Đêm giao thừa lại cũng qua đi, yên tĩnh như bao đêm khác. Bây giờ đã là thời khắc của năm mới. Tôi mãi vẫn không ngủ được. Lại nhớ mẹ quay quắt. Mẹ mất đã được gần hai chục năm rồi, sao tôi không thể quên?…

Ở đất phương Nam rực nắng quanh năm, Tết đến lại làm tôi thấy buồn. Tết đến lại có thời giờ để nhẩm tính đã bao năm rồi ta không được gặp mẹ. Bất kỳ một gợi nhớ nhỏ nhoi nào cũng làm tôi muốn khóc. Khóc vì lý do gì tôi cũng không biết nữa.

Giờ này ngày xưa mẹ chưa ngủ. Giờ này ngày xưa, mẹ đang loay hoay dọn dẹp bữa tiệc giao thừa, rồi loay hoay xếp quần áo cho từng đứa mặc ngày mùng Một. Tôi thường chỉ thấy được có thế rồi chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, trong đống quần áo của mỗi đứa, bao giờ cũng có một hộp giấy xinh xắn màu hồng có thắt nơ xanh – quà mừng tuổi của mẹ cho chúng tôi. Trong hộp của tôi còn có thêm một cái kẹp tóc cài nơ rất xinh mẹ tự làm cho tôi nữa.

Mẹ không phải chỉ thức đêm giao thừa. Bao đêm trước đó mẹ đã thức để may cho mỗi đứa một bộ đồ mới. Còn mẹ thì năm nào cũng chỉ mặc cái áo dài màu cốm và quàng khăn nhung đen. Đối với tôi màu cốm và màu nhung đen nhánh là bất tử vì khi mẹ mặc vào trông nó rất mới và mẹ rất đẹp.

Tết bây giờ khác xưa nhiều lắm. Vòng một vòng siêu thị là có tất cả. Còn mẹ khi xưa phải chuẩn bị trước đó rất lâu. Lúc thì mua măng, lúc thì mua miến, lúc thì mua đậu xanh hay gạo để dành gói bánh chưng. Ngày gói bánh chưng là ngày vui nhất. Cả thúng gạo đầy, hạt gạo trắng mọng nước, đậu xanh chín nắm thành từng nắm vàng óng, thơm lừng. Cả nhà quây quần xung quanh để xem mẹ gói bánh. Tay mẹ nhanh thoăn thoắt, loáng một cái đã xong một cái bánh vuông vức xanh mướt. Vui nhất là lúc mẹ gói những cái bánh con buộc lạt thật dài. Mỗi đứa một cái, tung tăng chơi chán trước khi bánh được xếp nào nồi, rồi sau đó khi bánh chín, sẽ tung tăng chơi một lúc trước khi hồi hộp bóc bánh của mình để ăn.

Ảnh minh họa (nguồn: Tạp chí Mỹ phẩm).

Lúc nấu bánh, mẹ lại tranh thủ làm mứt, nấu chè kho, thịt đông và thịt kho tàu. Buổi sáng, chúng tôi thức dậy đã thấy từng chồng bánh được vớt ra xếp ngay ngắn trên bàn. Nồi nước mùi tỏa hương thơm phức đang chờ chúng tôi dậy để tắm.

Bố đi làm xa thỉnh thoảng mới về. Một mình mẹ phải lo sáu đứa con nên chẳng lúc nào được nghỉ ngơi. Chị gái tôi đã đi lấy chồng, nhà còn lại toàn con trai, có mỗi tôi là con gái nên rất được cưng chiều. Trong cái xóm lao động nghèo, suốt năm suốt tháng đều đều những lo toan tất bật mưu sinh ấy, tôi vẫn được gọi là “công chúa của mẹ”. Tối nào đi ngủ, tôi cũng chờ mẹ, chờ đợi giờ phút hiếm hoi trước giấc ngủ mẹ thường ôm tôi vào lòng, kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Nằm bên mẹ, vùi đầu trong suối tóc của mẹ tỏa hương bồ kết ngây ngây, tay mẹ lần vào tóc tôi, thầm thì kể về nàng Lọ Lem và cô Tấm đơn côi, cánh buồm đỏ thắm xa rất xa… Giấc ngủ đến với tôi thật nhanh, thật êm đềm, bồng bềnh trong vòng tay mẹ.

Tôi cứ thế lớn lên trong thế giới đầy sắc màu của chuyện cổ tích. Con búp bê bằng giẻ cũng trở thành công chúa; con cào cào là con ngựa chở cỗ xe của nàng Lọ Lem, và hàng cây dâm bụt bên rãnh nước với tôi khi ấy cũng là một cánh rừng đầy huyền bí. Trong thế giới của chuyện cổ tích, cái Thiện và cái Ác luôn được phân định rạch ròi. Trong thế giới ấy, không có chỗ cho sự tuyệt vọng, còn nỗi cô đơn lại trở nên uy nghi và thánh thiện.

Tôi nhớ tôi khi ấy là cô bé con sáu tuổi, lần đầu tiên được mẹ dẫn đến cơ quan dự lễ 1/6 tổ chức cho thiếu nhi. Khi ấy mẹ còn là công nhân đóng sách của nhà in báo Hà Nội Mới, ở ngay gần Hồ Gươm. Cả tuần trước khi dự lễ, mẹ đã lui cui cắt khâu cho tôi một cái váy đầm từ chiếc áo dài cũ của chị. Cái váy xa-tanh màu hồng khi ấy với tôi cũng giống như bộ váy dạ hội của nàng Lọ Lem. Chiếc váy bồng bềnh, hai bím tóc dài thắt nơ màu hồng làm bước chân tôi bay bổng bên mẹ, bay bổng bên bờ Hồ Gươm buổi chiều hè lộng gió, bay bổng suốt cả cuộc đời tôi. Kỷ niệm ấy giống như một dòng suối mát chảy vô tận. Nó gột rửa mọi nỗi ưu phiền, xoa dịu mọi nỗi đắng cay, cho tôi niềm tin về cái Thiện và thêm sức sống mới. Mỗi khi nghĩ về nó, tôi lại thấy mình là đứa bé đang hạnh phúc tràn trề trong vòng tay của mẹ.

Ảnh minh họa (nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam).

Mẹ nấu ăn rất ngon và rất nhanh. Suốt cả tuần ăn uống đạm bạc, tối thứ Bảy và Chủ nhật, bao giờ gia đình cũng có món ăn ngon vì hôm ấy bố về nhà. Khi nấu ăn, mẹ luôn muốn có tôi bên cạnh để sai vặt. Mẹ có một cái nồi nhỏ xíu để chưng nước màu. Cái nồi này cũ kỹ đến mức chỉ còn có một quai và không có nắp. Không ai nhớ nó có mặt trong nhà từ khi nào. Chỉ biết rằng khi tôi nhận ra được các đồ vật trong nhà là tôi đã thấy nó. So với những cái nồi khác trong bếp thì cái nồi này thật là tí hon. Vậy mà mẹ giữ gìn nó lắm. Khi sinh các con, mẹ dùng nó để chưng nước mắm – món ăn duy nhất của mẹ khi sinh con. Có lần mẹ sinh em bé, tôi được mẹ cho ăn cơm nóng với món nước mắm chưng này. Quả thật cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thấy món ăn nào để lại ấn tượng ngon lành hơn như thế, mặc dù nó rất mặn.

Rồi cái nồi ấy còn dùng để nấu bột cho tất cả chúng tôi khi còn nhỏ. Khi chúng tôi lớn, nó chỉ còn được dùng để chưng nước màu. Tôi gọi nó là “Tí Hon”, mẹ cũng thích thế nên thỉnh thoảng mẹ vẫn bảo: “Mang Tí Hon lại đây cho mẹ nào!”.

Tôi rất thích xem mẹ nấu ăn. Tất cả trong tay mẹ như là ảo thuật vì những thứ bình thường bỗng chốc hóa thơm lừng. Có lần mẹ vừa cười vừa bảo: “Xem mẹ nấu ăn để học, rồi về sau con còn phải nấu cho chồng con con ăn”.

Tôi ngây thơ bảo: “Cả cho mẹ ăn nữa, mẹ ạ”.

Mẹ chỉ cười không nói gì. Ánh mắt mẹ nói điều gì đó mà khi đó tôi không hiểu.

Rồi tôi lớn lên, ngày càng ít ở bên mẹ. Khi ra trường, tôi được điều đi làm việc ở tận Đà Lạt, một năm mới được về thăm mẹ một lần. Lại được mẹ nấu cho những món ăn ngon, lại được mang Tí Hon đến cho mẹ và được nằm bên mẹ để mẹ sờ đầu cho dễ ngủ.

Rồi tôi có gia đình riêng, rồi có con. Tất bật việc cơ quan và lo cho con cái nên ít được về thăm mẹ hơn. Có vài lần mẹ vào thăm chúng tôi. Mẹ lại tất tả lo đi chợ, may vá và nấu ăn. Tôi đi làm về, thấy cơm nước đã sẵn sàng, thấy mẹ ngày một gầy yếu đi lòng thấy quặn đau. Tôi bắt đầu sợ hãi mỗi khi nghĩ rằng mẹ sẽ không còn trên đời này nữa. Linh cảm của tôi đã đúng khi bác sĩ thông báo mẹ bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tôi không dám nghĩ đến giờ khắc ấy nữa. Chỉ khi ấy tôi mới biết rằng thế nào là đất sụp dưới chân.

Ảnh minh họa (nguồn: Kênh Phụ nữ).

Mẹ phải điều trị cả bằng hóa trị và xạ trị, và mẹ đã kiên cường vượt qua được giai đoạn khủng khiếp đó. Mẹ viết thư bảo mẹ muốn sống để nhìn thấy con gái tôi lớn lên và trưởng thành. Mẹ kỳ vọng vào nó còn hơn cả tôi nữa. Mẹ bảo nó là viên ngọc của mẹ. Có lẽ những gì mẹ chưa dành được cho tôi thì mẹ đã dành hết cả cho con tôi. Tôi biết tình yêu mẹ dành cho tôi lớn biết chừng nào.

Khi trị bệnh xong, mẹ lại vào với chúng tôi ngay. Mặc dù rất yếu nhưng mẹ vẫn làm việc này, việc nọ không ngơi tay. Mẹ mạng lại những chiếc tất cũ của chồng tôi. Mẹ tìm vải vụn may cho con gái tôi chùm quả màu sắc sặc sỡ. Tôi nhìn lại thứ đồ chơi tuổi thơ với quả ớt đỏ rực, quả thị vàng ươm, chùm nho xanh nhỏ xíu lại thấy nao lòng. Mỗi khi nhìn mẹ chăm sóc con gái tôi, tôi lại thấy tôi khi nhỏ được mẹ cầm tay dắt đến lớp mẫu giáo mỗi ngày, được mẹ chải tóc mỗi ngày trước khi đi học. Nhưng không hiểu sao tôi cứ thấy đau thắt lòng. Sao tôi lại cứ nhớ đến câu mẹ nói: “Hư, mẹ không yêu!” mỗi khi tôi không nghe lời, để đến bây giờ tôi thấy đau lòng đến thế?

Chủ nhật ở nhà, tôi luôn hỏi mẹ thích ăn món gì để nấu cho mẹ, nhưng mẹ luôn nói để mẹ tự làm – mà mẹ chỉ nấu những món mà chúng tôi thích. Mẹ thường nói đùa với tôi: “Cứ để mẹ làm để mẹ sống lâu. Khi mẹ không thích nấu ăn nữa là mẹ sẽ chết”.

Thời gian ấy, mỗi khi đi làm, tôi chỉ mong chóng hết giờ để về bên mẹ. Tôi không muốn thời gian trôi đi, tôi muốn làm một cái gì đó cho mẹ, mà tôi chẳng thể làm gì. Trong khi đó thì mẹ vẫn cứ làm mọi thứ để bao bọc cho chúng tôi. Lần ấy mẹ ở với chúng tôi được khoảng hai tháng thì lại quay ra Hà Nội. Chúng tôi năn nỉ mẹ ở lại nhưng mẹ nói còn hai đứa em tôi ở Hà Nội, chúng chưa có gia đình nên vẫn cần có mẹ. Tôi cảm thấy sự mất mát lớn nhất của đời tôi cứ đến dần dần.

Được hơn một năm nữa thì bệnh ung thư di căn lại tái phát. Khi ấy tôi mới sinh con gái thứ hai. Lúc bệnh đã trầm trọng, mẹ vẫn không muốn báo cho tôi, sợ tôi mới sinh sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe. Chỉ đến khi biết chắc không qua khỏi mẹ mới đồng ý báo cho tôi được biết. Tôi để con gái mới hơn một tháng tuổi ở lại cho bạn bè trông, rồi cả nhà bay ra Hà Nội. Tôi chỉ được ở bên mẹ một tuần trước khi mẹ mất. Vậy mà hàng ngày mẹ vẫn dặn tôi phải ăn thứ này, thứ kia để không bị mất sữa. Hằng ngày, tôi phải ra một góc nhà để vắt bầu sữa căng. Nước mắt tôi chảy cùng với sự nhức nhối của lồng ngực, cùng với sự nhức nhối cơn đau của mẹ. Tôi biết mẹ vẫn cố kìm nén cơn đau, mẹ kiên cường kìm nén tiếng rên vô thức chỉ để mọi người xung quanh khỏi đau lòng. Rồi mẹ qua đời.

Sau ngày mẹ mất, khi dọn dẹp nhà cửa tôi bỗng nhớ đến Tí Hon. Tôi hối hả lục tìm khắp nơi mà chẳng thấy đâu. Có lẽ khi mẹ ốm, Tí Hon đã bị quăng đi đâu mất rồi. Tôi sụp xuống ngay tại góc bếp và bật khóc tức tưởi. Lúc mẹ mất chỉ có chồng tôi, con gái tôi và mọi người khóc chứ tôi đâu có khóc. Tôi vẫn mơ màng như mẹ mới đi chơi đâu đây rồi sẽ về. Sự biến mất của Tí Hon làm tôi thức tỉnh. Đúng là mẹ đã đi xa mãi mãi rồi. Tôi cũng không còn có Tí Hon nữa. Tí Hon là của riêng mẹ và tôi, chẳng ai để ý đến điều đó. Tôi hiểu vì sao khi xưa mẹ chỉ nói tôi phải học “để nấu cho chồng con con ăn”. Quả thật là tôi chỉ làm được điều đó. Khi tôi nấu cho mẹ ăn, thì mẹ không còn muốn ăn nữa.

Mẹ ơi, con biết mẹ không bao giờ muốn con phải khóc. Nhưng nếu mẹ biết rằng con đã khóc, thì đêm nay mẹ sẽ về trong giấc ngủ của con chứ mẹ?

Tết 1999

Văn Thị Hạnh

Bài đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Trải nghiệm cận tử và sự hồi sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy

videoinfo__video3.dkn.tv||b0155e8ca__