Bao bì đựng thực phẩm đang lấp đầy các bãi rác và gây ô nhiễm các đại dương của chúng ta. Ai cũng biết, các vật liệu như nhựa và polystyrene phải mất hàng thế kỷ để phân hủy. Để chung tay giảm thiểu tình trạng này, công ty khởi nghiệp Munch Bowls ở Cape Town, Nam Phi đã mang đến một giải pháp hữu hiệu, chính là tạo ra những chiếc bát ăn được.

“Ăn cả bát” không còn là lời nói quá

Đại diện công ty Munch Bowls cho biết, sản phẩm của công ty là bát sinh học làm từ lúa mì, vì vậy có thể ăn được. Những chiếc bát này là sản phẩm thuần chay, có thể giữ súp nóng lên đến 5 giờ và có thời hạn sử dụng 15 tháng.

Chúng được bán trên thị trường để phục vụ các buổi dã ngoại, tiệc tùng và các sự kiện khác. Công ty khởi nghiệp này cho biết, họ đã bán loại bát này cho các khách sạn tại Nam Phi, Bỉ, Singapore và Dubai.

Ảnh: CNN.

Ban đầu, các bát được làm thủ công, nhưng để đáp ứng nhu cầu lớn, công ty đã đưa vào sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, một máy có thể cho ra 500 cái bát mỗi giờ.

Cứu hành tinh khỏi nhựa

Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm chúng ta thải ra khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa – gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu – nhưng chỉ 14% trong số đó được tái chế.

Vào năm 2014, Georgina de Kock, một nghệ sĩ, đồng thời là một doanh nhân, sau khi làm việc tại các chợ thực phẩm đã bị “sốc” với số lượng bao bì được sử dụng để phục vụ thức ăn đường phố. Vì vậy, cô đã sáng lập ra Munch Bowls.

Cô nói: “Tôi quan sát xung quanh, thấy những gì chúng ta thải ra môi trường và cảm giác thật khó chịu”.

Ảnh: Good News Networks.

Những chiếc bát không chỉ giúp giảm thiểu lượng đồ nhựa dùng một lần mà còn tiết kiệm thời gian, công sức làm sạch sau khi sử dụng và đặc biệt, chúng là một “món” rất lành mạnh trong thực đơn.

Kock chia sẻ thêm: “Bất cứ thứ gì bạn đặt trên một cái đĩa, bạn đều có thể cho vào bát. Nó có một kích thước hoàn hảo để cầm tay”.

Bạn không thể ăn nhựa

Một chiếc bát lớn bán sỉ có giá dao động khoảng 33 cent (khoảng hơn 5.000 đồng). Tất nhiên, loại bát này sẽ đắt hơn so với việc dùng bát nhựa, nhưng Kock cho rằng, bát Munch còn có giá trị dinh dưỡng và có thể tích hợp chế độ ăn uống lành mạnh.

“Nếu bạn dùng nó để đựng một chiếc bánh taco, hay là một chiếc gỏi cuốn, rồi ăn cả bát, bạn sẽ bổ sung thêm giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn. Nếu bạn đựng bằng đồ nhựa dùng một lần, bạn không thể ăn đồ đựng. Nó không mang lại bất cứ điều gì tốt cả, chỉ gia tăng sự ô nhiễm mà thôi”.

Bát Munch được làm với tất cả các thành phần từ thiên nhiên, bao gồm cả chiết xuất hồng trà Nam Phi, một loại thực vật có nhiều chất chống oxy hóa. Khách hàng có thể mua bát có hương vị đơn giản cho đồ ăn mặn và bát có hương vị ngọt ngào cho món tráng miệng.

Các công ty khác cũng đã chế tạo ra các vật liệu khác có thể ăn được, nhưng Munch Bowls là công ty đầu tiên có trụ sở tại Nam Phi.

Kock cũng chia sẻ rằng, gần đây cô đã hợp tác với một đối tác kinh doanh để giúp cô mở rộng quy mô hoạt động. Đến cuối năm sau, công ty hy vọng sẽ lắp đặt thêm sáu dây chuyền sản xuất và cho ra thị trường các sản phẩm đa dạng khác như thìa, cốc cà phê và hộp đựng cho bữa ăn trên các chuyến bay.

“Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ô nhiễm. Chúng ta cần phải làm một cái gì đó ngay bây giờ”, cô nói.

Thủy Chi

Theo CNN

Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

videoinfo__video3.dkn.tv||2902105be__