Tôi rời Hà Nội vào một ngày cuối thu, trong cái tiết trời se lạnh khiến người ta chẳng nỡ rời xa để đến Đà Nẵng, tìm kiếm câu trả lời tại sao nơi đây được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Những ngày ở đây, Đà Nẵng đã đưa tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác với rất nhiều trải nghiệm mà tôi chưa từng biết đến khi ở Hà Nội. Thành phố biển xinh đẹp ấy, có lẽ cũng hiện đại, nhộn nhịp và đông đúc như những thành phố khác trên khắp dải đất hình chữ S này. Nhưng ở đó, tôi tìm thấy một sự bình yên và mộc mạc trong từng nhịp sống, tìm thấy sự dung dị, chất phác trong từng con người mình gặp gỡ.

Để rồi, mãi tới khi trở về, điều khiến tôi nhớ nhung nhất tại mảnh đất miền Trung này không phải vòng quay mặt trời độc đáo, không phải Bà Nà Hill đẹp tựa châu Âu, hay cây Cầu Vàng khiến bè bạn quốc tế trầm trồ… mà chính ở cuộc sống quá đỗi bình dị…

***

Không ai biết chợ cá ven biển Đà Nẵng ra đời từ khi nào. Chỉ biết từ khi có nghề đánh cá thì chợ đã tồn tại. Cái chợ bé xíu xiu, nhưng lại là chốn mưu sinh, nuôi sống rất nhiều gia đình của làng chài ven biển.

Ngày hôm ấy, tôi thức dậy từ rất sớm, lúc đồng hồ còn chưa đến 4 giờ. Tối qua, nghe chị bạn người Đà Nẵng nói chợ cá họp từ sáng sớm và chỉ kéo dài vài tiếng trước khi mặt trời mọc, trong lòng tôi đã có chút lo lắng, sợ rằng mình tìm được đường đến nơi thì chợ đã tàn. Thế nhưng, đường đến khu chợ đơn giản hơn tôi nghĩ nhiều. Chẳng cần phải rành đường Đà Nẵng, chỉ cần đi dọc theo bờ biển, bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy ngay.

Chợ cá nằm ngay ven đường Hoàng Sa (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)

Nằm ngay ven đường Hoàng Sa (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chợ cá không quá đông đúc, ồn ào nhưng vẫn tấp nập kẻ bán người mua. Những chiếc thuyền, chiếc thúng của bà con ngư dân được chuyển trực tiếp từ dưới biển lên mang theo “chiến lợi phẩm” là những mớ hải sản lẫn lộn các loại to nhỏ khác nhau đang tươi rói, thậm chí nhiều con cá vẫn còn cựa quậy.

Các cô, các thím ở đây kỳ lắm. Họ cũng mặc cả lên xuống mấy nghìn đồng giống như ở những phiên chợ thông thường khác, nhưng chẳng có cân đo đong đếm gì nhiều mà cứ bán chừng chừng theo từng mớ, từng khay. Rồi sau đó lại còn cho không một con ghẹ béo “mang về làm quà cho tụi nhỏ”. Một sự rộng rãi đến là dễ thương!

Nhìn cả khay mực tươi ngon mà chỉ bán với giá một trăm ngàn, tôi chẳng nỡ mua vì… rẻ quá. Thương các chú đi biển cả đêm, các cô phải thức dậy từ sáng sớm, phân loại cá tôm đi bán – chỗ tiền ấy chắc chỉ đủ đong gạo và mua sách bút cho lũ trẻ đến trường!

Ở đây hải sản được bán theo từng khay, từng mớ chứ chẳng cân đo đong đếm nhiều.

Tôi may mắn được trò chuyện với một ngư dân làm nghề đánh cá:

– Nghề đi biển hên xui lắm con. Nhớ hồi chú còn trẻ, năm ấy bão về biển động dữ dội, hơn nửa đàn ông ở làng chài này đều bỏ mạng. Chú là có mệnh lớn lắm mới gắn bó với nghề này được 30 năm. Mình chỉ biết tạ ơn ông Trời thương cho được sống, rồi chỉ biết cầu Phật chở che cho được bình an. Chứ làm người nào có ai qua nổi mệnh trời đâu con.

Khi được hỏi có muốn truyền nghề lại cho các con hay không, chú trầm ngâm:

– Chú thì vẫn mong tụi nhỏ học kiếm cái chữ sau này tìm việc khác làm cho đỡ khổ, chứ nghề này cực lắm con. Nhưng mà cái nghề nó cũng là nghiệp. Nếu chúng nó có duyên, muốn làm thì mình cũng tận lực mà truyền lại thôi. 

Tôi thầm nghĩ, đúng là có đi biển, có trải qua cái sự mong manh vô thường của sinh mệnh, người ta mới hiểu sâu sắc như thế nào là tín Thần, thế nào là sống khiêm nhường trong sự che chở của trời cao. Và khi đã hiểu được những đạo lý nhân sinh đó, họ sẽ đủ bình thản, an yên để đón nhận mọi điều mà cuộc sống đem lại, chứ chẳng còn gắng phải đạt được cái này hay giành lấy cái kia. Suy cho cùng, con người sống trên đời đều đã có số, cố gắng hơn thua cũng chỉ là nhọc công. 

Có đi biển, có trải qua sự mong manh vô thường của sinh mệnh, người ta mới hiểu sâu sắc như thế nào là tín Thần, thế nào là sống khiêm nhường trong sự che chở của trời cao.

Phía xa, mặt trời đang dần nhô lên cao. Những tia nắng ngày mới bắt đầu chiếu xuống mặt biển tựa như dát một lớp vàng lấp lánh. Khi những mẹt cá vơi dần cũng là lúc những người làng chài thảnh thơi hỏi han, chia nhau bữa sáng với vài chiếc bánh mì không nhân, hay nắm xôi đã nguội ngắt tự bao giờ. Các cô chú cũng không quên giới thiệu cho chúng tôi tiệm bún hải sản ngon nhất vùng rồi mới bắt đầu quẩy quang gánh ra về, trả lại cho biển sự bình yên, tĩnh lặng.

Đứng trước biển sớm mai, tôi chợt thấy mình thật nhỏ bé giữa cái bao la của đất trời.

Đứng trước biển sớm mai, tôi chợt thấy mình thật nhỏ bé giữa cái bao la của đất trời. Lặng người lắng nghe từng con sóng vỗ vào bờ, cảm nhận thứ hương mặn mòi của biển lùa vào kẽ tóc, thấm vào da thịt… bất giác những lo toan, bộn bề của cuộc sống hối hả nơi thành thị tan biến lúc nào không hay. Tôi thấy hình ảnh của cha mẹ mình đâu đó trong những con người vừa mới gặp. Có lẽ, dù là ở đâu, mưu sinh cũng chẳng bao giờ là dễ dàng…

Hải Dương