Trong “Hồng Lâu Mộng”, Lâm Đại Ngọc là đóa hoa phù dung diễm lệ, mong manh, phất phơ trước gió. Nàng đến nhân gian này phải chăng để gieo nỗi sầu bi tuyệt cùng?

Khi uống rượu rút thẻ hoa với các chị em, Đại Ngọc rút được thẻ hoa phù dung, trên đó có đề bốn chữ: “Sương gió buồn tênh”, mặt sau lại có câu thơ cổ: “Thương mình nào dám giận gì gió đông”. Mọi người thấy vậy cười nói: “Hay quá! Trừ cô ấy ra, không còn ai xứng đáng làm hoa phù dung nữa”.

Lâm Đại Ngọc – đệ nhất mỹ nhân Hồng Lâu Mộng

Biểu tượng loài hoa phù dung là dự cảm cho cuộc đời sớm tàn lụi lúc còn xuân thì của Đại Ngọc. Cuộc đời nàng là giấc mộng hư ảo, như trăng, như sao, lại như hoa khẽ động trong sương.

Tào Tuyết Cần đã dùng những từ ngữ tuyệt mỹ nhất để miêu tả dung nhan của Đại Ngọc: “Đôi mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau, đôi mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui, tim đọ Tỷ Can (chú của Trụ Vương) hơn một khiếu, so Tây Tử (Tây Thi và Đông Thi) trội vài phần”. (Trích “Hồng Lâu Mộng”, hồi thứ 3).

Lâm Đại Ngọc, nàng đúng là “Thân kia trong sạch muôn vàn / Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ”. Nàng là đệ nhất mỹ nhân trong “Kim Lăng thập nhị thoa chính sách”, là người con gái tài hoa nhất trong vườn Đại Quan của Giả phủ.

Lâm Đại Ngọc sinh ra trong một gia đình quyền quý. Về lý mà nói, cuộc sống thiên kim tiểu thư giàu sang phú quý của cô đủ để những cô gái trong các gia đình bần hàn phải ao ước. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh ngộ éo le của cô gái đẹp tựa tiên sa và văn thơ lai láng này, người ta không khỏi thương xót mà rơi lệ.

Trong quãng đời ngắn ngủi 16 năm, ngoại trừ hai lần Đại Ngọc ra vào Giả phủ, thời gian còn lại đóa phù dung ấy chỉ biết có khuê phòng và hoa viên nơi vườn Đại Quan. Tuy nhiên, hai lần ra khỏi cửa của cô không khỏi làm người ta phải nắm chặt tay để không khỏi thổn thức vì thương cảm.

Hai lần cô Lâm ra vào Vinh Quốc phủ đều là mùa đông, đây là sự trùng hợp hay là vì tác giả đã cố tình tạo ra như vậy?

Ảnh: Sohu.

Hai lần tới Giả phủ

Thời gian Lâm Đại Ngọc tới Vinh Quốc phủ lần đầu tiên không rõ ràng. Trong hồi thứ 2, cha Đại Ngọc là Lâm Như Hải dặn dò Giả Vũ Thôn: “Ngày mồng hai sang tháng, tôi sẽ cho cháu vào kinh. Mời ông cùng đi, thật là lưỡng tiện”.

“Sang tháng” có nghĩa là sang tháng sau, mùa nào thời gian nào cũng không nói rõ. Tuy không nói rõ vào mùa nào, nhưng người đọc vẫn có thể đoán được. Đó chính là đoạn miêu tả trong hồi thứ 3, kể về chuyện Đại Ngọc gặp mặt Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân và Vương Hy Phượng ở Giả phủ. Trong truyện viết:

Đại Ngọc lấy làm lạ, nghĩ bụng: “Ở đây ai cũng im hơi lặng tiếng, khép nép nghiêm trang, không biết người nào mà lại dám vô lễ, ăn nói bô bô như thế”. Chợt thấy bọn hầu đỡ một người từ phòng sau lại. Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm ngũ phượng, đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả, mắt phượng, mày cong lá liễu, khổ người óng ả, dáng điệu phong lưu. Thật là: “Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu / Làn son chưa hé miệng như cười”.

Từ đoạn miêu tả trên, không khó để nhận ra đầy đều là trang phục của mùa đông.

Một sự trùng hợp khác đó là cha của Đại Ngọc lâm bệnh nặng qua đời vào mùa đông. Đây cũng là lần thứ hai cô Lâm tới Giả phủ. Rốt cuộc, tại sao hai lần Đại Ngọc tới Vinh Quốc phủ đều vào mùa đông? Phải chăng đó là sự sắp xếp có chủ ý của Tào Tuyết Cần?

An bài của Tào Tuyết Cần

Xuyên suốt kiệt tác “Hồng Lâu Mộng”, các biểu tượng và cách nói ẩn dụ đích thực là phong cách viết của Tào Tuyết Cần. Cái lạnh lẽo của mùa đông càng làm tăng thêm sự bi thương, ám chỉ tâm tình và cảnh ngộ của những đương sự trong bối cảnh ấy.

Vợ không may lâm bệnh mà sớm qua đời, người chồng bất lực đành phải gửi con gái mới 6 tuổi của mình vào Giả phủ, nhờ bà ngoại chăm sóc. Đại Ngọc vừa trải qua nỗi đau mất mẹ, nay lại phải xa rời người cha yêu thương, trong lòng cô Lâm quả thật không cam lòng. Nỗi đau của sinh ly tử biệt đến với một người trưởng thành đã là khó chịu đựng, huống hồ với một bé gái mới chừng 5-6 tuổi. Đại Ngọc đương nhiên không cam chịu.

Là một người cha, tâm trạng của Lâm Như Hải khi đó cũng không được thoải mái. Đàn ông tuổi trung niên mới mất vợ, nếu có con gái bầu bạn chuyện trò an ủi có thể giảm bớt nỗi đau buồn trong lòng. Nhất định ông có chỗ khó xử nên vạn bất đắc dĩ mới phải để con gái đi như vậy.

Tranh vẽ minh họa cảnh Lâm Đại Ngọc chôn hoa (ảnh: Pinterest).

Trong hồi 2 có đoạn:

“Lâm Như Hải đỗ Thám hoa khoa trước, được thăng chức Lan đài tự đại phu, nay bổ đến đây làm Tuần diêm ngự sử mới hơn tháng nay. Ông tổ nhà Lâm Như Hải từng tập tước hầu, đến Như Hải là năm đời. Theo lệ thì chỉ có ba đời, nhưng bố Như Hải được vua đặc cách ra ơn, cho tập tước thêm một đời nữa. Như Hải thì do khoa cử xuất thân, Họ Lâm tuy là nhà chung đỉnh, nhưng cũng dòng dõi thi thư”.

Tuần Diêm Ngự Sử là một chức quan có quyền thế rất mạnh, chắc chắn có nhiều người ham muốn. Một vị quan thanh liêm như ông sẽ dễ bị người ta hãm hại là điều khó có thể tránh. Nếu không, tại sao ông lại gửi cô con gái được “vợ chồng cưng chiều như hòn ngọc trên tay” cho người khác nuôi? Cho dù có gửi đi cũng không thể chọn vào mùa đông. Nguyên nhân vì thân thể yếu ớt của Đại Ngọc không thể chịu đựng sự khắc nghiệt giá lạnh của thời tiết.

Lâm Như Hải ép mình vào tình thế phải nén chịu đau thương mà cố gắng thuyết phục con gái: “Cha năm nay tuổi gần năm mươi, không muốn lấy vợ kế nữa. Vả tuổi con còn bé, ốm yếu luôn, trên không có mẹ dạy bảo, dưới không có chị em giúp đỡ. Bây giờ con vào nương nhờ bà ngoại, có các cậu mợ và các chị em, như thế cho cha đỡ phải lo, sao con lại không muốn đi?”.

Những lời của Lâm Như Hải, từng câu từng chữ có thể ví như “mỗi câu là một giọt máu nhỏ xuống”, làm cho người nghe không khỏi bùi ngùi thương cảm. Một thiên kim tiểu thư được mẹ dạy bảo từ nhỏ, am hiểu lễ nghi và đạo đức như Lâm Đại Ngọc liệu còn có sự lựa chọn nào khác?

Cô gái bé nhỏ yếu đuối Lâm Đại Ngọc đã bước ra khỏi nhà với những hiện thực mờ mịt như thế. Bước vào Giả phủ cô không thể không thận trọng, rập khuôn theo người khác. Bên tai cô luôn có lời giáo huấn của mẹ, có sự dặn dò của cha. Đối diện với Vinh quốc phủ nguy nga tráng lệ, phép tắc nghiêm ngặt, lễ nghi rườm rà, cô sợ mình đi sai đường, sợ nói sai một câu. Càng đọc càng đọc, chúng ta càng thấy thương cảm và đôi khi toát mồ hôi lo lắng cho hoàn cảnh cô Lâm đang ở.

Lại một mùa đông năm đó, Lâm Như Hải bệnh nặng e rằng không qua khỏi, Đại Ngọc được thông báo về nhà gặp cha lần cuối cùng. Sau khi cô về nhà không lâu thì cha qua đời. Không khó để tưởng tượng tâm trạng thê lương đau khổ khôn cùng mà cô đang gặp phải. Cảnh ngộ này của cô lại đúng vào mùa đông. Và cái lạnh lẽo của mùa đông lại càng làm tăng thêm sự bi thương, ám chỉ tâm tình và sự lạnh lẽo trong lòng của Đại Ngọc.

May mắn thay, cũng trong cái giá lạnh của mùa đông năm đó, cô Lâm đã có người quan tâm an ủi. Đó là âm thanh thỉnh thoảng được cất lên từ một người con trai được Giả phủ yêu thương nhất mực – Giả Bảo Ngọc. Bảo Ngọc nói: “Lâm muội muội, mùa đông này, có anh rồi em sẽ không còn thấy lạnh nữa…”.

Kiên Định
Theo Apollo