“Có ân phải trả” là một nét đẹp trong văn hóa nghìn đời, nhưng nguyện quên thân mà báo đáp như người xưa thì chúng ta thời nay không những khó làm được mà còn không lý giải được. 

Nhưng nếu có đạo đức ước thúc, nếu còn lưu giữ được văn hóa truyền thống vốn đặt trọng làm người vì đại nghĩa lên trên lợi tư, thì sẽ thấy việc làm này chẳng có gì khó lý giải. Cũng bởi tin rằng việc mình làm không chỉ là mình biết, mà Thiên Địa đều thấy, nên người xưa sống ngay thẳng, chính nghĩa dù bị hàm oan, dù không có ai thấy cái điều tử tế của mình.

Tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” kể về một thời khói lửa liên miên, quần hùng cát cứ. Có những “chủ công” là bậc kiêu hùng, nhưng cũng có tiểu nhân xuất hiện. Chủ công đê hèn không chỉ khiến nhiều người bất mãn, mà tướng tài trọng nghĩa khinh trung nhiều khi cũng rơi vào tình thế bất đắc dĩ.

Hoàng Trung ngựa sa chân trước, Quan Vũ không thừa cơ lấy mạng người

Truyện kể:

“Vân Trường thấy một lão tướng xông ra biết là Hoàng Trung, cũng dàn năm trăm quân của mình thành hàng chữ nhất, rồi cắp ngang thành long đao ghìm ngựa hỏi: “Tướng kia có phải là Hoàng Trung đó không?”.

Trung đáp: “Đã biết tiếng ta, sao dám xâm phạm bờ cõi của ta?”

Vân Trường nói: “Ta lại đây chỉ cốt lấy đầu ngươi đó thôi!”.

Nói đoạn, xông vào chiến đấu, hơn một trăm hiệp chưa phân thắng bại. Hàn Huyền sợ Hoàng Trung túng thế, vội khua chiêng thu quân. Hoàng Trung dẫn quân vào thành. Vân Trường cũng rút quân lui, cách thành mười tám dặm hạ trại.

Vân Trường nghĩ thầm rằng: “Lão tướng này, tiếng đồn không sai, đánh nhau tới hàng trăm hiệp không sơ hở chút nào. Ngày mai ta sẽ dùng kế đà đao, quay lưng lại chém mới xong”.

Hôm sau, cơm sáng no nê, Vân Trường lại đến khiêu chiến. Hàn Huyền ngồi trên mặt thành, sai Hoàng Trung ra ngựa. Trung lại dẫn vài trăm quân kị mã vượt cầu treo ra đánh nhau với Vân Trường, tới năm sáu chục hiệp mà vẫn chưa phân được thua. Quân hai bên vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Trống đang thúc dồn dập thì Vân trường quay ngựa chạy về, Hoàng Trung đuổi theo. Vân trường sắp sửa quay đao chém vật lại, bỗng nghe sau lưng “huỵch” một tiếng, vội ngoảnh lại thấy Hoàng Trung bị ngựa sa chân trước, ngã lăn xuống đất. Vân Trường liền quay ngựa lại, hai tay giơ thanh long đao thét lớn: “Ta tha tính mạng cho ngươi, mau mau về đổi ngựa khác ra đánh nữa”.

Ảnh minh họa: Chinatimes.

Hoàng Trung vội vàng đứng dậy, nhảy lên ngựa chạy tế vào thành, Hàn Huyền kinh hãi, hỏi nguyên nhân, Trung thưa: “Con ngựa này lâu nay không ra trận mạc, cho nên lỡ xảy ra chuyện như vậy”.

Huyền hỏi: “Ngươi bắn tên trăm phát trăm trúng, làm sao không bắn?”.

Trung đáp: “Ngày mai đánh nữa, tôi sẽ giả vờ thua, dử y đến bên cầu treo mà bắn”.

Huyền đưa con ngựa xám của mình cho Hoàng Trung. Trung bái tạ trở ra, trong bụng nghĩ rằng: “Hiếm người được nghĩa khí như Vân Trường! Hắn đã không nỡ hại ta, ta sao nỡ giết hắn? Mà không bắn, thì sợ trái tướng lệnh!”.

Suốt đêm nghĩ đi nghĩ lại, Hoàng Trung không biết quyết định bề nào cho phải. (Trích hồi thứ 53: Quan Vân Trường tha Hoàng Trung không giết; Tôn Trọng Mưu đánh Trương Liêu bị thua).

Hoàng Trung một lòng đền ân, ba lần không bắn trúng Quan Vũ

Sáng sớm hôm sau, có tin Vân Trường lại đến khiêu chiến. Trung lĩnh quân ra thành. Vân Trường hai hôm không đánh đổ được Hoàng Trung, bực dọc vô cùng, liền hăm hở ra sức đánh đỡ. Chưa đầy ba chục hiệp, Trung giả thua chạy. Vân Trường đuổi theo. Trung nghĩ ân tình hôm trước, không nỡ bắn ngay, bèn cài đao vào bao và giương cung bắn dây không. Vân Trường né tránh nhưng không thấy có tên bay đến, lại đuổi. Trung lại bắn dây không lần nữa. Vân Trường lại lánh, nhưng vẫn không thấy tên, cho là Hoàng Trung không biết bắn, càng vững dạ đuổi theo.

Khi sắp đến đầu cầu, Hoàng Trung đứng trên cầu, giương cung đặt tên, bắn một phát, trúng ngay vào quai mũ Vân Trường. Quân trước mặt reo ầm cả tên. Vân Trường giật mình, đeo cả tên chạy về trại. Bấy giờ Vân Trường mới biết Hoàng Trung có tài bắn xuyên lá liễu cách xa hàng trăm bước. Bữa nay sở dĩ bắn lên chỏm mũ mình là có ý trả ơn không giết hôm trước đó thôi.

Hoàng Trung về thành, ra mắt Hoàng Huyền. Huyền quát tả hữu trói Trung lại. Trung kêu là vô tội. Huyền mắng rằng:

“Ta xem ròng rã ba hôm nay rồi, người còn dám dối ta à? Hôm đầu, ngươi không đánh hết sức, tất có bụng thiên vị. Hôm qua, ngã ngựa, hắn không giết, thế là thông đồng với nhau. Hôm nay, hai lần ngươi bắn dây không, đến lần thứ ba lại chỉ bắn vào quai mũ, thế có phải là ngươi với hắn vẫn thông đồng với nhau không? Nếu không giết ngươi đi, tất để mối lo về sau”.

Liền quát tay đao phủ lôi Hoàng Trung ra ngoài cửa thành chém đầu. Các tướng định vào kêu van, Huyền nói: “Hễ ai kêu van cho Hoàng Trung, tức là đồng lõa!” (Trích hồi thứ 53: Quan Vân Trường tha Hoàng Trung không giết; Tôn Trọng Mưu đánh Trương Liêu bị thua).

Hoàng Trung không bắn chết Quan Vũ, hậu quả tin chắc ông đã biết trước rồi. Người dám xả thân vì nghĩa mới đúng thật người đại nghĩa, Hoàng Trung không hổ là danh tướng một thời, để lại cho người sau tấm gương cái đạo làm người cũng như cái đạo làm kẻ bề tôi. Giữa trung và nghĩa, phần lớn võ tướng thường đều sẽ chọn nghĩa. Nếu là bậc minh quân tự nhiên sẽ hiểu được nỗi khổ tâm của Hoàng Trung, tiếc thay Hàn Huyền lại là kẻ tiểu nhân, tất nhiên không thể hiểu được. Nếu Hàn Huyền độ lượng bỏ qua cho Hoàng Trung, tin chắc Hoàng Trung nhất đinh sẽ cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi.

Vũ Dương
Theo Secretchina

Video: Người năng lực càng mạnh thì càng không nổi nóng

videoinfo__video3.dkn.tv||11470ab91__