Từ năm học 2020-2021, học sinh tiểu học sẽ tiếp cận với sách giáo khoa (SGK) trải nghiệm và bắt buộc tham gia hoạt động này trong thời khoá biểu hàng tuần. Điều này cũng khiến nhiều chuyên gia bất ngờ.

Báo VnExpress cho biết, trong 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng từ năm học 2020-2021 có ba cuốn Hoạt động trải nghiệm. Một cuốn nằm trong bộ sách giáo khoa Cánh diều, do nhóm tác giả từ Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Tp.HCM biên soạn. Hai cuốn còn lại nằm trong bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của Công ty cổ phần Phát hành sách giáo dục, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có tài liệu giáo khoa cho hoạt động giáo dục, bao gồm cả sách dành cho giáo viên và học sinh.

Giúp hình thành 3 năng lực cơ bản của học sinh

Chia sẻ tại buổi giới thiệu bộ sách lớp 1 mới chiều 19/12 tại Hà Nội, PGS Đinh Thị Kim Thoa, Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận định cuốn sách Hoạt động trải nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hình thành ba năng lực cơ bản của học sinh gồm: thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.

Cụ thể, cuốn SGK trải nghiệm của bà gồm 9 chủ đề. Mỗi chủ đề bắt đầu với tên, tranh chủ đề và tiếp theo là những nhiệm vụ mà các em phải chuẩn bị và thực hiện trước khi đến lớp hoặc ở lớp để có hoạt động hiệu quả hơn trong các giờ sinh hoạt khoá, hoạt động giáo dục theo chủ đề và giờ sinh hoạt lớp.

Cải thiện tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”

Theo bà Thoa, khi Hoạt động trải nghiệm là bắt buộc, SGK là cần thiết để hỗ trợ giáo viên và học sinh. “Trước đây, giáo viên loay hoay không biết làm gì và làm như thế nào với học sinh ở các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thì bộ sách Hoạt động trải nghiệm với cuốn dành cho giáo viên và học sinh sẽ cứu cánh”, bà Thoa nói trên báo Dân Trí.

Theo đó, SGK trải nghiệm đem đến cách đánh giá khác đối với học sinh. “Hiện nhiều giáo viên đánh giá học sinh theo kiểu dán nhãn, nói “con hư” hay “con không thông minh”.

Trong sách Hoạt động trải nghiệm dành cho giáo viên, nhóm biên soạn hướng dẫn thầy cô cách đánh giá sao cho nhân văn. “Học sinh còn nhỏ, có quyền sai lầm và người lớn không được dùng sai lầm của trẻ để dán nhãn. Làm vậy là kìm hãm sự phát triển của trẻ”, bà Thoa nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ về chương trình và sách Hoạt động trải nghiệm (ảnh: Dương Tâm/VnExpress).

Đánh giá về thực trạng dạy/học trải nghiệm hiện nay trong nhà trường, bà Thoa cho hay, ở chương trình hiện hành, hoạt động ngoài giờ không được sắp xếp tiết theo tuần mà theo tháng.

Mỗi tháng học sinh chỉ học chủ đề một lần, “không khác gì cưỡi ngựa xem hoa và không thể giúp trẻ hình thành các kỹ năng”.

Thực tế cũng cho thấy, nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp không giúp ích 100% học sinh trong trường mà chỉ giúp cho một nhóm nào đó biết nắm bắt cơ hội. Những em nhút nhát có thể tham gia cho có hoặc không cũng không sao vì hoạt động này không phải bắt buộc.

Từ điểm yếu đó, khi xây dựng chương trình mới, bà Thoa và nhóm biên soạn đã cố gắng để hoạt động trải nghiệm là bắt buộc, được coi như một môn học nhằm buộc các nhà trường thực hiện nghiêm túc, từ đó hình thành thói quen, kỹ năng, phẩm chất cho học sinh.

Thầy cô và chuyên gia bất ngờ

Khi nhận được thông tin học sinh lớp 1 năm học tới có SGK môn Thể dục, thầy N.H.H , giáo viên thể dục dạy tại một trường tiểu học của Hà Nội cho biết trên báo Tiền Phong, từ ngày đi dạy đến nay đã 20 năm thầy không hình dung ra SGK môn thể dục thế nào. Môn này chủ yếu dạy động tác cho học sinh, với học sinh lớp 1, riêng việc đưa các em ra sân, ổn định được đội hình, đội ngũ cho quen giáo viên thể dục có khi cũng mất đến cả kỳ học chứ đừng nói gì đến việc bắt học sinh nhìn vào SGK. “Có hôm, đưa các em ra sân trường xếp hàng, ổn định được em cuối hàng, quay lại nhìn em đầu hàng đã thấy em ấy đi chỗ khác chơi rồi” – thầy N.H.H chia sẻ.

Theo thầy N.H.H, việc dạy học thể dục chỉ cần có tài liệu hướng dẫn giáo viên chứ không cần SGK. Điều làm cho học sinh Việt Nam chán và sợ học thể dục là do điều kiện dạy học. “Để dạy, học tốt môn thể dục không phải có sách hay không mà là phải có sân chơi bãi tập, dành thời gian, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn các bộ môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích và sức khỏe” – thầy N.H.H khẳng định.

Trong khi đó, TS. Bùi Quang Hiển, đang công tác tại Canada cho biết, ông có ba con đang theo học ở Canada. TS. Hiển nhận thấy học sinh ở đây chơi thể thao rất nhiều, đều được hướng dẫn bởi các giáo viên. “Tôi nghĩ, có thể các giáo viên có giáo trình, có phương pháp đào tạo sao cho đúng chuẩn, nhưng học sinh thì không có SGK về môn học này” – TS. Bùi Quang Hiển thông tin.

Qua điện thoại, em Nguyễn Hào Hiệp, học sinh lớp 5 trường tiểu học Ironside, Brisbane, Queensland, Australia đã có cuộc chia sẻ với phóng viên về SGK của em ở trường. Hiệp học hết lớp 2 tại Việt Nam, sau đó theo bố mẹ sang Australia học. Trường của Hiệp học không có bất kỳ cuốn SGK nào. Đầu năm học, nhà trường yêu cầu phụ huynh mua một cuốn sách Toán nhưng đó không phải là SGK, giáo viên cũng không dựa hoàn toàn vào sách để giảng dạy. Theo Hiệp, môn Toán, học sinh cùng khối sẽ được chia thành nhóm theo học lực tương đương, không học theo lớp cố định.

Với môn thể dục, em học ở trường rất nhiều nhưng không có bất kỳ cuốn SGK hay sách tham khảo nào. Tất cả theo giáo viên hướng dẫn. Chị Hoàng Thị Thu Thủy, mẹ của em Nguyễn Hào Hiệp cũng khẳng định, học sinh ở Australia hầu như không có SGK.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thực hiện theo Thông tư 32, các môn học có chương trình thì phải có SGK. Vì vậy, chương trình mới sẽ buộc phải có SGK môn Thể dục theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác. Còn việc học sinh phụ huynh có mua SGK môn này hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người học.

Video xem thêm: Vụ xác trong bê tông: Không có cơ sở quy chụp cho Pháp Luân Công

videoinfo__video3.dkn.tv||687a34c4b__