Trong trận chiến Xích Bích nổi tiếng nhất thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã vận dụng kế: ‘Mượn gió đông’ để giúp liên quân của Lưu Bị và Chu Du tiến hành hỏa công thiêu trụi cả một đoàn chiến thuyền liên hoàn vô cùng hùng mạnh của Tào Tháo. Trận đánh mang tầm vóc quyết định này đã tạo ra thế chân vạc giúp Lưu bị thành lập nên nhà Thục Hán, đồng thời lưu lại nhiều bài học lịch sử sâu sắc cho hậu thế… 

Tào Tháo kéo quân vào Xích Bích; Chu Du toan tính trận hỏa công

Chuyện kể rằng Tào Tháo sau khi diệt Viên Thiệu, phá Kinh Châu xong, mang 80 vạn quân xuôi theo Trường Giang tiến về phía đông có ý đồ muốn thống nhất thiên hạ. Trú quân ở Giang Thượng, Tào Tháo như nâng chén sắp cạn, hoàn toàn vừa ý, chỉ mong sớm diệt được Tôn Quyền và Lưu Bị, bình định Ngô-Thục, độc bá thiên hạ.

Tướng sĩ quân Tào đều là người phương Bắc, không quen thủy thổ. Khi tập luyện trên sông, quân sĩ bị sóng gió tròng trành làm cho say lả, chịu không nổi. Khi ấy bèn có Bàng Thống là mưu sĩ Giang Đông đến gặp Tào Tháo hiến kế:

– Nếu dùng dây thép buộc chặt thuyền lớn thuyền nhỏ vào với nhau, cứ 30 hoặc 50 thuyền làm một, ở trên cho trải ván gỗ thì đúng là ‘nhất cử lưỡng tiện’: Thứ nhất tướng sĩ có thể đi lại trên thuyền như trên đất bằng, chiến mã cũng có thể đi lại; thứ hai là liên hoàn lại, thể tích của chiến thuyền rất lớn, có thể giảm được cái khổ vì thuyền tròng trành, sóng gió trên sông cũng không còn đáng sợ nữa.
Tào Tháo nghe theo phương kế của Bàng Thống. Việc xong xuôi Thống nói phải về Giang Đông khuyên Chu Du của Đông Ngô đầu hàng, liền trở về Giang Đông ngay.

Nghe lời Bàng Thống, Tào Tháo bèn cho buộc chặt các thuyền lại với nhau tạo thành liên hoàn chiến thuyền. (Ảnh: Youtube)

Ngày 15 tháng 11 năm Kiến An thứ mười hai (207), trời cao lồng lộng, không một gợn gió, Tào Tháo đi ven sông thị sát các trại trên bờ. Sau đó lại ngồi trên thuyền lớn, chính giữa thuyền treo một lá cờ có chữ: “Soái”, đi điểm duyệt thủy quân. Hai bên, các chiến thuyền liên hoàn khí thế bừng bừng, tinh kỳ phấp phới, đao thương rợp trời, trên thuyền còn chuẩn bị sẵn hàng nghìn cung tên. Tào Tháo rất chi vừa ý, vui lộ ra mặt, dặn dò chuẩn bị tiệc rượu trên Soái thuyền để tối đến khao mời các tướng lĩnh toàn quân.

Trăng sáng treo trên bầu trời, ánh trăng rơi trên mặt sông, Trường Giang trông như một dải lụa bạch. Trên thuyền lớn, hàng trăm tướng lĩnh ngồi theo thứ bậc. Tào Tháo nhìn kiêu hãnh, nói với các tướng lĩnh:

– Ta nay đã 54 tuổi rồi, nếu lấy được Giang Nam thì sở nguyện của ta cũng đạt được. Khi xưa, ta quen thân với Kiều công ở Giang Nam, biết ông có hai người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Về sau, không ngờ về tay Tôn Sách và Chu Du. Ta vừa xây xong đài Đồng Tước trên bờ sông Chương, nếu hạ được Giang Nam, ta sẽ bắt hai nàng Kiều ấy đem về đài Đồng Tước, để vui hưởng tuổi già, ta mới mãn nguyện!

Nói xong, rót rượu cạn chén.

Ngày hôm sau, Tào Tháo hạ lệnh toàn quân thủy lục thẳng tiến về Giang Đông. Hôm đó gió tây bắc thổi mạnh, chiến thuyền liên hoàn chỉ cần căng buồm, đè sóng lướt gió như đi trên đất bằng. Quân Tào múa thương khua đao, tinh thần phấn chấn, thẳng tới Đông Ngô. Đại quân dừng ở Xích Bích, chuẩn bị nghênh đấu với Đông Ngô, quyết trận tử chiến.

Nào có hay đâu, Đại đô đốc Chu Du của Đông Ngô sớm đã có một kế hoạch tỉ mỉ: Một mặt bí mật liên minh cùng Lưu Bị quyết tận diệt Tào, mặt khác lại xui Bàng Thống tới làm mưu sỹ cho Tào Tháo bầy kế liên hoàn, xui khiến cho các chiến thuyền của Tào Tháo khóa chặt vào với nhau, để liên quân Ngô -Thục dễ bề tiến hành hỏa công.

 

Chu Du muốn đánh hỏa công, chỉ mong gặp được gió Đông là hành sự  (Ảnh: Youtube)

Chu Du còn sử dụng khổ nhục kế, đánh cho lão tướng dưới quyền là Hoàng Cái – người có chủ trương “hàng Tào” đến toạc da rách thịt, rồi bảo Hoàng Cái viết cho Tào Tháo một bức mật thư, nói rằng Cái sẽ đầu hàng Tào Tháo để đôi bên trong ứng ngoài ứng hợp.

Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi đâu đấy, chỉ chờ thời cơ thuận lợi là quyết trận thắng bại cùng đại quân của Tào.

Một hôm Chu Du đang đứng trên núi quan sát mọi động tĩnh của quân Tào, bỗng nhiên thấy gió tây bắc thổi mạnh, sóng trào lên bờ, một lá quân kỳ quệt vào mặt, Chu Du xúc động trong lòng, bỗng kêu to một tiếng, rồi ngã vật xuống đất.

Khổng Minh bày kế ‘Mượn gió đông’; Chu Du dàn quân chờ xuất kích

Thấy chủ soái trước khi lâm trận lại bị lâm bệnh ngã quỵ, tướng sĩ Đông Ngô lo lắng. Hay tin này, quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng đang ở trong binh trại liên minh hỗ trợ bày mưu kế giúp Đông Ngô mỉm cười, nói:

– Bệnh của đô đốc tôi có thể trị được.

Nói đoạn Gia Cát Lượng liền đến doanh đô đốc thăm Chu Du. Lượng nói:
– Mấy ngày không gặp, không biết quý thể của đô đốc bất an.

Chu Du đáp:

– Họa phúc của người chỉ trong sớm tối, ai có thể lường trước được!
Gia Cát Lượng nói:

– Tôi xem chừng nguyên nhân là mây gió của trời đấy!

Gia Cát Lượng đoán biết được ‘tâm bệnh’ của Chu Du, liền tới thăm hỏi. (Ảnh: Youtube)

Câu nói trúng tâm bệnh của Chu Du, Du hỏi:

– Có cách gì hay không?

Gia Cát Lượng đáp:

– Bệnh phiền muộn của đô đốc, trước hết là do khí.

Nói xong, Lượng lấy giấy bút ghi ra 16 chữ, đưa cho Du, trong đó viết như sau:

“Dục phá Tào công
Thực dụng hỏa công
Vạn sự cụ bị
Chỉ khiếm đông phong.”

Tạm dịch là:

“Muốn đánh Tào công
Phải dùng hoả công
Muôn việc đủ cả
Chỉ thiếu gió đông”.

Chu Du thấy Gia Cát Lượng nhìn thấu được tâm sự của mình, kêu lên một tiếng, bệnh tình bay biến hết, vội xin Lượng chỉ giáo kế hay.

 

Chu Du nghe thấy Khổng Minh nói có thể mượn được gió Đông thì lập tức hết bệnh (Ảnh: Youtube)

Khổng Minh nói:

– Tôi tuy rằng bất tài, nhưng có gặp được một dị nhân truyền cho quyển “Kỳ môn độn giáp thiên thư” có thể gọi được gió, bảo được mưa. Đô đốc muốn cần đến gió Đông nam, thì phải lập đàn tại núi Nam Bình, gọi là đàn Thất tinh, bề cao chín thước, chia làm ba tầng, dùng một trăm hai chục người cầm cờ đứng xung quanh. Tôi xin lên đàn, dùng phép, mượn gió Đông nam thật to, gió đủ ba ngày ba đêm để đô đốc dùng binh. Đô đốc nghĩ thế nào?

Du nói:

– Chẳng cần đến ba ngày ba đêm, chỉ một đêm gió to là xong việc. Nhưng xin tiên sinh phải làm ngay cho, chớ để chậm chạp.

Khổng Minh nói:

– Ngày 20 tháng 11 là ngày giáp tý, bắt đầu tế gió, đến ngày 22 là ngày bính dần thì gió im, có được không?

Du nghe nói mừng lắm, đứng choàng dậy, ngay lập tức lệnh cho 500 quân sĩ cường tráng đến Nam Bình Sơn xây dựng đài, đồng thời cử 200 quân sĩ canh gác, chờ lệnh.

Đúng giờ cát thần ngày 20 tháng 11, Khổng Minh tắm rửa trai giới, khoác Đạo y, chân trần tiến đến trước đàn, căn dặn tướng sĩ canh giữ:

– Không được tự ý rời vị trí, không được nói lời thì thầm, không được thuận miệng nói chuyện làm xáo trộn, không được làm kinh động. Người nào trái lệnh, chém đầu!

Sau khi mọi người nhận lệnh, Khổng Minh chậm rãi đăng đàn, xem được phương hướng liền đốt hương trong lư, rót nước vào trong bồn rồi ngửa mặt lên trời thầm khẩn cầu.

Ngày hôm ấy, Khổng Minh lên xuống đàn ba lần nhưng cũng không thấy gió Đông nam thổi tới.

 

Lại nói Chu Du lúc này đã cho gọi Trình Phổ, Lỗ Túc và các tướng chực sẵn dưới trướng, chỉ đợi có gió Đông nam là cất quân đi. Một mặt Du báo tin cho Tôn Quyền để tiếp ứng, một mặt lệnh cho Hoàng Cái đã chuẩn bị sẵn hai chục chiếc hoả thuyền, mũi thuyền cắm chông sắt, trong thuyền chứa đầy lau sậy và củi khô tẩm dầu mỡ, trên còn cho rắc lưu hoàng, diêm tiêu rồi dùng vải xanh che kín; Lại điều bốn đội thuyền đi theo Hoàng Cái để sẵn sàng tốc chiến: Đội nhất là Hàn Đương, đội nhì là Chu Thái, đội ba là Tưởng Khâm, đội tư là Trần Vũ. Mỗi đội mang ba trăm chiếc chiến thuyền, hai chục chiếc hoả thuyền đi hàng đầu. Chu Du cùng với Trình Phổ ngồi trên chiếc thuyền to đốc chiến; Từ Thịnh, Đình Phụng làm tả hữu hộ vệ. Còn Lỗ Túc, Hám Trạch và bọn mưu sĩ ở nhà giữ trại. Trình Phổ thấy Chu Du có tài điều khiển quân sĩ rất lấy làm kính phục.

Vừa khi ấy Tôn Quyền sai sứ mang ấn tín đến báo cho Chu Du là đã cử Lục Tốn làm tiên phong, tiến thẳng ra Kỳ Hoàng, Ngô hầu tự đem quân làm tiếp ứng, chỉ đợi lệnh là sẵn sàng phối hợp tác chiến.

Sau khi đã cắt đặt đâu đấy vẹn toàn, Chu Du còn sai Lỗ Túc truyền báo cho quan quân, tướng sĩ: ai nấy đều phải thu xếp thuyền bè, khí giới cho đủ; khi nào có lệnh xuống là không được chậm chạp một phút nào, nếu ai lầm lỡ, lập tức chiếu quân pháp trị tội. Các tướng được lệnh ấy, ai nấy khoa chân múa tay, sẵn sàng chiến đấu.

Mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ, chu toàn cả, chỉ đợi có gió Đông nam là hành sự.

Ngày hôm ấy, Khổng Minh lên xuống đàn ba lần nhưng vẫn chưa thấy gió Đông nam thổi tới. (Ảnh: Youtube)

Cát Lượng gọi gió tri thiên mệnh; Chu Du đố kỵ hại quân sư

Hôm ấy, trời gần tối, bầu trời sáng sủa, không phe phẩy một tí gió nào. Du nói với Lỗ Túc:

– Khổng Minh nói sai rồi, trời đông tháng rét thế này, làm gì có được gió Đông nam?

Túc nói:

– Tôi chắc Khổng Minh không phải là người nói bậy.

Gần đến canh ba, bỗng nhiên nghe thấy tiếng gió thổi, cờ quạt tung bay. Du ra trướng xem, thấy đuôi cờ bay về phía Tây bắc. Một lát, gió Đông nam nổi lên ầm ầm, Du giật mình nói:

– Người này có phép đoạt được trời đất, có thuật tài hơn quỷ thần. Nếu để sống thì thế nào cũng gây vạ lớn cho Đông Ngô, chi bằng giết trước để khỏi lo về sau.

Nói rồi, lập tức gọi hai tướng bộ quân đô uý là Đinh Phụng, Từ Thịnh đến bảo rằng:

– Hai ngươi dẫn một trăm quân, Từ Thịnh đi đường thuỷ, Đinh Phụng đi đường bộ, cùng đến cả đàn Thất tinh ở núi Nam Bình, không hỏi han chi cả, cứ việc chặt phăng ngay đầu Gia Cát Lượng, đem về đây lấy thưởng.

Hai tướng lĩnh mệnh. Từ Thịnh dẫn một trăm tay đao phủ, nhổ thuyền đi trước, Đinh Phụng dẫn một trăm tay cung nỏ lên ngựa đi sau, đến cả núi Nam Bình. Dọc đường thấy gió đông nam đang nổi to lắm.

Thấy Khổng Minh có thể hô phong hoán vũ, Chu Du sinh lòng đố kỵ vội vã sai người đi tìm giết Khổng Minh (Ảnh: Youtube)

Quân mã Đinh Phụng đến trước; trông lên thấy tướng sĩ đang cầm cờ đứng đón gió trên đàn. Phụng xuống ngựa, cắp gươm lên đàn, không thấy Khổng Minh đâu, đâm hoảng, hỏi các tướng sĩ ở đó, thì họ nói Khổng Minh vừa xuống đàn đi rồi. Phụng vội vàng xuống đàn đi tìm thì thuyền Từ Thịnh cũng vừa đến. Hai người hội tụ ở bờ sông rồi lập tức sai quan tầm sát Khổng Minh. Ai ngờ tìm hết bốn phí không một bóng người: Gia Cát Lượng sớm biết Chu Du có thể hại mình đã sắp xếp để Triệu Vân đến đón, nay đã ung dung ở trên thuyền trở về phía đại doanh của Lưu Bị ở Hạ Khẩu.

Người đời sau có thơ khen rằng:

“Xoã tóc lên đàn khấn gió Đông
Gió đâu phút chốc nổi đùng đùng
Ví không Gia Cát dùng mưu lạ
Công Cẩn khôn ngoan luống uổng công!”

Trận Xích Bích đại chiến diễn biến ra sao? Mưu kế ‘Mượn gió Đông’ của Gia Cát Lượng ẩn chứa những huyền cơ và bài học lịch sử gì?…Kính mời quý độc giả đón xem tiếp kỳ 2 của bài viết sẽ sớm được đăng tải trên chuyên trang Văn Hóa (mục: Câu chuyện lịch sử) của Đại Kỷ Nguyên. 

Còn tiếp…

Đường Minh