Cổ nhân dùng câu: “Ếch ngồi đáy giếng” để miêu tả một người có tầm nhìn hạn chế, giống như đang ngồi dưới đáy giếng nhìn trời mà không biết được không gian bao la rộng lớn xung quanh… Nhưng chuyện xưa tích cũ lại có kể về một chàng trai nghèo ở dưới đáy giếng mà được mở rộng tầm mắt.

Đó là một người con hiếu thảo nghèo khó, làm nghề đục đá dưới giếng để chế tác nghiên mực. Trong một lần vô tình anh đã lạc vào không gian khác. Bị giam cầm trong đáy giếng nhỏ hẹp, anh đã có một chuyến vân du kỳ diệu để mở rộng tầm mắt.

Xuống giếng lấy đá làm nghiên mực, nghe tiếng chuông reo chẳng thấy người

Theo ghi chép trong Dạ vũ thu đăng lục, công đường của thị trấn Ôn Châu vô cùng hùng vĩ tươi đẹp có quan nhân tên Tôn Trấn Quân vô cùng nho nhã điềm đạm. Khi vừa lên nhậm chức, ông hạ lệnh tu sửa công đường và vô tình đào được một thanh kiếm cổ. Đây là cổ vật của tướng quân Thích Kế Quang triều Minh trấn thủ Ôn Châu thuở xưa. Trên kiếm có khắc hoa văn Bắc Đẩu tinh, tên của chủ nhân Thích Kế Quang và ngày chế tạo.

Vốn là một người tò mò, Tôn Trấn Quân càng hiếu kỳ muốn thu thập thêm cổ vật vào bộ sưu tập. Khi đó, ở cạnh công đường có một vị tăng nhân tinh thông về chạm khắc đá và vàng tên gọi Lục Châu. Một ngày nọ, vị tăng nhân chỉ vào cái giếng cổ ở công đường mà nói: “Dưới giếng có gạch cổ, nếu dùng nó mà làm nghiên mực, thì có thể đem so sánh với nghiên mực cổ được tạo thành từ gạch của Hương Khương Các thời Bắc Tề”. Tôn Trấn Quân tin lời ông ta nên mượn cớ muốn đào sâu khơi thông giếng cổ để tìm cách lấy được nguyên liệu làm nghiên.

Tôn Trấn Quân chọn một ngày tốt, tìm người bắc ròng rọc kéo từng gầu nước để đổ ra ngoài. Bởi giếng rất sâu nên không ai dám xuống dưới. Ông bèn treo giải một khoản tiền lớn để tìm người dũng cảm dám cầm đuốc trèo xuống giếng.

Tranh vẽ lại tích truyện Tôn Trấn Quân đào giếng trong tập Cao Trúc Vãn hoa (ảnh: Pinterest).

Trong vùng có một chàng trai tên Trương Tiểu Lục từ xưa vốn nổi tiếng can đảm. Nhà có mẹ già đang cần tiền khám bệnh nên anh nhận lời đi ngay. Tôn Trấn Quân dặn dò anh rằng nếu tình huống nguy cấp hãy lập tức rung chuông. Khi đó là vào mùa hè nóng bức, Tiểu Lục mặc một chiếc áo ngắn tay bằng da dê leo xuống giếng. Sau khoảng thời gian bằng chừng một bữa cơm, người ở phía trên nghe thấy tiếng chuông kêu, bèn nhanh chóng kéo dây thừng lên, nhưng lại không có người ở đầu dây. Mọi người lo sợ nhanh chóng lại thả dây thừng xuống giếng và gọi to tên chàng trai nhưng đều không có trả lời. Người ở trên đợi cả ngày bên thành giếng, nhưng không thấy có tin tức gì, cũng không thấy có suối nước ngầm ở dưới phun lên trên.

Hay tin con trai biến mất dưới giếng, mẹ Tiểu Lục lo lắng kêu khóc thảm thương, vừa gào vừa kể: “Tôi chỉ có mỗi đứa con trai này, lẽ nào bị con giao long dưới đáy giếng nuốt mất rồi”. Tôn Trấn Quân cử người tới nói với bà: “Nếu quả thực con trai bà gặp nạn ông ta sẽ thay anh ấy phụng dưỡng bà suốt đời”.

Đáy giếng có động, chàng trai hiếu thảo vào nhầm Long cung

Việc mất tích của Tiểu Lục gây xôn xao khắp vùng chừng hơn mười ngày, đi tới đâu cũng thấy mọi người bàn tán. Đột nhiên ngày nọ, Trương Tiểu Lục đi từ huyện bên cạnh về nhà. Trên mặt cậu nở nụ cười tươi đầy vui vẻ, quần áo còn thoang thoảng hương thơm đặc biệt như mùi xạ hương. Thấy cậu về, Tôn Trấn Quân nhanh chóng cử người tới gọi ra công đường để hỏi tình hình.

Tiểu Lục kể lại những trải nghiệm kỳ lạ của anh khi xuống giếng. Khi vừa xuống tới nơi, anh thấy đáy giếng giống như được làm bằng gang, có thể chứa được 10 khối vàng, trên mặt đục bảy cái lỗ. Để tránh nước ở mạch nguồn chảy ra, anh nhanh chóng dùng dăm bào gỗ xé nhỏ và nhét vào đây. Ở đáy giếng, anh cầm bó đuốc quan sát xung quanh thì thấy mặt phía đông của giếng có một cánh cửa đá lớn, đóng chặt. Trên cửa đá có một tấm biển, trên đó khắc nhiều hoa văn họa tiết rất đẹp.

Tiểu Lục từng được đọc sách nên cũng có thể nhận mặt chữ. Anh muốn tới xem trên tấm biển viết chữ gì nhưng vì cửa đá quá cao nên không nhìn thấy rõ. Đúng lúc này đột nhiên có cơn gió thổi qua và cánh cửa đá đột nhiên từ từ hé mở. Chỉ cách có một cánh cửa đá nhưng bên kia hoàn toàn là một thế giới khác biệt giống như ở động Tiên. Bên trong là những cung điện nguy nga tráng lệ, cao chót vót, hành lang có tay vịn quanh co khúc khuỷu, cái cây lớn ở trong sân lại trong suốt như thủy tinh, nở ra những bông hoa giống như ngọc.

Đang đứng ngoài nhìn trộm với ánh mắt kinh ngạc, đột nhiên anh thấy mấy cô gái vô cùng xinh đẹp ăn vận trang điểm giống như thời xưa từ sau cây đi ra, nhìn anh tò mò mỉm cười rồi thì thầm nói gì đó với nhau. Chưa bao giờ được nhìn thấy những cảnh tượng này nên anh vô cùng tò mò, như bị mê muội anh bước vào trong cánh cổng đá, mới đi được khoảng 10 bước, cánh cửa đá đột nhiên đóng lại.

Thấy vậy anh vô cùng sợ hãi, quay về phía những cô gái kia quỳ xuống dập đầu vừa khóc vừa cầu cứu. Một cô gái thở dài nói: “Anh nghĩ đây là đâu mà có thể đến và đi một cách tự do kia chứ. Anh nghĩ mình là chim yến đậu trên xà nhà sao? Nếu đã đến đây rồi, cần dẫn anh đi gặp chủ nhân của chúng tôi một chút”.

Ngay sau đó, Tiểu Lục thấy có nhiều cánh cửa động được mở ra, những tấm rèm cửa cũng được cuộn cao lên. Trên cung điện có một chàng trai diện mạo khôi ngô tuấn tú, khoác áo long bào, đội vương miện, tay cầm một miếng ngọc màu xanh. Một cô gái tiến vào trong cung bẩm báo một hồi rồi ra bảo Tiểu Lục đi vào.

Tiểu Lục quỳ sụp dưới bậc thang, tự xưng danh tính và dập đầu khấu lạy. Một cô gái mặc áo vàng dâng lên một cuốn sổ, cô gái mặc áo trắng đỡ lấy đọc qua một chút rồi trình dâng lên chủ nhân của mình. Vị chủ nhân xem qua và xem ra rất vui vẻ, mừng rỡ. Anh ta hỏi Tiểu Lục từ đâu tới. Trương Tiểu Lục bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện.

Vị chủ nhân đang muốn nói gì đó với anh, đột nhiên một cô gái mặc áo tím bước vào và nói: “Thiên Phù đến rồi”. Vị chủ nhân vội vã đi xuống điện, ra nghênh đón một người có dáng vẻ cao sang mặc áo tím, đầu đội mũ ô sa đang bước vào.

Long cung thi hành chỉ lệnh của thiên đình, hóa ra Trời làm mưa như vậy

Vị quan áo đỏ cầm một cuốn sách bằng gỗ, nhưng chữ viết trên đó uốn lượn khác với những chữ viết ở nhân gian. Vị chủ nhân dâng hương bái lạy, cung kính đỡ lấy lệnh Thiên Phù và vị quan áo đỏ cáo từ rời đi. Vị chủ nhân hạ lệnh thực hiện chỉ lệnh của thiên đình. Khi vừa nhận được lệnh, những cô gái xinh đẹp kia lập tức đi thay y phục, tay cầm bảo kiếm, tay nâng bình lô.

Theo sau đó, những giáp sĩ cũng tiến vào cung điện, đầu đội mũ trụ bằng kim loại, người mặc tỏa tử giáp, tay cầm binh khí, mâu, kích, lần lượt sắp thành hai hàng, hầu đợi chủ nhân xuất phát lên bảo liên (xe kéo). Bên trái có hơn 10 lực sĩ hộ vệ, bên phải có 10 mỹ nhân đứng phục dịch. Tiểu Lục co lại phía sau, chui vào một góc của xe kéo. Một vị lực sĩ phát hiện thì vô cùng tức giận, định dùng roi đánh anh. Một cô gái thấy vậy chạy ra cầu xin, anh mới khỏi bị trừng phạt.

Một lát sau, mây đen ùn ùn kéo đến che kín bầu trời, hai con rồng lái bảo liên bay thẳng lên trời. Tiểu Lục len lén nhìn xuống dưới hạ giới, phát hiện dưới đó là một biển nước mênh mông, thì sợ hãi tới biến sắc. Vị chủ nhân thấy cử chỉ sợ hãi của anh thì mỉm cười không nói gì.

Tranh vẽ rồng (ảnh: Pinterest).

Chẳng mấy chốc xe đến đỉnh một ngọn núi lớn, có một ông lão mặc áo trắng dắt hai chiếc xe trâu kéo khổng lồ, trên xe có hàng chục chiếc thùng gỗ. Kích thước của mỗi chiếc lu có thể đựng được 5 gánh nước. Ông lão tay nắm lấy dây giữ trâu đứng lạy phục bên trái đường đợi nghe lệnh chỉ đạo của chủ nhân.

Vị chủ nhân truyền lệnh cho ông lão tiến lên phía trước dẫn đường và họ đi đến một nơi. Lúc này, đầu xe của ông lão đột nhiên chìm xuống vào lòng sông, đuôi xe đột nhiên vươn cao và nối liền với bảo liên trùng trùng điệp điệp giống như núi lại giống như thang mây.

Sau khi ông lão dừng xe, liền dắt trâu đi tắm. Chỉ thấy những con trâu lăn lộn dưới nước, vật qua vật tạo thành những đợt sóng lớn, giống như dâng lên như đến tận những ngọn núi cao. Mỗi lần ông lão quất roi, những con trâu lại quay đầu phun nước vào những chiếc thùng gỗ. Khi thu roi, chúng lại lăn lộn dưới lòng sông. Cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần giống như đang chơi nhạc dạo với những tiết tấu hoành tráng.

Giống như khi hai đội quân đang giao chiến, binh sĩ tuân theo hiệu lệnh của người chỉ huy, tùy cơ mà hành động. Cảnh tượng thật vô cùng hoành tráng và kỳ lạ chưa từng có. Tiểu Lục chứng kiến từ đầu tới cuối với ánh mắt tròn xoe đầy kinh ngạc, há miệng không nói nổi câu gì. Hồi lâu trong lòng nghĩ thầm, mấy thùng gỗ kia sắp đầy nước rồi. Lúc này đột nhiên vang lên tiếng sấm ầm ầm làm tai anh bị ù đi như sắp điếc. Lại thấy chiếc xe có trâu kéo và bảo liên đều phi thẳng lên trời cảm giác như thời gian vô cùng gấp gáp.

Đột nhiên tiếng sấm sét lại càng dữ dội mãnh liệt hơn, ầm ầm rung chuyển làm Tiểu Lục sợ hãi tới mất mật mà ngất đi. Khi tỉnh dậy, cậu phát hiện mình đang ở vùng hoang vu của huyện bên. Khi đó trời đã tạnh mưa, bầu trời trong xanh cao vời vợi. Cậu phơi khô quần áo và xin ăn dọc đường. Những người gặp cậu đều hỏi về mùi hương kỳ lạ trên quần áo cậu từ đâu ra? Cậu bèn kể lại trải nghiệm thú vị của mình. Cũng nhờ thế cậu được mọi người mời đến nhà, ăn cơm, kể chuyện lại và cho cậu lộ phí để về nhà, cứ như vậy cho tới khi cậu về tới nhà.

Tôn Trấn Quân nghe xong, cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và muốn tìm hiểu chân tướng thật sự của những điều thần kỳ đó nên bảo cậu dẫn đường và đưa người đi xuống giếng cổ một lần nữa. Chỉ thấy cửa đá vẫn còn đó nhưng lần này nó đóng kín và chặt không cách nào mở được. Trên cánh cửa có tấm biển khắc dòng chữ “Thái Dung Đệ Nhất Động Thiên”. Những viên gạch cổ được gắn chặn giữa thành giếng không thể đục và lấy ra được. Trên đó lại nhô ra một tòa bảo tháp và một bức tượng Phật Như Lai nhưng không có chữ viết. Họ đốt lửa và thủy ngân khô, dùng giấy và mực in lấy những hoa văn trên cánh cửa và trên viên gạch cổ, sau khi rời khỏi giếng giao lại cho Tôn Trấn Quân. Tôn Trấn Quân dán tờ giấy đó ở trong thư phòng quan nha và bổ sung vào bộ sưu tập. Ngày hôm sau, cái giếng cổ phun lên những dòng nước xanh trong vắt, ngọt ngào hơn trước. Tôn Trấn Quân giữ lời hứa ban thưởng cho Tiểu Lục.

Tại sao một người dân nghèo có thể tận mắt chứng kiến một điều kỳ diệu ở không gian khác như vậy? Tôn Trấn Quân tìm hiểu về gia cảnh thì được biết anh ta không có gì đặc biệt xuất sắc hơn người. Tuy nhiên, tấm lòng hiếu thuận với mẹ của cậu ta thì nổi tiếng khắp vùng trong ngoài ai ai cũng biết. Còn về mùi hương kỳ lạ trên quần áo cậu, có người đoán đó là hương thơm khi cậu lạc vào Long Cung mà có. Từ đó mọi người trong xóm gọi cậu là Hương Trương Lục hiếu thảo.

Kiên Định
Theo Aboluowang