Giữa một bên là bạc tiền vinh hoa, một bên là cơ hội tu luyện đắc Đạo, bạn sẽ chọn điều gì?

Tham phú quý, lỡ cơ duyên

Danh lợi tài vận, bốn mặt vốn không có tường. Giữa vinh hoa phú quý và cơ hội được đắc Đạo thành tiên, rất nhiều người hẳn sẽ không do dự mà lựa chọn vinh hoa phú quý. Chỉ khi sinh mệnh gần đến thời khắc cuối cùng, mới chợt nghĩ đến chuyện trở thành Thần tiên, đáng tiếc lúc này mọi chuyện đã muộn màng. Dưới đây là câu chuyện trích từ “Dật sử”, kể về Tề Ánh đã lựa chọn vinh hoa phú quý lại còn làm trái lời hứa lúc ban đầu.

Rất nhiều người hẳn sẽ không do dự mà lựa chọn vinh hoa phú quý. Chỉ khi sinh mệnh gần đến thời khắc cuối cùng, mới chợt nghĩ đến chuyện trở thành Thần tiên, đáng tiếc lúc này mọi chuyện đã muộn màng. (Ảnh: youtube.com)

Có một chàng thư sinh tên Tề Ánh tham gia khoa thi Tiến sĩ, vào trong tỉnh hỏi thăm tin tức, tạm trú ở Nam viện của Lễ bộ. Một ngày kia, gặp phải trời mưa không thể ra ngoài ăn cơm, trong lòng đang do dự không biết đến nơi nào, liền chậm rãi đi dưới chân tường.

Lúc này, y nhìn thấy có một lão nhân, người mặc y phục màu trắng, tay chống gậy, có hai người hầu nhỏ tuổi đi theo sau. Ông lão nhìn thấy Tề Ánh, liền chắp tay thi lễ nói: “Mặt trời đã lên cao, chắc cậu vẫn chưa ăn cơm, nhà lão cách đây không xa, cậu có thể đến đó không?“. Tề Ánh cảm ơn, đi theo ông lão đến bên ngoài cửa. Ông lão nói: “Tôi đi về trước, để lại một kẻ hầu dẫn đường cậu vậy“. Nói xong, ông lão cưỡi một con lừa trắng, phóng đi nhanh như bay.

Tề Ánh sau khi đi đến phía Bắc thị trấn, được dẫn vào một gian nhà mới thanh tịnh, sân vườn sạch sẽ ngăn nắp. Đợi một lúc khá lâu, ông lão lại từ trong đi ra, hơn nữa có mười mấy tỳ nữ đi cùng. Trong tay của các tỳ nữ đều mang xách đồ đạc. Đến gian nhà chính ngồi xuống, nhìn thấy bày biện trong phòng lộng lẫy sạch sẽ, xa xỉ phong phú.

Một lúc sau, liền bày biện bàn tiệc trên lầu, dâng lên cao lương mỹ tửu thịnh soạn. Chính ngay lúc này, có người đến thưa, nói có một người đưa đến một trăm đồng tiền. Ông lão nói: “Đây là của tửu quán đưa đến, tôi đã dùng một viên thuốc làm một vò rượu cho họ“. Đến buổi tối, Tề Ánh xin trở về. Ông lão nói: “Tướng mạo của cậu trông rất đặc biệt, cậu muốn làm Tể tướng, hay muốn làm Thần tiên đây?“.

Tề Ánh nói: “Tôi muốn làm tể tướng“. Ông lão cười nói: “Năm sau, cậu nhất định có thể thi đỗ, chức Tể tướng này cậu làm chắc rồi“. Lúc chia tay, ông lão tặng cho y mấy chục cuộn gấm vóc, nói với y rằng: “Tuyệt đối đừng nói với người khác chuyện này. Lúc nào rảnh rỗi thì hãy đến đây ngồi chơi“. Tề Ánh bái tạ ông lão.

Về sau, y lại đến mấy lần nữa, lần nào đều cũng đều nhận được quà tặng. Đợi đến mùa xuân năm thứ hai, quả nhiên y đã thi đậu.

Đám bạn đồng trang lứa thấy y ngựa xe áo quần đều đầy đủ cả, nhân lúc y uống say tìm cách vặn hỏi. Tề Ánh vô tình đem toàn bộ mọi chuyện nói ra, và cùng với hơn 20 người cũng hẹn đến bái kiến ông lão. Lão nhân mượn cớ bệnh không gặp mặt bọn họ, chỉ gọi Tề Ánh vào, trách mắng y rằng: “Cậu sao lại dễ dàng tiết lộ mọi chuyện như vậy? Vốn dĩ cậu còn có thể thành tiên nữa, bây giờ đã không thể được nữa rồi“. Tề Ánh đau khổ tạ tội rồi đi ra ngoài cửa. Mười ngày sau, y lại quay lại, ông lão đã bán ngôi nhà cho người khác, không biết đã đến nơi nào.

Chỉ vì không biết giữ mình mà Tề Ánh đã bỏ lỡ cơ duyên đắc Đạo thành Tiên. (Ảnh minh họa: tamtuminh.net)

Tàn nhẫn với người, lỡ mất duyên Trời

Lại có một câu chuyện khác kể rằng, Trương Trĩ Khuê là môn khách trong nhà Tể tướng Vương An Thạch thời Tống. Ông là quan vận chuyển lương thực trên sông Trường Giang, cũng là người lo việc ở Kim Lăng Phủ. Là người chính trực, không ưa xu nịnh, ghét việc bòn rút, tham ô, Trương Trĩ Khuê thường rất nghiêm khắc trong xử án, không chút khoan dung, nhân nhượng, bởi vậy ít người kết giao.

Một hôm, nhìn thấy người sai nha già trong phủ trông coi vườn rau đeo một chuỗi tràng hạt, Trĩ Khuê bèn hỏi: “Ông đọc kinh chăng?“. Người sai nha bình thản trả lời: “Chỉ là đếm những ngày còn lại thôi!“. Trĩ Khuê bèn lấy làm kỳ lạ, gọi người sai nha vào nhà hỏi rõ sự tình.

Người sai nha thuật lại một hồi cho Trĩ Khuê các phép châm lửa bắc lò, hái thuốc luyện đan, hô hấp tập thở, điều hòa thần khí, tỏ ra là một người vô cùng am tường tu luyện. Đoạn, người sai nha quay lại bảo Trĩ Khuê: “Ngài hàng ngày dùng hình tàn khốc bạo ngược, đây không phải là cách tạo phúc cho bản thân và con cháu. Ngài dẫu có mời nhiều phương sĩ cũng không phải là người có đạo thuật chân chính. Họ chỉ là muốn lấy được tiền vật của ngài mà thôi”.

Trương Trĩ Khuê nghe xong thì rất hoảng sợ nói: “Ông có thể truyền thụ đạo thuật cho tôi không?”. Sai nha nói: “Nửa đêm nay ông phải bí mật đến đây. Ta sẽ đích thân truyền thụ cho ông”. Trở về nhà, Trương Trĩ Khuê bàn với vợ là Lưu Thị về chuyện này. Lưu thị nói: “Không được, ngày thường ông đối xử với người khác tàn nhẫn như vậy, họ đều khổ sở vì ông. Giờ đang đêm ông lại một mình ra ngoài, nhỡ có chuyện gì thì làm thế nào?”.

Đúng lúc đó mẹ của Trương Trĩ Khuê ở ngoài cửa nghe được câu chuyện, bèn lặng lẽ khóa cửa phòng ngủ của con trai lại. Kết quả là đêm hôm đó, Trương Trĩ Khuê đã không thể ra ngoài. Ngày hôm sau, có người vào báo với Trương Trĩ Khuê rằng canh tư đêm qua vị sai nha già trông giữ vườn đã qua đời trong tư thế ngồi khoanh chân.

Trương Trĩ Khuê vừa nghe thấy liền biết rằng vị sai dịch đó đã đắc Đạo thành tiên, ngồi tọa hóa mà rời đi. Ông vô cùng tiếc nuối, ân hận, ngửa mặt lên trời mà rằng: “Thật đáng tiếc thay, đáng tiếc thay. Bình sinh chỉ vì ta nghiêm khắc, tàn nhẫn với người, có lòng cầu Đạo mà lại không có duyên nhập Đạo“.

Mấy tháng sau, Trương Trĩ Khuê cũng mắc bệnh và qua đời.

Trương Trĩ Khuê vô cùng tiếc nuối, ân hận, ngửa mặt lên trời mà rằng: “Thật đáng tiếc thay, đáng tiếc thay. Bình sinh chỉ vì ta nghiêm khắc, tàn nhẫn với người, có lòng cầu Đạo mà lại không có duyên nhập Đạo”. (Ảnh minh họa: forum.designhill.com)

***

Thần Phật độ người có duyên, vốn không phải là Thần Phật bỏ rơi chúng sinh nào đó, mà là chỉ có thể độ hóa những người ai nguyện ý được cứu độ. Chính như bạn muốn được tắm nắng vậy, thế thì bạn phải đi ra khỏi nhà hoặc mở cửa sổ ra, để cho ánh sáng mặt trời rọi chiếu về phía mình. Còn nếu bạn không nguyện ý, luôn thu gọn bản thân trong góc tối, thế thì dù cho bên ngoài ánh mặt trời rực rỡ chói chang thế nào thì cũng không hề liên quan với bạn.

Trong cõi hồng trần đầy hư ảo này, có biết bao thứ vật chất, ái tình cám dỗ con người ta. Nhiều người vốn có phúc duyên với Phật, với Đạo nhưng cuối cùng vẫn chẳng thể tu tập đến bờ, vượt qua bể khổ chỉ bởi lòng còn tham luyến quá nhiều. Bạn thử nghĩ xem, giữa một bên là kiếp sống ngắn ngủi chẳng đầy trăm năm và một bên là sự vĩnh hằng của sinh mệnh, lựa chọn thế nào?

Vũ Dương – Văn Nhược