Muối dưa, củ cải, kim chi… là “chuyện thường ngày ở huyện” rồi, hôm nay chị em hãy cùng bếp Đại Kỷ Nguyên đổi gió với món dọc mùng muối nhé! Miếng mùng hơi ngả sắc vàng, chua thanh nhè nhẹ quyện với chút cay cay mằn mặn và hương thơm thoảng nhẹ của lá chanh tươi, chấm với mắm ruốc, quả là tuyệt khẩu.

Dọc mùng có chứa photpho, kali, canxi, magie, sắt và đặc biệt nhiều chất xơ thấm hút chất béo, cholesterol ở trong ruột, đồng thời cản trở sự hấp thụ cholesterol. Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, không độc, dùng thanh nhiệt giải khát. Bẹ dọc mùng khô héo gọi là Phùng thu can có tác dụng thanh nhiệt, giải chất béo rất tốt lại an toàn.

Nguyên liệu:

  • Dọc mùng

Ở quê, dọc mùng thường trồng trong vườn, chỗ nước chảy ra gần giếng nước gia đình, hoặc sẽ trồng gần ao, ruộng… nên khi muốn ăn mọi người sẽ tự ra cắt cây về làm, rất tươi, sạch.

Còn nếu ở thành phố thì hầu hết mọi người phải đi mua, thậm chí là rất ít chỗ bán như ở các chợ miền Bắc.

  • Tỏi, ớt tươi
  • Gia vị: Muối, mì chính, đường
  • Lọ thủy tinh sạch.

Cách làm:

Bước 1:

Dọc mùng rửa sạch, sau đó cắt khúc vừa ăn, rồi mang ra ngoài phơi chỗ mát để dọc mùng héo bớt (lưu ý không phơi dưới nắng to sẽ khiến dọc mùng kiệt hết nước, mất đi độ giòn).

Ảnh: 2Sao.

Sau khi phơi xong, mang vào bóp kỹ với muối rồi rửa lại với nước thật sạch, để chỗ khô ráo (Nếu dọc mùng làm không kỹ ở bước này thì khi ăn sẽ bị ngứa).

Bước 2: Tỏi bóc vỏ, đập dập, thái nhỏ. Ớt thái lát nhỏ để riêng ra bát. 

Bước 3: Pha nước muối dưa dọc mùng: Nước muối dưa dọc mùng pha theo tỉ lệ: Cứ 1 lít nước đun sôi để nguội; 1,5 thìa muối; 2 thìa đường (có thể thêm 2-3 thìa giấm trắng vào cùng cũng được).

Bước 4: Trộn đều dọc mùng với tỏi, ớt, sau đó cho vào hũ hay bình thủy tinh sạch đã chuẩn bị sẵn, rồi đổ nước vào ngập dọc mùng là được. 

Đóng nắp, đậy kỹ lại, để chỗ thoáng mát. Khoảng sau 1 ngày kiểm tra là có thể đã dùng được.

Mỗi lần ăn, bạn hãy trộn với lá chanh thái nhỏ và giá đỗ nhé.

Ảnh: Thanh Niên.

Ở các vùng quê miền Trung, người dân thường muối mùng trong cái vại, khi muối sẽ không bỏ gia vị lúc đó mà đợi dưa mùng chua, mỗi ngày lấy một ít ra ăn thì trộn thêm ít ớt tươi, tỏi, vài sợi lá chanh thái chỉ; đường, mì chính là đã đủ để đưa cơm. 

Người dân miền Trung thường ăn kèm mùng muối với bánh đa, bánh mướt. Ba thứ này ăn kẹp với nhau ăn thì ngon hết sảy.

Ảnh: Truyenhinhdulich.

Ngoài ra, mùng muối chua còn được nấu với canh cá đồng thêm vài nhánh rau ngổ, đậm đà hương vị quê nhà.

Bếp Đại Kỷ Nguyên chúc gia đình bạn có bữa ăn ngon, ấm cúng với món dọc mùng muối nhé!

Bạn đang đọc bài viết: “Dọc mùng muối chua thanh ăn kèm bánh đa xứ Nghệ, ngon hết sảy” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||09e20ed19__