Một trong những tấm hình ám ảnh nhất về nạn đói ở châu Phi là bức ‘kền kền và em bé’ của nhiếp ảnh gia Kevin Carter, chụp tại Sudan vào 3/1993. Trong ảnh là một em bé đói khát đang gắng gượng bò đến trung tâm cứu trợ ở gần đó. Phía sau em là con kền kền đang đứng đợi, chỉ chực chờ để ăn thịt em bất cứ lúc nào…

Ngay sau khi được đăng tải trên tạp chí New York Times vào ngày 26/3/1993, bức ảnh đã gây chấn động toàn thế giới. Bức ảnh không chỉ mang lại cho Kevin Carter tiếng tăm và giải thưởng Pulitzer danh giá, mà còn kèm theo cả những chỉ trích và lên án mạnh mẽ từ phía công chúng. Thậm chí, một số người bạn của Kevin cũng tự hỏi tại sao ông lại chụp ảnh thay vì tìm cách giúp đỡ em bé ấy.

Giải thưởng Pulitzer (Ảnh: ibtimes.com)
Giải thưởng Pulitzer (Ảnh: ibtimes.com)

Chỉ vài tháng sau khi nhận giải Pulitzer, vào 7/1994, Kevin đã vĩnh viễn chấm dứt cuộc đời mình khi ông chưa đầy 34 tuổi.

Và như vậy, tác phẩm vừa gắn liền với tên tuổi của một nhiếp ảnh gia, vừa đồng thời gợi nhớ đến sự ra đi của tài năng ấy. Nhưng đó không phải là nguyên nhân dẫn đến bi kịch mà chúng ta đang nói đến.

Kevin Carter trong chuyến đi thực tế tới Sudan, nơi đang xảy ra xung đột và đói nghèo (Ảnh: Vimeo)
Kevin Carter trong chuyến đi thực tế tới Sudan, nơi đang xảy ra xung đột và đói nghèo (Ảnh: Vimeo)

Trong lá thư viết cho một người bạn ở New York, Kevin Carter đã nhắc đến quê hương của mình như một nơi “khô cằn, ảm đạm, lạnh lẽo, chết chóc, và đầy những ký ức tồi tệ”. Kevin Carter sinh năm 1960 tại thành phố Johannesburg ở Cộng hòa Nam Phi, trong một gia đình trung lưu người da trắng. Ông lớn lên giữa lúc chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid đẩy người da đen vào hoàn cảnh khốn cùng. Chứng kiến việc cảnh sát bắt bớ và ngược đãi người da đen, Kevin luôn tự hỏi, làm thế nào để giúp đỡ những công dân vô tội ấy.

Năm 1983, sau khi chứng kiến vụ đánh bom ở thành phố Pretoria, Kevin xác định sứ mệnh của mình là trở thành phóng viên ảnh thời sự. Ông cũng là một trong bốn nhiếp ảnh gia trẻ của Nam Phi dám dấn thân vào những khu vực đang xảy ra xung đột. Vào thời đó, hầu hết các kênh truyền thông đều đưa tin dựa trên báo cáo từ phía cảnh sát địa phương hoặc quan chức chính quyền. Chỉ có rất ít phóng viên là dám trải nghiệm trực tiếp những gì đang thực sự diễn ra. Họ không ngần ngại đối mặt với nguy hiểm, có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, và không bao giờ bỏ cuộc. Bởi họ hiểu rằng, sứ mệnh của mình là cho cả thế giới thấy được sự thật tàn khốc của chiến tranh và bạo lực.

Kevin Carter và 3 thành viên còn lại trong nhóm "Bang Bang Club" - 4 nhiếp ảnh gia trẻ của Nam Phi dám dấn thân vào những khu vực đang xảy ra xung đột (Ảnh: riemasansfrontiere.wordpress.com)
Kevin Carter (thứ hai từ phải sang) và 3 thành viên còn lại trong nhóm “Bang Bang Club” – nhóm 4 nhiếp ảnh gia trẻ của Nam Phi dám dấn thân vào những khu vực đang xảy ra xung đột (Ảnh: riemasansfrontiere.wordpress.com)

Cũng chính vì vậy mà trong suốt sự nghiệp của mình, Kevin đã phải tận mắt chứng kiến hàng ngàn thảm cảnh thương tâm: các vụ hành hình, bạo lực, xung đột sắc tộc, và rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối khác.

Nhưng chính điều đó lại để lại trong lòng người nhiếp ảnh nhiều ký ức kinh hoàng. Cùng với đam mê sự nghiệp là một bi kịch khác giằng xé trong nội tâm ông. Judith Matloff, một người bạn của Kevin kể rằng ông thường cảm thấy tội lỗi khi không thể cứu giúp những người khốn cùng, trong khi ông phải chụp ảnh họ, mà họ thì đang bị giết hại. Chúng ta có thể không hiểu được rằng, những phóng viên chiến trường đã phải làm thế nào để có thể tiếp tục công việc ấy hàng ngày. Nhưng rõ ràng nó đang gặm nhấm tinh thần họ từ bên trong. Và ở trường hợp của Kevin, ông đã phải tìm đến cocaine và ma túy.

Kevin tác nghiệp tại một khu vực đang xảy ra bạo loạn (Ảnh: thedialogueboxdesign.blogspot.com)
Kevin tác nghiệp tại một khu vực đang xảy ra bạo loạn (Ảnh: thedialogueboxdesign.blogspot.com)

Kevin không hề dửng dưng, lãnh đạm, và vô tình khi chụp bức ảnh con kền kền và em bé giống như những lời kết tội. Theo nhiếp ảnh gia Joao Silva, một người bạn của Kevin, ông đã ngồi dưới gốc cây, châm điếu thuốc và khóc. “Anh ấy thấy chán nản”, Silva nói, “anh ấy liên tục nói rằng muốn ôm con gái mình”.

Trong nhật ký cá nhân, Kevin cũng ghi lại những xúc cảm sau bức ảnh ấy: “Lạy chúa, tôi hứa rằng tôi sẽ không bao giờ lãng phí thức ăn của mình cho dù nó có mùi vị tồi tệ và cho dù tôi có thể đầy bụng đến đâu. Tôi cầu nguyện Ngài sẽ bảo vệ cậu bé ấy, dẫn dắt và đưa cậu ra khỏi đau khổ của mình. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ nhạy cảm hơn về thế giới xung quanh và không bị mù quáng bởi chính bản chất ích kỷ và lợi ích của riêng mình. Tôi hy vọng bức ảnh này sẽ luôn luôn là lời nhắc nhở rằng, chúng ta thật may mắn nhường nào, và rằng chúng ta không bao giờ được coi thường mọi thứ”.

Kevin trong phòng tối (Ảnh: The Light)
Kevin trong phòng tối (Ảnh: The Light)

Khi Kevin nhận giải thưởng Pulitzer danh giá, ai cũng nghĩ rằng ông đã có một năm thành công. Nhưng bi kịch lại đi liền ngay đó. Đúng vào ngày ông được trao thưởng thì người bạn thân thiết nhất của ông, Ken Oosterbroek, lại phải bỏ mạng trong khi đang chụp cảnh đấu súng ở thị trấn Tokoza, bên ngoài thành phố Johannesburg. Cái chết ấy để lại nỗi day dứt cho Kevin đến tận lúc ông từ giã cõi đời, bởi ông tin rằng người phải chịu kết cục ngày hôm đó, đáng lẽ là ông chứ không phải Ken.

Kevin Carter ở thị trấn Alexander, Sandton, Nam Phi (Ảnh: Guy Adams)
Kevin Carter ở thị trấn Alexander, Sandton, Nam Phi (Ảnh: Guy Adams)

Những ngày cuối đời, Kevin sống trong mặc cảm tội lỗi và căn bệnh trầm cảm. Nợ nần chồng chất, chia tay mối quan hệ tình cảm đã nhiều năm gắn bó, bị bỏ lại cùng với đứa con gái 6 tuổi, lại thêm một sai lầm khủng khiếp khi ông để quên 16 cuộn phim dành cho tạp chí Time trên máy bay. Và chỉ chưa đầy một tuần sau đó, Kevin đã tự vẫn bằng khí độc carbon monoxide.

Ông để lại những lời cuối cùng trong lá thư tuyệt mệnh: “Tôi thực sự, thực sự xin lỗi. Những đau đớn của cuộc sống đè nặng lên niềm vui tới mức niềm vui ấy không còn tồn tại… chán nản… không điện thoại… tiền thuê nhà… tiền chu cấp cho con cái… tiền trả các khoản nợ… tiền!!!… Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sống động về các vụ giết chóc, và xác chết, và sự giận dữ, và nỗi đau… của những đứa trẻ bị thương và đang chết đói, của những kẻ điên loạn hạnh phúc được bóp cò, mà thường là cảnh sát, của những tên đao phủ giết người… Tôi đã đến với Ken nếu như tôi may mắn”.

Bức ảnh nổi tiếng ‘kền kền và em bé’ đã gây cho Kevin nhiều áp lực, nhưng đó không phải là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi đường đột của ông. Bởi đó chỉ là một giọt nước trong biển sầu đã tích tụ trong nhiều năm liền. Bi kịch của ông cũng phần nào phản ánh cuộc sống của những phóng viên và nhà báo trên chiến trường.

Hồng Liên

Xem thêm: