“Đừng Nói Lời Xin Lỗi” là một phần mềm ứng dụng mới nhằm thu hút sự chú ý tới ngôn ngữ bày tỏ xin lỗi và việc lạm dụng từ xin lỗi của con người thời nay. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ được xem là sử dụng câu xin lỗi nhiều hơn cả nhằm thể hiện sự chân thành và tự tin hơn trong giao tiếp bằng email. Điều này đặt ra một câu hỏi: Vì sao chúng ta nói lời xin lỗi? Và đó có nhất thiết là dấu hiệu của sự yếu đuối không?

Trong hệ ngôn ngữ Ăng Lô Xắc Xông, từ “xin lỗi” đã xuất hiện từ những giai đoạn sớm nhất. Việc truy tìm quá trình phát triển của từ này trong ngôn ngữ Anh cổ đã mang lại một phát hiện thú vị: ý nghĩa của nó đã thay đổi rất nhiều so với nguyên gốc, từ ngụ ý bày tỏ nỗi buồn từ tận đáy lòng thành ngụ ý hối tiếc vì đã gây ra những bất tiện nho nhỏ. Sự thay đổi lớn nhất xảy ra vào thế kỉ 19 khi người ta lược bỏ câu “Tôi xin lỗi!” và chỉ nói một cách đơn giản: “Xin lỗi!”. Thay vì bày tỏ sự đau buồn, giờ đây người ta công thức hóa nó trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Trong cuốn sách lịch sử English Manner, khi đề cập tới ý nghĩa của từ “xin lỗi” vào thế kỉ 19, ông Henry Hitchings đã mô tả nó như một sự kết hợp giữa thái độ lịch thiệp nhưng xa cách, lãnh đạm  mà ông gọi bằng khái niệm “lời đầu môi” (stiff upper lip)

Chúng ta vẫn dùng từ “xin lỗi” để bày tỏ sự chân thành chia buồn hoặc thiện ý – “Tôi rất xin lỗi về chuyện xảy ra với bạn”. Nhưng ngày nay, ý nghĩa này trở nên quá mờ nhạt. Để có thể diễn đạt đúng thái độ ấy, người ta cần sử dụng những mẫu câu nhấn mạnh như: “Tôi vô cùng xin lỗi” hoặc “Tôi thực sự xin lỗi”. Từ điển Anh ngữ Oxford mới đây đã nêu gọn vấn đề này như sau: “Cô ấy nói rằng : ‘Vâng, tôi xin lỗi!’, nhưng trông cô không hề có vẻ như đang xin lỗi”. Bạn có thể nói lời xin lỗi, nhưng bạn không nhất định có ý đó.

Lời xin lỗi: xu hướng xã hội chung

Dù mang tính công thức nhưng lời xin lỗi cũng đóng vai trò như một văn hóa chung trong xã hội nói tiếng Anh. Bạn hãy tưởng tượng về cảnh một hàng dài người đang đứng xếp hàng chờ mua vé tàu trên sân ga. Một người len lên đầu hàng và yêu cầu người khác nhường chỗ cho mình để không lỡ mất chuyến tàu. Cách tiếp cận trực diện nhất đơn giản là bày tỏ mong muốn như đưa ra mệnh lệnh: “Để tôi đứng trước bạn nhé!”. Nhưng điều này có vẻ không chấp nhận được đối với những người nói tiếng Anh: hầu hết họ đều sử dụng phương cách mà các nhà ngôn ngữ học gọi là “cách tiếp cận lịch sự”.

Một cách tiếp cận lịch sự chủ động là đưa ra đề nghị khéo léo bằng việc gây thiện cảm với ngôn ngữ biểu đạt sự tôn trọng và thân thiện: “Này, anh bạn thân mến, anh nghĩ sao về việc cho phép tôi đứng trước anh, bởi tôi đang có việc khẩn thiết”. Còn cách tiếp cận lịch sự bị động chủ yếu nhằm tránh đối đầu hoặc áp đặt qua việc nêu lời đề nghị dưới dạng các câu hỏi và sử dụng nhiều lời nói giảm, nói tránh như: có lẽ, có khả năng, xin vui lòng và xin lỗi.

Người nói có thể thêm vào những động từ như “có thể”, “sẽ”, thậm chí là chuyển câu nói về thì quá khứ để tăng tính ẩn dụ: “Tôi đã tự hỏi, không biết rằng mình có thể đi lên phía trước bạn được không?” Hoặc cách nói hoa mỹ hơn nữa: “Xin lỗi đã làm phiền bạn. Tôi biết rằng bạn đã đứng chờ ở đây từ khá lâu rồi, nhưng bạn có phiền lòng để tôi đứng vào hàng ở phía trên bạn được không?”.

Hơn nữa, với tác dụng quan trọng nhằm làm dịu đi mâu thuẫn, từ “xin lỗi” cũng có thể được sử dụng khi người nói không có gì phải xin lỗi cả. Có lẽ ví dụ điển hình nhất là khi người Anh nói xin lỗi trong trường hợp bị một người lạ vô tình va phải khi đi bộ trên phố. Trong một trắc nghiệm nhỏ của nhà nghiên cứu về nhân học Kate Fox, cô tình cờ vỗ vai bất cứ vị khách lạ nào ở trong trung tâm mua sắm, kết quả là có đến 80% những người bị làm phiền đã phản ứng lại bằng cách nói lời xin lỗi, ngay cả khi họ chẳng hề có lỗi lầm nào hết.

Một cổ từ hài hước.

Những phát hiện trên đây đã chỉ ra rằng, từ “xin lỗi” đã không còn bất cứ ý nghĩa nào như một lời đề nghị thứ lỗi, thay vào đó, nó thuần túy có chức năng xoa dịu một tình huống khó xử. Người ta cũng có xu hướng sử dụng cách nói này để phàn nàn về chất lượng dịch vụ kém – “Xin lỗi, nhưng tôi gọi món cá”- và khẳng định quyền lợi – “Xin lỗi, vị trí đó có người ngồi rồi nhé!”.

Cô cũng quan sát thấy với những văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, việc dùng từ “xin lỗi” được xem như một từ tiếng Anh đặc biệt chứ không phổ biến như những nơi người dân dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính; quốc gia duy nhất có văn hóa “xin lỗi” tương tự  là Nhật Bản. Cõ lẽ không ngạc nhiên gì khi người ta thống kê được tần suất nói lời xin lỗi của người Anh là ít nhất 8 lần/ngày, thậm chí có lúc lên tới 20 lần/ngày.

Vấn đề của ứng dụng phản đối việc dùng ngôn ngữ xin lỗi nằm chỗ nó cho rằng xin lỗi là một hành động ăn năn hối lỗi làm hạ thấp vị thế của một ai đó. Trong khi lời xin lỗi lại vô cùng hữu dụng khi muốn từ chối một đề nghị: như “Xin lỗi, hiện giờ tôi đang bận quá!” hoặc kêu gọi sự giúp đỡ của ai đó: “Xin lỗi đã làm phiền bạn dù tôi biết bạn đang rất bận”. Việc không dùng lời xin lỗi hữu ích này có thể khiến bạn trở nên thô lỗ. Nhiều tính huống trong kinh doanh khi bạn viết email cho khách hàng hoặc sếp yêu cầu phải dùng đến ngôn ngữ xin lỗi: như khi giải thích nguyên nhân báo cáo bị chậm hoặc khi đề xuất tăng lương mà không dùng cách tiếp cận lịch sự bằng ngôn ngữ xin lỗi thì đó quả thực là một sách lược mạo hiểm.

Phụ nữ có nói xin lỗi nhiều hơn đàn ông không?

Nếu cho rằng ứng dụng “Đừng nói lời xin lỗi!” là đặc biệt thích hợp với phụ nữ chốn công sở thì ta cần thực sự tin vào một giả thuyết đang gây tranh cãi khác là: phụ nữ có xu hướng nói xin lỗi nhiều hơn đàn ông. Nhận định này vốn là một phần của quan niệm cố hữu đánh giá dựa trên ngôn ngữ và giới tính cho rằng phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông thì hòa đồng hơn và xây dựng được nhiều mối quan hệ hơn. Lời khẳng định này thiên về định kiến giới tính nhiều hơn là dựa trên chứng cứ khoa học. Trong buổi luận đàm của chương trình Woman’s Hour được phát sóng trên kênh BBC Radio 4, nhà ngôn ngữ học Loise Mullany đã lưu ý rằng, có nhiều điểm tương đồng trong cách nói xin lỗi của đàn ông và phụ nữ.

Ngay cả khi những nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ nói xin lỗi nhiều hơn đàn ông thì đó cũng không phải là căn cứ để khuyến khích họ sửa thói quen của mình. Theo lập luận của nhà ngôn ngữ học Deborah Cameron, những cố gắng khống chế ngôn ngữ của người phụ nữ chẳng khác nào nỗ lực khiến họ phải lo lắng về hình ảnh của bản thân mình.

Việc biện minh rằng phụ nữ bắt chước cách nói của đàn ông để đạt được sự bình đẳng giới nơi công sở là không đúng đắn bởi thực trạng về sự bất bình đẳng giới không liên quan gì tới cách ăn mặc hay lời nói của phái nữ. Lời xin lỗi, dù của đàn ông hay phụ nữ, đơn giản là một phần nội tại trong văn hóa của chúng ta ngày nay mà thôi. Xin lỗi, nhưng tôi không nghĩ rằng ứng dụng này có tác dụng.

Bài viết bởi Simon Horobin, ông là giáo sư ngôn ngữ và văn học Anh tại trường đại học Oxford ở Vương quốc Anh. Bài viết này được chính thức đăng trên tờ The Conversation.

Haily biên dịch

Theo Theepochtimes

Xem thêm: