Theo mong ước của bố mẹ trước khi mất, bà Phong (Quảng Ngãi) đã dùng 660 triệu đồng tiền phúng viếng làm đường bê tông cho làng mình. 

Mong ước làm đường từ khi còn sống

Một con đường gắn bia tên bà Hồi, 3 con đường gắn bia tên ông Kiệt, hóa ra họ là vợ chồng. Đó là 4 tuyến đường mà bà Bùi Thị Phong (thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), con gái của cụ ông Bùi Kiệt và cụ bà Lê Thị Hồi, đại diện gia đình đứng ra xây dựng.

Vợ chồng ông Kiệt bà Hồi sinh được 6 người con. Nhà nông nghèo, song người cha luôn dặn các con “phải đi học chứ bấu miếng ruộng như cha thì không ăn thua”. Nhờ đó, 6 con đều học hành đỗ đạt, làm giáo viên, giảng viên…

“Kinh tế khá lên, nhà được sửa lại, nhưng cảnh con đường sình lầy bùn nhão ám ảnh cha mẹ tôi mãi. Ông bà luôn ấp ủ có một con đường”, bà Bùi Thị Phong, 65 tuổi, giáo viên về hưu, con gái đầu của ông Bùi Kiệt, nói trên báo VnExpress.

Những đứa con nhớ mãi cảnh những ngày mùa gặt, chẳng may một trận mưa lũ thì đường sình nhão, trơn trượt, đưa được lúa về nhà, phơi được nắng là cả nhà phải đánh vật. Có những năm lũ dâng, nước ngập đường tới đầu gối, cha bà định tháo đằng trước, nhưng làm vậy lại tràn sang hàng xóm. Ông thở dài, chẳng thể biết làm sao.

Học sinh đi học về trên đường làng được làm từ tiền phúng điếu cụ Bùi Kiệt, cha bà Phong (ảnh: Phạm Linh/VnExpress).

Bà Phong nói: “Khi cha mẹ đã già, các em lập nghiệp xa, mỗi mùa lũ đến là tôi phải đón cha mẹ về ở cùng. Có năm đường làng ngập nước như sông, vợ chồng tôi phải chèo ghe trên đường xuống đón cha mẹ lên”.

Năm 2012, cụ Lê Thị Hồi qua đời. Lo xong đám, cụ Kiệt và các con họp lại và thống nhất không đụng tới tiền phúng điếu, để dành làm đường. Bà Phong nói: “Dọc tuyến đường trước nhà chỉ có dưới 10 gia đình, nếu chờ đóng góp thì rất lâu mới có đường do ai cũng khó khăn”.

Xã khá bất ngờ trước đề nghị của gia đình bà Phong. Họ ủng hộ bằng việc vận động người dân tháo dỡ hàng rào. 230 mét đường đúng chuẩn đường nông thôn mới hoàn thành ngay trước lễ cúng 49 ngày của cụ Hồi.

Làm xong con đường đầu tiên, cụ Bùi Kiệt khi ấy hơn 80 tuổi, xin xã đổ đất để chuẩn bị đổ bê tông kiên cố một con đường khác. Nhưng đường chưa kịp hoàn thành thì năm 2015, cụ qua đời vì tuổi già sức yếu. Để cha yên lòng, trước lúc cụ mất, những người con thủ thỉ: “Cha mất thì chị em con cũng làm giống như hồi mẹ thôi”.

Đúng như lời hứa, vừa lo tang cha xong, các xe cát, sỏi, xi măng đã cấp tập ở làng trên, xóm dưới. Ba tuyến đường mới bằng 380 triệu đồng tiền phúng của cụ Kiệt được hoàn thành trước lễ cúng 49 ngày. Con xóm nhỏ khang trang lên trông thấy. “Hồi trước đứng trên đường thì móng nhà tôi phải cao tới ngực, nhưng từ khi gia đình bà Phong xây đường thì chưa đến đầu gối”, bà Võ Thị Hồng Long, ở cách nhà bà Phong khoảng 200 mét nói vui.

Làm theo lời cha đã khuất

Bà Bùi Thị Phong, con cụ Kiệt chia sẻ về chuyện lấy tiền phúng điếu cha mẹ làm đường mà không phải sửa sang lại căn nhà bằng một nụ cười hiền và đôi mắt đầy ưu tư. Bà Phong nói trên báo Tuổi Trẻ: “Đó là di nguyện của cha mẹ chúng tôi, phận làm con phải hiếu nghĩa. Với lại nếu làm nhà thì chỉ cho mình ở, có giúp được ai đâu. Tôi nghĩ cha mẹ tôi cũng muốn các con giữ lại căn nhà này thay vì phá đi làm mới. Căn nhà này dù nhỏ và cũ nhưng có nhiều kỷ niệm với tôi và các em”.

Bà Phong ở trong ngôi nhà cũ kỹ, đem hết tiền phúng điếu cha mẹ làm đường (ảnh: Phạm Linh/VnExpress).

Nhắc đến cha mẹ, ký ức tràn về nhiều hơn, cung cách sống giản dị, bản tính hy sinh vì mọi người của cha mẹ thấm vào trong lòng các con. Dù cả đời cha mẹ chưa khi nào giàu có vật chất nhưng tấm lòng thì cả xã này ai cũng biết. Chị em bà Phong cũng vì thế mà cố gắng sống một đời tử tế để cha mẹ không thẹn lòng. 

Bà Phong trầm tư: “Cha mẹ tôi luôn dạy rằng tiền tài bao nhiêu cho đủ. Không sân si là đủ. Sống phải biết chia sẻ, biết yêu thương. Có lẽ vì luôn nghĩ cho mọi người nên đến khi mất cha mẹ tôi cũng không quên để lại nguyện vọng cho con cháu”.

Năm người em bà Phong đang công tác ở nhiều nơi khác nhau. Ông Bùi Văn Yên, đang sống và làm việc tại Đắk Lắk, khi nghe chúng tôi hỏi về việc làm đường của cha mẹ cũng cười hiền lành. Với ông Yên, những con đường từ tiền phúng điếu cha mẹ là lời răn dạy cuối cùng để lại cho con cháu. Ông Yên lần nào về quê cũng dẫn vợ con đi ra các con đường, một phần để thấy hình ảnh cha mẹ ở đó, phần khác muốn các con hiểu được giá trị sống của một đời người.

Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 477: Ngày giỗ cha, anh nghẹn lòng khi nhớ lại những lần cha nói dối: “Cha thích ăn đầu và xương cá con ạ”…

videoinfo__video3.dkn.tv||6e8022f91__