Trước tình trạng gia tăng số vụ hành hung ở bệnh viện, nhiều bác sĩ đã hiến kế bằng cách tuần hành, thay đổi ngành y, xử phạt hành vi bạo hành… 

Trong vòng nửa đầu tháng 4/2018, đã có 3 vụ hành hung bác sĩ xảy ra tại các bệnh viện trên cả nước. Để đối phó và giảm thiểu sự nguy hiểm cho các y bác sĩ, nhiều bệnh viện đã lập chốt công an, lắp camera, đường dây nóng, thuê bảo vệ…

Ngoài phương án từ phía ban lãnh đạo bệnh viện, nhiều bác sĩ cũng hiến kế, kêu gọi đồng nghiệp tổ chức “tuần hành để thức tỉnh lương tri, chống bạo hành y tế”.

Nhiều bác sĩ hiến kế dẹp nạn hành hung trong bệnh viện
Một trường hợp bệnh nhân cùng người nhà hành hung nhân viên y tế phòng cấp cứu, được camera bệnh viện ghi lại. (Ảnh: VnExpres)

Anh Nguyễn Xuân Vinh, điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, nghề y là một nghề đặc biệt. Với lương tâm nghề nghiệp, các bác sĩ và điều dưỡng không thể bỏ mặc người bệnh. Đa số người bệnh thông cảm với nhân viên y tế, chỉ một số ít người có hành vi bạo lực. Ý tưởng tuần hành, có thể là hành động cuối cùng khi mọi giải pháp trở nên bất lực.

Một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện của Hà Nội chia sẻ với VnExpres, đã đến lúc người làm ngành y phải tự cứu lấy mình, không thể trông chờ vào bảo vệ và các ngành khác.

Nhiều bác sĩ hiến kế dẹp nạn hành hung trong bệnh viện
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu hiến kế giúp các y bác sĩ tự cứu mình tránh bạo lực ở bệnh viện. (Ảnh: Vnexpres)

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng, thời gian qua, ông cùng nhiều đồng nghiệp, đã lên án vấn nạn hành hung cán bộ y tế trên các phương tiện kể cả tại Quốc hội, thậm chí đưa nội dung này vào bộ luật Hình sự sửa đổi… Tuy nhiên, thực tế cách làm “lên án” này không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí ngược lại.

Bác sĩ Hiếu cho biết thêm, cần nhiều phương án mạnh tay, nên xử phạt thật nghiêm hành vi xúc phạm, đánh nhân viên y tế…

Nhiều bác sĩ hiến kế dẹp nạn hành hung trong bệnh viện
Vụ hành hung bác sĩ Vũ Hồng Chiến tại Bệnh viện Xanh Pôn hôm 13/4. (Ảnh cắt từ clip)

Bác sĩ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đề nghị đồng bộ nhiều giải pháp, ví dụ tuyên truyền, giáo dục nhân viên y tế; tăng mức độ xử phạt với những hành vi bạo hành cán bộ y tế (xử phạt, bỏ tù…).

Ngoài ra, các bệnh viện cần thuê đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, không chỉ đơn giản làm nhiệm vụ kiểm tra thủ tục, giấy tờ người bệnh.

Trước đó, cuối tháng 3/2018, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ y tế năm 2018, TS.BS Đinh Xuân Thành, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường đại học Y Hà Nội, đã đề xuất mô hình hoạt động của hệ thống an ninh thông minh, nhằm ngăn ngừa các hành vi bạo hành y tế.

Nhiều bác sĩ hiến kế dẹp nạn hành hung trong bệnh viện
TS.BS Đinh Xuân Thành trình bày về ý tưởng áp dụng khoa học công nghệ để chống hành vi bạo hành y tế. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Hệ thống này, có thể tích hợp với trang thiết bị trên người của cán bộ y tế và các trang thiết bị sẵn có của bệnh viện. Khi có sự cố, nhân viên y tế sẽ nhấn nút khẩn cấp, thẻ thông minh sẽ gửi tín hiệu cấp cứu thông qua đường truyền BLE tới bộ phận thu phát.

Nhiều bác sĩ hiến kế dẹp nạn hành hung trong bệnh viện
Mục tiêu cao nhất của ý tưởng này là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cán bộ y tế trong những tình huống khẩn cấp. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Thông qua các tham số từ tín hiệu cấp cứu, vị trí “điểm nóng” và danh tính cán bộ y tế được xác định, gửi về hệ thống điều hành trung tâm, bộ phận an ninh, cảnh sát trật tự để hỗ trợ kịp thời.

Các chuyên gia đều cho rằng, những giải pháp trên chỉ là bề nổi, về lâu dài, cái cốt lõi là phải giáo dục, thay đổi nhận thức cả hệ thống y tế. Các bệnh viện nên siết chất lượng đào tạo bác sĩ mới, tái đào tạo bác sĩ cũ, từ đó thay đổi cung cách ứng xử.

Để tránh nguy cơ bị bạo hành khi làm việc, ngành y thế giới đã đúc kết 3 nguyên tắc nhân viên y tế cần lưu ý:

– Nguyên tắc cánh tay

Người nhà, bệnh nhân và bác sĩ không đứng sát nhau quá, ít nhất cách một cánh tay. Bởi với khoảng cách này, nếu có bạo hành xảy ra thì chấn thương cũng không quá nặng nề.

Về lý thuyết, khi khoảng cách vượt qua cách tay thì lực đánh giảm đi rất nhiều, nhất là khi có dùng hung khí.

– Nguyên tắc 3 người

Khi tiếp xúc với người nhà, bệnh nhân, y bác sĩ nên có người thứ ba đứng cạnh để vừa làm chứng vừa bảo vệ.

– Nguyên tắc xoay lưng

Y bác sĩ không nên đứng xoay lưng về phía bệnh nhân. Nếu đứng ở tư thế này, nên có thêm người quan sát bệnh nhân, người nhà. Khi bị tấn công, y bác sĩ không nên quay lưng chạy mà đi lùi. Hành động này giúp đề phòng những trường hợp nguy hiểm tính mạng khi bệnh nhân dùng hung khí, vật sắc nhọn đâm sau lưng.

H.H