Nhiều bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam đang kỳ vọng vào liệu pháp điều trị ung thư mới được trao giải Nobel Y học 2018. Tại bệnh viện K, liệu pháp miễn dịch giúp kéo dài sự sống cho nhiều bệnh nhân ung thư phổi, hắc tố melanoma tiến triển, đầu mặt cổ, thận tiết niệu… dù phát hiện giai đoạn muộn.

Ths.Phạm Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho TTXVN biết, liệu pháp miễn dịch đơn giản là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công tế bào ung thư.

4 năm trước, bệnh viện K đã thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch. Từ cuối năm 2017, bệnh viện K chính thức điều trị cho 50 bệnh nhân bằng liệu pháp này.

Phó giáo sư Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhân nam 60 tuổi, tiên lượng thời gian sống ban đầu chỉ khoảng 4-5 tháng. Song nhờ điều trị bằng các thuốc miễn dịch, đến nay người bệnh đã sống thêm hơn một năm.

Bước đầu các thuốc này có hiệu quả trên từng bệnh nhân, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn. Ở giai đoạn muộn nó giúp giảm kích thước khối u, giảm số lượng tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của bệnh song không phải thuốc chữa khỏi.

benh nhan ung thu co the keo dai su song nho lieu phap mien dich
“Thời gian sống của bệnh nhân được kéo dài thêm nhiều. Trước đây, những bệnh nhân bị u hắc tố chỉ sống thêm vài tháng khi đã di căn thì nay có thể sống vài năm”, Tiến sĩ Đào Văn Tú, Phó khoa Điều trị theo yêu cầu chia sẻ. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, các loại thuốc kiểm soát miễn dịch này chỉ kéo dài cuộc sống, chưa thể điều trị ung thư triệt để.

Đến nay, đã có 5 loại thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ phê duyệt trong điều trị một số bệnh ung thư. Mỗi thuốc có chỉ định không hoàn toàn giống nhau về loại ung thư và giai đoạn bệnh.

Với nhiều người Việt, phương pháp điều trị này hiện khá xa xỉ, dao động 60-120 triệu cho một chu kỳ điều trị, bảo hiểm y tế chưa chi trả. Hiện, hãng thuốc đã đồng ý hỗ trợ các bệnh nhân theo phương thức khi người bệnh dùng 4 lọ thì sẽ hỗ trợ 2 lọ, lần lượt các đợt điều trị khác cũng như vậy.

Ngoài bệnh viện K liệu pháp này được áp dụng tại các bệnh viện như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, bệnh viện Bình Dân Tp.HCM…

Theo ghi nhận ung thư năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc, Tỷ lệ mới mắc/100.000 dân là 151,4 đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và 114.871 ca tử vong do ung thư.

Tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Đáng lưu ý, có tới 60% người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ. Trong lĩnh vực điều trị ung thư, liệu pháp miễn dịch là thành tựu nổi bật nhất trong vài năm qua.

Ở nước ta, Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong điều trị ung thư. Trước đó, bệnh nhân Việt Nam thường phải sang Singapore mua về. Một số thuốc khác như Atezolizumab, Durvalumab, Tremelimumab đã được cấp phép trong nghiên cứu lâm sàng.

(Tổng hợp)