Sưu tầm: Lưu Hiểu

Có một đức tính gọi là nhặt được của rơi trả lại người đánh mất. Từ xưa đến nay, người trả lại của rơi đều có phúc báo, hoặc là phát tài, hoặc là con cháu đời sau phát đạt, hoặc là thi đỗ cao, hoặc là bệnh tật được tiêu trừ. Nếu không tin, hãy xem một vài câu chuyện được ghi chép trong cuốn “Khuyến Giới Lục” của Lương Cung Thần thời nhà Thanh.

Tổ tiên dòng tộc lớn hành thiện đắc phúc báo

Vào thời nhà Thanh, trong những gia đình hào môn ở huyện Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang, nhà họ Vương là hưng thịnh nhất. Tương truyền tổ tiên của họ ban đầu sống trong một túp lều tranh bên ngoài Bắc Môn. Một buổi sáng, khi quét dọn lều tranh, ông phát hiện một gói nhỏ, mở ra xem thì thấy bên trong có năm mươi lượng bạc. Ông biết đây chắc là của khách qua đường đánh rơi, nên ngồi ở cửa chờ người mất của.

Một lúc sau, có một người vừa đi vừa khóc, lảo đảo bước tới. Ông Vương hỏi han, quả nhiên là người mất bạc. Người mất bạc nói với ông: “Số bạc này đều là tôi vay mượn để hối lộ cai ngục, mong họ thả người thân của tôi bị vu oan phải vào tù. Nếu hôm nay mất số bạc này, người thân của tôi chắc chắn sẽ chết trong tù, vợ con của người ấy cũng không thể sống nổi. Còn tôi cũng không còn mặt mũi nào đối diện với người thân, làm sao có thể sống một mình? Số bạc này liên quan đến bốn mạng người, vì vậy tôi mới hoảng hốt như vậy.” Nói xong, người ấy lại khóc.

Ông Vương khuyên người ấy đừng khóc nữa, rồi trả lại gói bạc đã nhặt được. Người mất bạc hỏi kỹ tên của ông Vương, cảm ơn rối rít rồi rời đi.

Một năm sau, trưởng bối của ông Vương qua đời, ông chọn ngày để an táng. Vào ngày an táng, khi linh cữu cách mộ địa nửa dặm, thì gặp phải mưa giông lớn, nước dâng cao, linh cữu không thể tiến lên được, đành phải đặt tạm ở một bãi đất trống bên đường để chờ mưa tạnh. Nhưng trời mưa càng lúc càng lớn, ông Vương đi bộ đến xem mộ địa, thì phát hiện đã bị nước mưa cuốn trôi, không thể hạ táng được. Không còn cách nào khác, ông đành đắp đất thành mộ ngay tại bãi đất trống đó.

Một năm sau, nhà họ Vương đột nhiên phát đạt, con cháu liên tiếp nhập học trở thành sinh viên, thi đỗ cử nhân liên tiếp không ngừng. Mọi người đều nói, đây là phúc báo của việc ông Vương trả lại bạc.

Ngô Thiên Tước trả lại của rơi, được Thượng Thiên ban vàng

Ngô Thiên Tước, tự Quý Tiền, người Long Thủy, Nam An, Phúc Kiến. Ông là người thành thật, rất cẩn trọng trong việc lấy hay bỏ của cải. Vì gia cảnh nghèo khó, ông kiếm sống bằng nghề dạy học.

Năm Càn Long thứ 60 (1795), Ngô Thiên Tước ra ngoài tìm nơi dạy học, trên đường nhặt được một chiếc túi, bên trong có năm mươi lượng bạc, bạc được bọc trong nhiều lớp vải rách. Ông biết đây chắc là của người nghèo khổ đánh rơi, nên ngồi tại chỗ chờ người mất của.

Một lúc sau, Ngô Thiên Tước thấy một đôi vợ chồng khóc lóc đi tới, liền hỏi han. Đôi vợ chồng trả lời: “Chúng tôi là người Huệ An, vì đói kém nên nợ người ta không trả được, đành phải bán con gái cho một làng nọ làm tỳ nữ. Ai ngờ, đến đây lại đánh mất bạc.”

Thế là, Ngô Thiên Tước cùng đôi vợ chồng đến làng nọ, sau khi hỏi thăm chủ nhà mua tỳ nữ, phát hiện đôi vợ chồng này nói thật, liền trả lại bạc cho họ. Chủ nhà rất kinh ngạc, hỏi ông là người ở đâu, vì sao đến đây. Ngô Thiên Tước nói mình đang tìm việc dạy học, chủ nhà nghe xong, cảm phục nhân phẩm của ông, liền giữ ông ở lại nhà dạy dỗ con em mình.

Khi kỳ thi phủ sắp đến, Ngô Thiên Tước vẫn dạy học như thường, không có ý định tham gia. Chủ nhà biết ông không có tiền, liền thay ông nộp những bài tập thường ngày lên huyện, nhờ đó ông có đủ tư cách tham gia kỳ thi. Chủ nhà còn thúc giục ông tham gia kỳ thi, năm đó ông đã trúng tú tài. Đến ngày thi lại, có một thí sinh cùng bàn bị bệnh, không thể hoàn thành bài thi, liền nhờ Ngô Thiên Tước viết hộ, tiền công viết hộ vừa đúng năm mươi lượng bạc. Đây là trời đang ban thưởng cho việc nhặt của rơi trả lại của ông.

Hoàng Tú trả lại bác, trúng cử nhân

Vào thời nhà Thanh, ở huyện Kiến An, tỉnh Phúc Kiến, có một tú tài tên là Hoàng Lý Khôn. Một ngày nọ, khi ra ngoài, ông nhặt được một tờ ngân phiếu, trên đó ghi một trăm hai mươi lượng bạc. Hoàng tú tài cả đời không tham của, đặc biệt thương xót người nghèo khó, vì vậy ông ngồi tại chỗ chờ người mất của.

Sau khi người mất ngân phiếu tìm đến, Hoàng tú tài trả lại cho người ấy. Người mất phiếu mừng rỡ, bày tỏ nguyện ý trả hai mươi lượng để cảm tạ. Hoàng tú tài nói: “Tôi không cần một trăm hai mươi lượng bạc, sao lại cần hai mươi lượng?” Thế là ông kiên quyết từ chối, rồi rời đi.

Tết Nguyên Đán năm sau, Hoàng tú tài đến chùa Hoàng Hoa Sơn bái Phật, phát hiện dưới lư hương trước thần điện có một trăm hai mươi lượng bạc. Ông vô cùng kinh ngạc, tìm trụ trì chùa, giao hết số bạc đó cho sư trụ trì để sư dùng vào việc tu sửa chùa. Trụ trì dùng số tiền này để tu sửa chùa, không mấy tháng sau, ngôi chùa trở nên khang trang hơn.

Một năm sau, đúng vào năm Đạo Quang thứ 8 (1828), năm Mậu Tý, kỳ thi hương, trước khi vào trường thi, Hoàng tú tài mơ thấy có người bán danh sách thi trúng, ông hỏi: “Trong danh sách cử nhân khoa này có Hoàng Lý Khôn không?” Người kia trả lời: “Không có, chỉ có Hoàng Bang Thái đứng thứ sáu mươi tư.” Hoàng tú tài bèn tra cứu tên của tất cả các sinh viên trong huyện Kiến An, không có ai tên là Hoàng Bang Thái, thế là khi đăng ký dự thi, ông đã đổi tên mình thành Hoàng Bang Thái. Sau khi công bố danh sách, quả nhiên ông đã trúng thứ sáu mươi tư. Đây tự nhiên cũng là ý trời.

Trả lại bạc rồi phát gia chí phú

Tiền Vịnh, một học giả nổi tiếng một thời ở Vô Tích, người sống qua ba triều Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, kể rằng ở Tô Châu có một người tên là Hạ Nguyên Thái, sống ở Tây Hối, Tề Môn, mở một cửa hàng buôn bán gỗ, gia cảnh khá giả.

Tổ tiên của ông vốn là một thợ may, mở một tiệm may. Một ngày nọ, khi đi vệ sinh, Hạ thợ may nhặt được một gói đựng ba trăm lượng bạc, ông ngồi chờ người mất của đến rồi trả lại. Người mất của là một người làm công cho một thương nhân gỗ, sau khi về kể lại việc thiện của Hạ thợ may cho ông chủ. Ông chủ rất ngưỡng mộ nhân phẩm của Hạ thợ may, liền mời ông về nhà, giao cho ông việc may quần áo cho cả nhà, đồng thời kiêm luôn việc buôn bán gỗ. Hạ thợ may từ đó tích lũy được của cải, dần dần phát đạt. Đến đời con cháu của ông, việc buôn bán vẫn rất thịnh vượng.

Trả lại vàng bạc châu báu, bệnh nặng tiêu tan

Tiền Vịnh còn kể một chuyện khác: Ở Đông Môn, huyện Vô Tích, có một người nhà ở Khắc Bảo Kiều, từ nhỏ đã mắc bệnh cách (chứng nghẹn), tức là bệnh ung thư thực quản theo cách nói của người hiện đại, hàng xóm đều gọi ông là “Cách Ông”.

Một ngày nọ, Cách Ông tình cờ vào quán trà, lại nhặt được một gói đồ, mở ra xem thì thấy bên trong toàn là vàng bạc châu báu. Cách Ông nghĩ: “Ta đã là người sắp chết, còn cần đến những thứ này làm gì?” Thế là ông ngồi đó chờ người mất của.

Một lúc sau, ông thấy một bà lão lảo đảo đi tới, vừa khóc vừa tìm kiếm thứ gì đó. Cách Ông hỏi rõ nguyên nhân, biết bà lão chính là người mất của, liền trả lại gói đồ cho bà lão. Bà lão cảm ơn rối rít rồi rời đi.

Cách Ông trở về nhà, đột nhiên cảm thấy đầu óc choáng váng, buồn nôn, rồi nôn ra một cục đờm cứng, cứng như da trâu, dùng dao cắt đứt nó đi, nhưng chỗ đứt lại nhanh chóng liền lại, mọi người đều lấy làm lạ. Từ đó về sau, bệnh cách của Cách Ông tự nhiên khỏi hẳn, hơn nữa còn sống thọ và qua đời một cách êm ái, gia đạo cũng dần dần hưng thịnh.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch