Tỉnh Quảng Bình vừa đồng ý lắp một chiếc thang sắt trong hang động lớn nhất thế giới.

Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis – đơn vị khai thác tuyến Chinh phục Sơn Đoòng) sẽ thi công dưới sự giám sát, theo dõi của Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh này tham mưu, xin ý kiến của Bộ TN-MT về sự cần thiết lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tuyến Chinh phục Sơn Đoòng.

Đầu năm 2017, Công ty Oxalis đã được cơ quan chức năng đồng ý phương án thử nghiệm đi xuyên hang bằng cách lắp đặt thang để vượt qua “Bức tường Việt Nam” với mục đích hạn chế thời gian lưu lại, rút ngắn khoảng cách đi lại trong hang cho khách khi tham gia tuyến du lịch mạo hiểm này.

Du khách phải đi bộ gần 50km để chinh phục hang động nhưng lắp thang sẽ chỉ đi bộ khoảng 30km, lưu trú tại hang Én một đêm và hang Sơn Đoòng 2 đêm.

Do thang lắp tạm thời có thể bị ngã đổ, ảnh hưởng tới sự an toàn của du khách trong chuyến thám hiểm, nên Công ty Oxalis đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình cho phép dùng thiết bị kỹ thuật khoan các mũi khoan vào vách hang thạch nhũ, cố định vững chắc chiếc thang.

Các khối thạch nhũ trong hang Sơn Đoòng có tuổi đời hàng triệu năm (Ảnh NLĐ).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc khoan vào thạch nhũ ở các vách để lắp thang sắt sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của tầng địa chất và sự nguyên sơ của di sản vô giá.

“Bức tường Việt Nam ” (The Great Wall of Vietnam) là một kỳ quan cực kỳ quý hiếm gần cuối động, cao 90m, được cấu tạo bởi nhũ đá có tuổi đời ước đến hàng triệu năm. Phía sau bức tường là đoạn hang dài 600m và có lối ra cửa sau. Các chuyên gia đánh giá đây là kiệt tác thiên nhiên.

UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho Công ty Oxalis được đồng quyền khai thác tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng” vào năm 2013. Hành trình khám phá hang động được thực hiện từ trước cửa hang đến điểm “Bức tường Việt Nam ” thì quay trở ra. Với lộ trình này, du khách phải đi bộ gần 10km trong hang.

Thanh Tùng