Trên mạng xã hội những ngày tràn ngập những ý kiến bày tỏ sự lo lắng về việc khả năng Quốc hội thông qua luật đặc khu kinh tế, trong đó có việc cho nước ngoài thuê đất 99 năm. Đây chỉ là một dự luật kinh tế, vì sao người dân cả nước quan tâm đến thế? Bởi vì có nhiều người cảm thấy một mối bất an từ cái tên “đặc khu”.

Nhiều ý kiến lo sợ rằng những người thuê đặc khu ấy trong một thời gian quá dài mới là kẻ làm ra sự đe dọa, vì người sẽ thuê 3 vị trí chiến lược tại 3 đặc khu kinh tế đó của Việt Nam sẽ là Trung Quốc.

Tại sao lại lo sợ như thế? Thực tế mấy năm qua, người Trung đã bằng mọi hình thức để mua nhà đất ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… Họ mở công ty bán hàng, mở địa điểm thu gom nông sản, hải sản, gia súc, hoa quả, mở cửa hàng ăn. Dịp hè này nếu đến Nha Trang, sẽ có cảm giác đây đã có hơi hướng của Phố Tàu, bởi vì cả khu vực rộng chỉ toàn người Hoa.

Phố Tàu – China Town – thì cả thế giới đều có, vậy có gì phải sợ? Bản chất đó là nơi ở tập trung của người Hoa, nơi đó có múa lân và các món ăn Trung Quốc. Tất cả các thành phố lớn đều có China Town.

Nhưng rồi đến giờ China Town đã phát triển quá nhanh. Nó đã biến thành một “tiểu Trung Quốc” trên đất nước khác, với sức ảnh hưởng không nhỏ. China Town này muốn mở rộng mãi mãi và muốn “Trung Quốc hóa” những khu vực mà nó lấn tới, sẽ là hàng hóa giá rẻ chất lượng thấp, sẽ là cạnh tranh không công bằng, sẽ là những cái xấu bất bình đẳng đi theo.

Đây chính là nỗi lo sợ của rất nhiều người ở những quốc gia mà những người Trung Quốc đến định cư và làm mọc lên những China Town. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục cảnh báo người Mỹ về mối nguy hiểm này của Trung Quốc hiện đại và tìm cách ngăn cản sự phát triển ảnh hưởng của các China Town.

Những tâm tư lo lắng vừa qua của cộng đồng dân cư mạng chính là nỗi lo hiện hữu này.

phố tàu
China Town ở Thái Lan. (Ảnh: BuffaloTrip)

Vì sao cả thế giới lo ngại ảnh hưởng kinh tế của Trung quốc?

Có nhiều thực tế cho thấy tiền của Trung Quốc tới đâu thì ở đó sẽ bị mất đất, mất chủ quyền. Chỉ 10 năm dòng vốn Trung quốc tới Nam Phi đã biến nơi ấy thành sân sau của họ.

Chính vì thế, trong một hội nghị G20 vào tháng 3/2018 và tại cuộc họp tháng 5 của IMF, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã nêu lên những lo ngại của Mỹ về rủi ro vỡ nợ của các nước, cho rằng khoản vay của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không chỉ đến nước đó mà đến trật tự kinh tế thế giới.

Ví dụ, Trung Quốc đã tài trợ Ecuador 10 tỷ USD trong 6 năm qua cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng vì đây là nước giàu tài nguyên thiên nhiên. Lượng tiền đầu tư lớn của Trung Quốc còn được rót vào các dự án như đường cao tốc 4 làn ở Sri Lanka, cầu ở Angola, đường cao tốc ở Pakistan và một công ty đường sắt ở Venezuela.

Tuy nhiên, các khoản cho vay hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc trên khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh hầu hết vẫn trong vòng bí mật.

Các hoạt động cho vay bí mật của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển đã khiến Mỹ, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phản đối.

Mỹ tỏ ra quan ngại khi Trung Quốc đang cố gắng giành quyền “phủ quyết” đối với các quyết định kinh tế của các quốc gia khác, và lo ngại các khoản đầu tư và cho vay của nhà nước như một cách Bắc Kinh kéo Mỹ Latinh vào quỹ đạo của mình.

Mỹ cho rằng Trung quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn cần sự hỗ trợ của các quốc gia tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới nữa, vì hàng năm World Bank vẫn cho Trung Quốc vay tiền. Năm 2017, Trung Quốc đã được vay 2,47 tỷ USD từ tổ chức này.

Ở tận Nam Bán cầu, Úc cũng lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính phủ Australia chuẩn bị thắt chặt luật đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng điện và đất nông nghiệp bởi những lo ngại về khả năng người Trung Quốc ảnh hưởng quá lớn lên kinh tế, chính trị và xã hội Australia.

Australia thắt chặt luật đầu tư sau khi vốn đầu tư của Trung Quốc tăng đột biến trong những năm gần đây sau vụ việc cảng Darwin bị bán cho Landbridge, một công ty Trung Quốc. Nhiều quan chức quốc phòng Mỹ đã tỏ ra lo lắng vì khu cảng này đang có một căn cứ của hải quân Mỹ đóng tại đây.

Ngay sau vụ việc đó, chính Bộ trưởng Tài chính Australia đã ngăn chặn công ty Cheung Kong của Hồng Kông và công ty State Grid của Trung Quốc mua lại công ty điện Ausgrid. 

Giới nhà giàu Trung Quốc còn gây xáo trộn thị trường bất động sản Úc. Trang web bất động sản quốc tế Juwai cho hay năm 2016 là năm Trung Quốc đầu tư mạnh nhất vào bất động sản dân cư tại Úc. Có những phiên đấu giá mua nhà ở Úc gần đây chỉ có người Trung Quốc mua, còn người da trắng chỉ làm môi giới bán nhà.

Những câu chuyện đó đặt ra câu hỏi liệu có nên vì phát triển kinh tế mà chấp nhận sự ảnh hưởng lâu dài của China Town?

Thành Long