Trong văn hóa thần truyền Trung Hoa, cơ sở và gốc rễ việc tu dưỡng đạo đức là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

«Đại học»

«Đại học» là cuốn sách ngắn, chỉ khoảng hơn 2000 chữ, nhưng ẩn chứa những vấn đề quan trọng về đạo đức, được xem là một trong “tứ thư” kinh điển của Nho gia. «Đại học» vốn là tác phẩm Nho gia thời Tần – Hán, sau đến Tống – Nguyên trở thành sách quan trọng trong hệ thống khoa cử tiến thân làm quan. «Đại học» nhấn mạnh tu thân là tiền đề để trị người, mục đích của tu thân để trị quốc bình thiên hạ, vì hai việc này cần thống nhất với nhau.

Cuốn sách kinh điển «Đại học» của Nho gia
Cuốn sách kinh điển «Đại học» của Nho gia

Mở đầu sách «Đại học» viết: “Đạo học nằm ở làm sáng cái đức, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện”. (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện). Đây gọi là “tam cương lĩnh” của «Đại học». Gọi là “minh minh đức” là làm rạng rỡ đạo đức mà trời phú cho con người. Gọi là “tại thân dân” là giữ thiện tính trong ứng xử với mọi người. Trị dân phải thương yêu dân. Gọi là “đạt đến chí thiện” là vươn tới cảnh giới đạo đức tối cao về thiện tính của Nho gia.

Trong «Đại học» viết: Minh minh đức cần cho việc trị quốc. Muốn trị quốc, trước tiên phải trị gia; muốn trị gia, trước tiên phải tu thân. Từ thiên tử đến bách tính muôn dân đều cần lấy tu thân làm gốc, không có ngoại lệ.

“Bát mục” trong «Đại học»

Vậy thế nào là tu thân? Trong «Đại học» viết: “Muốn tu thân trước tiên cần tu tâm. Muốn tu tâm trước tiên phải thành thật. Muốn thành thật trước tiên phải đến cùng sự hiểu biết. Đến cùng sự hiểu biết là ở truy tìm nguồn gốc sự vật” (Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm. Dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý. Dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri. Chí tri tại cách vật). Như vậy: “cách vật, trí chi, thành ý, chính tâm” thêm vào “tu thần, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được người đời sau gọi là “Bát mục” trong «Đại học».

Gọi là “chính tâm” là dạy người đề phòng khuynh hướng dục vọng, cảm tình cá nhân. Con người không thể tránh được những cảm tình như giận dữ, sợ hãi, vui mừng, lo lắng, nhưng muốn đề phòng, khắc phục những dục vọng, tình cảm không chính đáng thì cần phải nỗ lực mới đạt được.

Gọi là “thành ý” nghĩa là không tự lừa dối mình, phải thận trọng. Khi sống với người khác phải như thế, nhưng khi sống một mình cũng phải như thế. Nội tâm phải như thế, biểu hiện ra bên ngoài cũng phải như thế.

“Cách vật” và “trí tri” (tìm tòi sự vật để đi đến cùng hiểu biết) là nền tảng của “Bát mục”, là nguyên tắc lý luận và đạo đức của người tu thân trị người. Nghĩa là trước tiên phải biết về tiêu chuẩn đạo đức mới có thể đạt đến sự thành thật thực sự, sau đó mới có thể chính tâm; khi ý thành tâm chính thì mới có thể tu thân.

“Tu thân” là nền tảng cơ bản của “bát mục”, là mục đích mà cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm cần đạt đến, tức là tu dưỡng cá nhân đến chỗ ngày càng hoàn thiện, cũng là yêu cầu tối cao mà «Đại học» muốn con người đạt đến. Chỉ có tu thân tốt mới có thể nói đến “tề gia”, “trị quốc”, “bình thiên hạ”.

Tu thân

Tu thân cần phải thế nào? Khổng tử từng có lần trả lời Lỗ Ai Công như sau:

Một là phải hư tịnh.
Hai là khiêm tốn thận trọng.
Ba là cung kính khiêm nhường.
Bốn là trung tín.
Năm là vững lòng (thấy lợi không quên nghĩa, dù phải hy sinh cả tính mạng cũng không đổi).
Sáu là hiền lành cương nghị (có thể thân mà không thể uy hiếp, có thể gần gũi mà không thể ép buộc, có thể chết chứ không thể nhục).
Bảy là sát thân thành nhân (theo Nhân mà làm, lấy Nghĩa mà ứng xử. Dù gặp bạo ngược cũng không thay đổi).
Tám là giữ kỷ luật nghiêm túc.
Chín là vì dân.
Mười là “hiểu biết”, “thuần hậu”, “bất dâm”, “bất khốn” “mộ hiền”, “bao dung”, “bỏ cứng nhắc”, “gần gũi”.
Mười một là trọng hiền tài.
Mười hai là khiêm nhường đãi bạn.
Mười ba là giữ phẩm đức trong sáng.
Mười bốn là cao thượng.
Mười lăm là kết bạn theo đức.
Mưới sáu là lấy nhân làm gốc.

Mạnh tử khái quát phẩm hạnh mà con người cần giữ là: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Tu thân ngoài “hoài nhân” còn phải “hiểu lễ”, vì thế Khổng Tử từng giáo huấn học trò của mình: “Không có lễ đừng nhìn, không có lễ đừng nghe, không có lễ đừng nói, không có lễ đừng động”. Ông yêu cầu mọi lời nói việc làm của học trò phải phù hợp yêu cầu của lễ. Cổ nhân cho rằng, các phẩm hạnh như: thành tâm, ngay thẳng, cần cù, tiết kiệm, liêm khiết, độ lượng, đều không tách khỏi sự soi rọi của lễ.

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: