêu nâng hạng thị trường, ông Sơn cho biết sau kỳ rà soát thì Việt Nam vẫn còn 18 tiêu chí chưa đáp ứng được như mức độ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, hiệu quả của hệ thống vận hành… Việt Nam đang có những cải cách và khi con số tiêu chí chưa đáp ứng giảm xuống 9 hoặc 10 tiêu chí vẫn có thể đặc cách để vào Emerging Markets khi quy mô vốn hóa của chúng ta đang tăng rất mạnh.

Đối với triển vọng năm 2018, thị trường vẫn tiếp tục trong xu hướng tăng trưởng tích cực và các cơ hội đầu tư nhắm đến các yếu tố chính đó là: Nhóm cổ phiếu mới chuẩn bị niêm yết, Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, Nhóm cổ phiếu thoái vốn Nhà nước, Các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành có tốc độ tăng lợi nhuận cao.

Đối với tiến trình cổ phần hóa, năm 2017 tiến trình diễn ra khá mạnh mẽ với 44 doanh nghiệp. Năm 2018 tiếp tục là năm cao điểm về cổ phần hóa với 64 doanh nghiệp, ngay đầu năm nay sẽ có khoảng 10 doanh nghiệp tiến hành IPO.

Về kịch bản thị trường, với nền tảng của năm 2017 cộng với dòng tiền lớn từ nước ngoài và các tiêu điểm về thoái vốn nhà nước, IPO, tái cơ cấu ngành ngân hàng, giải quyết bài toán nợ xấu, chuyên gia MBS cho rằng về cơ bản lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết 2018 đâu đó khoảng 30%.

Từ đó, chuyên gia MBS cho rằng chỉ số trong năm 2018 có thể đạt được ít nhất 1.280 điểm. Các nhịp điều chỉnh diễn ra trong năm sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư giải ngân vào các mã cổ phiếu tốt.

Quang Minh