Với kiến trúc Kim tự tháp ngược, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng nhưng từ khi khánh thành tới nay, Bảo tàng Hà Nội vắng bóng khách tham quan, gần như không hoạt động và trở thành ‘ngôi nhà hoang’ lớn nhất Thủ đô.

Theo Báo Infonet, Bảo tàng Hà Nội mới nằm trong khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia (tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần.

Đây là một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với mức đầu tư rất lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Infonet)

Từ ngày khánh thành (6/10/2010) đến nay đã 8 năm, công trình này rất ít hoạt động và gần như chưa mang lại lợi ích tương ứng so với chi phí đầu tư xây dựng. Hiện nay mỗi ngày Bảo tàng Hà Nội đón được rất ít khách, chủ yếu là du khách nước ngoài tới tham quan.

Nhiều người ví rằng Bảo tàng Hà Nội hiện nay đã trở thành “ngôi nhà hoang” lớn nhất Thủ đô. (Ảnh: Infonet)

Chị Nguyễn Lan Anh (sinh viên trường Đại học văn hóa Hà Nội) cùng nhóm bạn đến bảo tàng để thu thập tài liệu cho môn học cho biết , dù là nơi trưng bày hiện vật của Hà Nội nhưng số lượng ít, nghèo nàn.

“So với các bảo tàng tôi từng đến tham quan, việc bố trí, trưng bày hiện vật của Bảo tàng Hà Nội thiếu sinh động, các cổ vật khá rời rạc, thiếu hấp dẫn”, chị Lan Anh nhận xét.

Không gian bảo tàng Hà Nội trưng bày lộn xộn, không hấp dẫn, khách vắng tanh. (Ảnh: Tiền Phong)

Trước đó, trao đổi với báo chí về nguyên nhân vắng khách tham quan, lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội thừa nhận, do đặc thù trưng bày hiện vật thể hiện bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng mô hình, sa bàn tốn kém nên khó thu hút khách tham quan, báo Tiền Phong thông tin.

Bảo tàng Hà Nội hình kim tự tháp ngược. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bảo tàng Hà Nội chưa đồng bộ giữa chuẩn bị nội dung trưng bày và thiết kế xây dựng. Ngôn ngữ chính của bảo tàng là xây dựng bộ sưu tập cổ vật thì bảo tàng Hà Nội chưa làm được.

“Quan trọng nhất với bảo tàng là xây dựng bộ sưu tập chứ không phải số hiện vật đã và đang trưng bày, cần phải đổi mới cách làm, bảo tàng mới có thể thu hút khách tham quan”, ông Dương Trung Quốc nhìn nhận.

Bảo tàng được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54.000 m², cao 30,7 m. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000 m², diện tích sàn hơn 30.000 m² (kể cả tầng hầm và tầng mái).

Bảo tàng Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 2.400 tỷ đồng trong đó giai đoạn 1 là tòa nhà “kim tự tháp ngược” đã hoàn thành với tổng trị giá 1.600 tỷ đồng. Giai đoạn hai tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, gồm nội dung trưng bày hiện vật, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nay được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.

Khôi Minh (Tổng hợp)