Nhiều vụ án nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận nhưng lại bị bỏ ngỏ hoặc đóng hồ sơ chỉ với lý do bị cáo “bỗng dưng” mắc bệnh tâm thần.

Gia đình có người mắc bệnh tâm thần được coi là một sự không may mắn, bởi cuộc đời của những kẻ ngây dại sẽ không được trọn vẹn, còn những người thân phải vất vả ngược xuôi chăm sóc, lo tìm cách nuôi dưỡng. Ấy thế nhưng, lại có rất nhiều trường hợp đang lành lặn, tỉnh táo cũng cố “chạy” cho bằng được tấm giấy chứng nhận mình mắc bệnh tâm thần. Và đây cũng là mầm mống của nhiều tội ác.

Xin được làm người… điên

Đã có rất nhiều vụ án gây chấn động dư luận, đòi hỏi kẻ phạm tội phải bị trừng trị nghiêm minh, nhưng nhiều người phải đã phải uất nghẹn nhìn kẻ gây ra tội ác cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật chỉ bởi tấm bùa “chứng nhận tâm thần”.

Tháng 4/2017, cả tỉnh Điện Biên xôn xao với vụ án Cao Bá Tuấn (sinh năm 1976) dâm ô một bé gái 4 tuổi. Khi bị khởi tố, gia đình Tuấn đã cung cấp giấy tờ chứng minh Tuấn bị tâm thần. Tuy nhiên, sau khi giám định lại thì Tuấn vẫn có đủ năng lực điều khiển và nhận thức về hành vi của mình nên đã quyết định khởi tố bị can và bắt giam người đàn ông này.

Tháng 7/2017, phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án tiêm máu nhiễm HIV vào người cháu bé 2 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, kết quả xét xử khiến nhiều người phẫn nộ khi chủ mưu là nữ giám đốc Đào Thị Thu Thảo được thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần. Dù trước đó, những kẻ được Thảo thuê đều khẳng định người phụ nữ này hoàn toàn bình thường và tỉnh táo khi thuê họ làm việc ác.

Nói đến việc giả tâm thần để thoát tội phải kể đến “cao thủ” Nguyễn Ngọc Bình, tức Ngọc “chập” (47 tuổi, ở Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội). Người phụ nữ này có tới 3 bản án về tội Mua bán trái phép ma túy, nhưng nhờ “bảo bối” giấy chứng nhận tâm thần, mà chưa từng phải thi hành một bản án nào.

Mô-típ chạy tội của những kẻ ma mãnh này sau nhiều vụ án vẫn là: buôn bán trái phép chất ma túy, bị bắt thì phát bệnh tâm thần, đưa đi điều trị bắt buộc, sau thời gian điều trị lại tiếp tục bán ma túy.

Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ, ở một địa phương phía Nam xảy ra vụ án mà người phạm tội từng giữ chức vụ cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Người này trước khi bị khởi tố còn làm việc bình thường. Ấy vậy mà khi bị khởi tố, tự nhiên hóa bệnh tâm thần. Hai bị cáo cùng vụ bị xử lý hình sự và đã thi hành án, riêng người này vẫn đang được “điều trị bắt buộc” mà thoát án.

Trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp thoát tội vì có giấy chứng nhận tâm thần. Thậm chí có trường hợp, trên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo trả lời rành rọt mọi thẩm tra, nhưng đến phiên phúc thẩm, bị cáo bỗng dưng “thích” la hét và gia đình xin được giám định tâm thần. Tuy nhiên, chiêu bài giả điên đã bị vạch trần sau những câu hỏi thẩm định của tòa.

Những lỗ hổng luật định

Trong khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành quy định, nếu đúng tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, những người phạm tội là người không có năng lực hành vi dân sự (tức là bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh nào đó gây hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự) thì họ không phải chịu trách nhiệm về hình sự.

Chính vì quy định này mà nhiều người đã dùng bệnh án tâm thần như “kim bài miễn tử”, thậm chí còn thủ sẵn “bảo bối” này ngay cả trước khi chưa gây án.

Xét về tâm thần học, có những trường hợp kẻ gây án sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị hoảng loạn dẫn đến có biểu hiện tâm thần. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có trường hợp hung thủ tự mình hoặc được người có kiến thức, am hiểu pháp luật tư vấn giả bệnh tâm thần để trốn tránh pháp luật.

Ngoài việc giả điên, làm giấy tờ giả, thậm chí nhiều người còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần “thật”, rồi dán hình, sửa tên, địa chỉ, làm thành bộ hồ sơ tâm thần “giả” hoàn hảo để chạy tội cho mình.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM) từng nhận định trên báo Tiền Phong, nhiều kẻ không từ bất cứ thủ đoạn nào để có được giấy chứng nhận tâm thần. Trung tâm cũng vừa tiến hành giám định một trường hợp lợi dụng hồ sơ tâm thần của người khác để chạy tội. Thành phần này rất nguy hiểm, từng có nhiều tiền án, tiền sự liên quan đến vay tiền, thế chấp.

“Chúng tôi phải trực tiếp mời bệnh nhân theo hồ sơ “thật” đến giám định có bệnh hay không, còn người phạm tội thì giao cho công an xử lý theo quy định của pháp luật”, bác sĩ Quang nói.

Trong công tác giám định, theo đánh giá của nhiều chuyên gia về tâm thần, thực chất vẫn tồn tại những lỗ hổng. Kiến thức chuyên môn của giám định viên cũng là một trong những thiếu sót hiện tại trong khi tình hình tội phạm ngày một phức tạp, kẻ gây án khôn ngoan, xảo quyệt hơn. Hơn nữa, nếu bác sĩ không làm chủ được bản thân, sẽ dễ dàng sa ngã trước những món lợi trước mắt mà nhắm mắt kí tên vào giấy giám định tâm thần, để đối tượng xấu thoát tội.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang cho biết, Luật giám định tư pháp đã quy định rõ ràng những đơn vị, cơ quan nào được phép cấp giấy chứng nhận tâm thần. Nhưng vẫn có nhiều nơi cấp giấy tùy tiện, để khi xảy ra nhiều vấn đề hệ lụy thì mới vỡ lẽ.

Thực tế, nhiều cơ quan quản lý xong lại không có cơ chế thẩm định kết quả giám định. Hiện tại Bộ Y tế chỉ làm công tác giám định và cho ra kết quả xác nhận tâm thần hay không; Bộ Lao động Thương binh & Xã hội dựa vào kết quả đó để thực hiện trợ cấp theo thông tư. Còn Bộ Công an thì dựa vào kết quả này để xử lý hình sự hay không. Chính vì sự liên kết “rời rạc” như vậy mà giấy chứng nhận tâm thần là bảo bối. Bởi lẽ ra, trong giấy chứng nhận cần ghi rõ kết quả giám định phù hợp với hành vi, mục đích chứng nhận nào.

Một luật định mang tính nhân văn đã bị lợi dụng trở thành công cụ tiếp tay cho tội ác và xã hội đang giống như một bệnh viện với những mầm mống gây nên các vấn đề tiêu cực. Để một cơ thể không còn bệnh tật, thì ngoại trừ việc xóa bỏ dứt điểm các khối ung nhọt, điều trị triệt để thì cần hơn cả là những biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

Thế Tam