Loài chó vẫn luôn được biết đến như một người bạn thân thiết, trung thành nhất của con người. Năm mới sắp đến, năm của những chú chó, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại kỷ niệm về người bạn nhỏ ấy cùng những câu chuyện vẫn luôn được kể lại và nhớ mãi trong suốt những năm tháng qua.

 Chú chó Bobby canh giấc ngủ ngàn thu cho chủ

Đến Edinburgh, thủ đô của Scotland, dừng chân ở một quán rượu nhỏ tên Greyfriars Bobby đối diện Bảo tàng quốc gia ở góc đường Candlemaker Row, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đài của chú chó Bobby, chú chó trung thành nổi tiếng trong lịch sử thành phố Edinburgh.

Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 130 năm nhưng cho đến ngày nay người ta vẫn truyền tai nhau “sự tích” về chú chó đã túc trực bên mộ người chủ quá cố của mình trong suốt 14 năm, cho đến khi chú qua đời vào năm 1872.

John Gray – chủ nhân của Bobby là một cảnh sát ở thành phố Edinburgh. Anh luôn dẫn theo chú chó nhỏ cùng đi tuần tra vào ban đêm, tình cảm của họ rất thân thiết cho đến khi John đột ngột qua đời.

Bức tượng đài của chú chó Bobby, chú chó trung thành nổi tiếng trong lịch sử thành phố Edinburgh.

Tại nghĩa trang Reyfriars Kirkyard – nơi mai táng John, chú chó Bobby đã làm cho những người dân vô cùng ngạc nhiên khi không chịu rời bỏ ngôi mộ của chủ, cho dù điều kiện thời tiết có khắc nghiệt tới đâu đi nữa. Mọi người đã tìm rất nhiều cách để đưa Bobby trở về nhà nhưng đều vô hiệu. Cuối cùng, họ đành trải một tấm vải dưới tấm bảng đá bên cạnh mộ John Gray để Bobby có thể ở đó.

Ánh mắt xa xăm đợi chờ…

Cứ như vậy trong suốt 14 năm, Bobby sống nhờ vào thức ăn của người bảo vệ nghĩa trang, có nhiều người đến và muốn nhận nuôi chú nhưng chú vẫn quyết ở lại canh gác cho người chủ xấu số, cho đến khi kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng.

“Lòng trung thành và sự cống hiến của chú luôn là bài học quý giá cho chúng ta”.

Câu chuyện đầy cảm động của Bobby đã được lan truyền khắp vùng Edinburgh, chính quyền và người dân đã dựng một bức tượng của chú để tưởng niệm về lòng trung thành son sắt của người bạn nhỏ. Trên bia mộ của Bobby là dòng chữ: “Greyfriars Bobby – mất ngày 14-1-1872, 16 tuổi. Lòng trung thành và sự cống hiến của chú luôn là bài học quý giá cho chúng ta”.

Chú chó Dorado không màng sinh tử cứu mạng chủ

Ông Rivera là một ông lão mù làm việc trên tầng 71 của tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới. Ông thường đến đây cùng chú chó Dorado của mình.

Ngày 11/9/2001, khi chiếc máy bay đầu tiên do bọn khủng bố điều khiển đâm vào tòa tháp, Rivera ngay lập tức nghĩ rằng mình sẽ chẳng có nhiều cơ hội để sống bởi một ông lão mù như ông không thể nào chạy thoát được, thế nên ông đã tháo dây cho chú chó Dorado và ra lệnh cho chú chạy ra ngoài để sống sót.

Chú chó Dorado là một người bạn tuyệt vời.

Chú chó nghe theo mệnh lệnh của chủ nhân, lao rất nhanh ra ngoài, nhưng 10 phút sau, Rivera cảm nhận thấy chú chó trung thành đang cọ vào chân ông. Dorado đã quay trở lại cùng với chủ nhân đang gặp nạn, và với sự trợ giúp của một đồng nghiệp của Rivera hướng dẫn ông mò mẫm đi xuống cầu thang thoát hiểm.

Họ phải mất hơn một giờ đồng hồ mới đi hết được 72 tầng cầu thang bộ và thoát ra ngoài an toàn. Ngay khi họ vừa thoát ra, cả tòa tháp đổ ập xuống với hàng ngàn người mắc kẹt bên trong.

Chú chó Dorado không màng sinh tử cứu mạng chủ.

Người ta vẫn nói, phải khi đối mặt với sinh tử, ta mới biết ai là người thực sự yêu thương và thật lòng với mình nhất. Người bạn không bỏ rơi ta lúc nguy khó là người mà ta nên trân quý suốt đời, và chú chó Dorado là một người bạn tuyệt vời như thế, dù không cùng giống loài.

Chú chó Canelo – 12 năm đợi chờ mỏi mòn

Cuối những năm 1980, tại thành phố Cadiz (Tây Ban Nha) có một chú chó tên là Canelo. Về hình thức, Canelo không có đặc điểm gì độc đáo hay nổi bật. Nhưng chú chó này lại có một trái tim lớn lao, dành tất cả tình yêu cho người chủ của mình.

Ông chủ của Canelo sống một cuộc đời đơn độc và Canelo chính là người bạn đồng hành duy nhất của ông. Mỗi buổi sáng, người dân địa phương lại thấy ông lão dắt Canelo đi dạo qua các đường phố yên tĩnh của thành phố. Ông đã lớn tuổi và rất ốm yếu, vì vậy, mỗi tuần họ đều phải đến bệnh viện Puerta del Mar để lọc máu do biến chứng thận.

Chú chó có một trái tim lớn lao, dành tất cả tình yêu cho người chủ của mình.

Bệnh viện không cho phép đưa động vật vào bên trong, do vậy Canelo phải chờ đợi ở ngoài cửa. Trong khi ông lão được điều trị, Canelo luôn kiên nhẫn đứng đợi ở lối ra vào, sau đó họ lại cùng nhau về nhà. Đây là một thói quen đã diễn ra trong thời gian dài.

Cho đến một ngày, ông chủ của Canelo bị biến chứng trong lúc lọc máu nên đã qua đời. Ngày đó và cả những ngày sau, chú chó Canelo vẫn tiếp tục chờ đợi. Cứ như vậy, gần 12 năm ròng rã, chú chó vẫn giữ thói quen chờ đợi chủ nhân của mình ở trước bệnh viện nơi ông chủ đã đưa nó đến.

Linh hồn chú chó có lẽ sẽ được an ủi, bởi giờ đây chú có thể gặp lại người chủ của mình…

Cho đến ngày 9/12/2002, chú chó tôị nghiệp không thể tiếp tục đợi chờ được nữa. Sau vụ tai nạn xe hơi ngay bên ngoài bệnh viện, Canelo đã trút hơi thở cuối cùng. Linh hồn chú chó có lẽ sẽ được an ủi, bởi giờ đây chú có thể gặp lại người chủ của mình…

Hachiko – biểu tượng về lòng trung thành chưa bao giờ bị lãng quên

Dù đã diễn ra cách đây gần một thế kỷ, nhưng câu chuyện về chú chó Hachiko vẫn luôn được mọi người nhắc đến như một biểu tượng về lòng trung thành.

Những người yêu mến Hachiko đã đội nón và làm một người bạn tuyết bên cạnh bức tượng đồng của Hachiko (Ảnh: Twitter)

Năm 1924, giáo sư Hidesaburo Ueno đã nhận nuôi một chú chó tên là Hachiko. Mỗi buổi sáng, chú chó Hachiko đều tiễn chủ nhân của mình đến tận nhà ga để đi làm, và chờ ông tại đó để cả hai cùng về nhà vào buổi tối. Cả 2 luôn gắn bó và sống hạnh phúc bên nhau.

Cho đến một ngày định mệnh tháng 5/1925, như thường lệ, chú chó Hachi vẫn đưa giáo sư đi làm và ngoan ngoãn đợi ông tại sân ga. Có điều, giáo sư Ueno gặp phải một cơn đột quỵ và qua đời ngay tại chỗ làm; còn chú chó tội nghiệp cứ chờ mãi nhưng không thấy bóng dáng người chủ đâu cả.

Hình ảnh Hachiko ngồi đợi ở sân ga đã trở thành biểu tượng về lòng trung thành (Ảnh: Wikipedia)

Những ngày sau đó, chú chó Hachiko vẫn chạy ra chờ đợi một bóng hình thân quen bước xuống đúng lúc tàu vào sân ga. Hachiko cứ chờ mãi như thế, từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi chú trút hơi thở cuối cùng tại sân ga vào ngày 8/3/1935, kết thúc gần một thập kỷ chờ đợi…

Bức tượng đoàn viên khiến nhiều người nhói lòng.

Câu chuyện của Hachiko đã nhanh chóng được nhiều người biết đến. Không ít người đã đến nhà ga Shibuya để thăm Hachiko. Nhà điêu khắc nổi tiếng Ando Teru đã dựng một bức tượng tại nhà ga chú vẫn đến hàng ngày.

Bức ảnh cuối cùng của Hachiko, mọi người đều tiếc thương trước sự ra đi của chú chó trung thành – ảnh chụp ngày 8/3/1935 (Ảnh: Yoshizo Ozawa)

Dù đã hơn 80 năm trôi qua, nhưng biểu tượng Hachiko vẫn luôn là nguồn cảm hứng lay động hàng triệu trái tim trên toàn thế giới; và chú chó Hachiko đã trở thành tượng đài vĩnh cửu về lòng trung thành mãi mãi bao giờ bị lãng quên.

(Nguồn Ảnh: Wikipedia)

Đông Sương