Sài Gòn đang trong đợt nắng nóng cao điểm. Thời tiết oi bức khiến các loại hoa quả giải nhiệt như chanh tăng giá chóng mặt, lên đến 45.000 đồng/kg, đắt gấp hơn 4 lần so với năm ngoái.

Chia sẻ trên Vnexpress, chị Hoa, một người trồng chanh ở Bến Lức (Long An), cho biết chị vừa bán 2 tấn chanh tại vườn với giá 24.000 đồng/kg. Sau trừ chi phí, 2 sào chanh nhà chị mang về số lãi hơn chục triệu đồng. Chị cho biết, trước Tết, giá chanh tại vườn chỉ vài nghìn đồng/kg.

Tương tự, ông Ga, người có 1 ha chanh ở Thạnh Hòa (Long An), cũng cho biết đầu năm gia đình ông thu hoạch 17 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng khi giá bán đạt 20.000-24.000 đồng/kg.

Theo ông Ga, giá chanh giảm mạnh vào tháng 9, tháng 10 năm ngoái, nhưng năm nay lại tăng cao đột biến vì nguồn cung thấp.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát tại các chợ ở Tp.HCM cũng cho thấy, giá chanh còn cao hơn cả cam sành.

Chị Lan, tiểu thương tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp), cho biết giá chanh gần đây có lúc lên tới 45.000 đồng/kg với chanh không hạt, 35.000 đồng/kg với chanh có hạt. Như vậy, giá chanh đã tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2017 khi giá chỉ vào khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, cam sành hiện có giá khoảng 25.000-40.000 đồng/kg.

Ngoài ra, chị Lan cho biết thêm mỗi ngày chị mua khoảng 5-10 kg chanh nhưng đến chiều là hết hàng do lượng khách mua đông.

Theo các thương lái thu mua, giá chanh tăng cao vì nắng nóng ở Tp.HCM kéo dài.

Chị Vân, thương lái ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre), thừa nhận năm nay trồng chanh có lời hơn cả cam bởi cam sành loại ngon mua tại vườn chỉ 15.000-20.000 đồng/kg, trong khi chanh lại có giá lên tới 30.000 đồng/kg.

Nắng nóng ở Tp.HCM đẩy giá chanh tăng cao đột biến, đắt hơn cam sành
Nước sâm đang được bán nhiều tại TP.HCM (ảnh: Tuổi trẻ).

Bên cạnh các loại trái cây giải nhiệt hút khách, những loại nước mát cũng tạo nên “cơn sốt” nhờ mức giá phải chăng. Theo Tuổi trẻ, hai sản phẩm đồ uống được ưa chuộng nhất hiện nay tại Tp.HCM là nước sâm và trà bí đao hạt chia. Các loại này được khá nhiều điểm mở bán với giá 8.000-10.000 đồng/ly, chủ yếu bán cho người đi đường.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại cửa hàng nước sâm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, ba loại nước sâm chủ đạo là sâm atisô hoa cúc, rong biển và nước đắng được quảng cáo là hàng tự nấu luôn tấp nập khách hàng.

Tuy nhiên, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, khuyến cáo mùa nắng nóng nên hạn chế uống các loại nước ngọt, vì những thức uống này có thể làm cơ thể nóng lên. Đặc biệt, các loại “nước mát” như nước sâm… không có tác dụng giải nhiệt được nhiều, thậm chí nếu uống ngọt bằng cách cho nhiều đường còn có tác dụng ngược lại làm cơ thể nóng hơn.

Nguyễn Trang