Sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Quảng Ninh), sức khỏe của bệnh nhân Vũ Thị Bai (56 tuổi, Hải Dương) đã ổn định.

Ngày 27/9/2018, bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, đã tiếp nhận bệnh nhân Bai bị sốc phản vệ do truyền dịch tại nhà.

nu benh nhan o hai duong bi soc phan ve khi dang truyen dich
Nữ bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch do tự ý truyền dịch tại nhà. (Ảnh: Gia Đình Mới)

Trước đó, chỉ sau 10 phút tự ý truyền dịch, bà Bai rơi vào trạng thái khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run… Gia đình vội vàng rút kim truyền và vội vàng đưa bà nhập viện.

Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc phản vệ cấp độ III, tiên lượng nặng. Bệnh viện nhanh chóng xử trí sốc phản vệ, thở oxy, truyền dịch cho người bệnh. Sau 2 ngày điều trị sức khỏe người bệnh ổn định và sinh hoạt bình thường.

Chính tâm lý hễ hơi mệt, mất ngủ, thậm chí hoàn toàn khỏe mạnh cũng truyền dịch để tăng sức đề kháng, bổ sung vitamin nên nhiều người vô tình rơi vào trạng thái sốc phản vệ, tổn thương nội tạng dẫn tới tử vong.

Trước đó, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã cấp cứu bệnh nhi V.T.H (13 tuổi, Sơn Dương, Tuyên Quang) bị tràn dịch màng ngoài tim, màng phổi do gia đình tự ý truyền dịch chữa sốt.

Bệnh nhi H. nhập viện trong tình trạng tức nhiều ngực trái, khó thở, sốt cao, thể trạng gầy yếu. Sau khi chụp chiếu, xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán có tràn dịch màng ngoài tim, viêm thùy dưới phổi, nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Thuỳ Ngoan, Trưởng khoa khám bệnh Phòng khám Y học Cổ truyền Sài Gòn cho biết, các chỉ số trong máu về các chất dinh dưỡng như đạm, đường, muối, chất điện giải… trong cơ thể người bình thường luôn ở mức trung bình. Nếu một trong các chỉ số thấp hơn mức cho phép thì mới cần truyền dịch để bù đắp.

Việc tự ý truyền dịch khi đang mệt mỏi là không khoa học. Dịch truyền là thuốc và được sử dụng trong trường hợp cấp cứu, hoặc trong bệnh nhân không thể uống thuốc. Đối với những người bị suy nhược thể nhẹ, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, cơ thể sẽ dần dần hồi phục. Dịch thuốc chỉ truyền khi có chỉ định của bác sĩ và nên lựa chọn cơ sở y tế chất lượng để đảm bảo an toàn.

Một số biến chứng nguy hiểm khi truyền nước biển

– Sốc phản vệ: Sau khi truyền dịch, người bệnh sẽ cảm thấy rét run, sốt cao đột ngột, tụt huyết áp, tay chân lạnh, tim đập nhanh, khó thở… Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

– Tổn thương các cơ quan: Việc truyền nước biển quá liều dễ rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải, gây hiện tượng phù tim, viêm tĩnh mạch, phù não, phù thân…

– Nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm: Việc truyền nước biển không đúng quy chuẩn, không đảm bảo vệ sinh làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C…

Các bác sĩ khuyến cáo, việc tiêm, truyền tại nhà là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: Tai biến nặng nhất có thể tử vong do sốc phản vệ, không thì cũng nhiễm trùng máu quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim. Do đó, người dân tuyệt không được tự ý tiêm, truyền dịch tại nhà để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

(Tổng hợp)