Triều Lý trải qua 9 đời vua với tổng cộng 216 năm. Trong thời nhà Lý, nước Nam ta có nhiều thành tựu về cả văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng, binh bị, lãnh thổ cũng được mở rộng… Phải chăng một phần vì nhà Lý thực lòng tín Phật và có những ông vua hết sức nhân từ như vua Lý Thánh Tông?

Đổi tên nước thành Đại Việt

Khi Lý Thánh Tông lên ngôi, ông đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Quốc hiệu này có lịch sử huy hoàng và lâu dài, chỉ bị gián đoạn 28 năm thời kỳ nhà Hồ và sau đó được nhà Hậu Lê dùng lại khi Lê Lợi lên ngôi năm 1428 và được dùng cho đến tận thời nhà Nguyễn. Nó đã xuất hiện trong những áng văn hào hùng của Nguyễn Trãi trong bài Cáo Bình Ngô:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác…”

Một vị vua rất nhân từ

Lý Thánh Tông làm vua rất nhân từ. Các sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, hay “Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục” hoặc “Việt Nam Sử Lược”… đều chép lại việc này:

“Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

Lẽ thường, buổi thái bình vua sáng tôi hiền như thời ấy thì có lẽ ít án oan sai. Mà dẫu có oan sai thì mấy người làm vua nghĩ được đến đám dân đen hay tù phạm như thế? Thân vua ở ngôi cửu ngũ, ăn ngon mặc đẹp, cung điện tráng lệ, phi tần mỹ nữ, bên tai có thừa lời hay ý đẹp của đám quần thần.

Có nhiều ông vua tham hưởng phú quý lại không sâu sát đời sống dân tình, chỉ qua lời sàm tấu của lũ nịnh thần mà cứ nghĩ nhân dân ai cũng được ấm no sung sướng. Cho nên, đấy là hoàn cảnh dễ bị mê nhất. Thế mà tiết đại hàn, vua Lý Thánh Tông mặc áo ấm, sưởi than hồng, ngồi cung điện vẫn nghĩ đến những thân phận thấp hèn hơn cả dân đen là kẻ tù phạm trong lao ngục lạnh lẽo. Ngài còn hạ lệnh cấp thêm cơm ăn áo mặc, chăn chiếu cho họ. Đó chẳng phải là tâm đại từ bi thì là gì?

Lý do của hành động ấy được vua giải thích như được chép trong các sách sử trên: “Mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.

Thế là rõ, nguyên nhân của tội lỗi là do dân không hiểu biết. Mà không hiểu biết thì trước tiên phải giáo hóa, chứ không phải khi nào cũng nhăm nhe dùng hình pháp. Nếu nước loạn thì phải tạm dùng hình để dân biết sợ. Nhưng luật pháp đâu có thể có mặt ở mọi ngõ ngách của lòng người. Nên về lâu dài vẫn phải làm dân hiểu ra, trọng đức để tự ước thúc lấy mình. Tức là hiểu rằng ngoài luật người còn có luật Trời nữa. Đó là luật pháp cao nhất.

Lão Tử đã viết: “Nếu dân không sợ chết, dọa họ chết có ích gì?”. Chi bằng giáo hóa cho dân mà cũng là lấy đức phục người. Sử chép, thời Lý Thánh Tông  tương đối ít giặc giã phản loạn, có lẽ một phần cũng vì cái đức phục người ấy chăng?

Vả chăng khi nước nhà điêu linh, dân tình đau khổ thì các vị minh quân xưa đều làm lễ tế Trời đất, tự thống trách rằng mình còn khuyết đức nên dân chúng mới gặp tai họa. Sở dĩ kiếp trước có đức lớn nên kiếp này mới được lên ngôi thiên tử, đó là mệnh Trời đã giao phó cho bậc quân vương đức dày. Cho nên, tai họa cho dân cho nước chính là lời cảnh cáo của Trời đất với bậc quân vương. Thế thì xem ra, Lý Thánh Tông cũng là một vị vua có đức sâu dày được lòng Thiên thượng.

Tượng Lý Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (nguồn: Wikipedia).

Lòng nhân từ của ngài không chỉ dừng lại ở lời lẽ, trí tuệ của ngài đã tính đến những việc sâu xa

Sách Đại Việt Sử lược có chép lại rằng, khi mới lên ngôi, ngài đã “ra lệnh đốt các công cụ tra tấn”…, cai ngục có muốn dùng hình với tù phạm cũng khó. Ngoài ra, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có chép: “Dùng Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thế Tư làm quan Đô hộ phủ sĩ sư, đổi mười người thư gia làm án ngục lại. Cho Trọng Hòa và Thế Tư mỗi năm mỗi người là năm mươi quan tiền, trăm bó lúa, cá và muối đủ dùng. Các ngục lại, mỗi người hai mươi quan tiền và trăm bó lúa. Việc cấp lương bổng này cốt để gây nuôi lòng thanh liêm của họ”.

Lần đầu tiên ngài cấp lương bổng cho những quan lại giữ việc hình ngục. Theo Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, trước đây các quan trong triều ngoài lộ không có chế độ lương bổng thường xuyên. Quan trong thỉnh thoảng được vua ban thưởng. Quan ngoài được thu thuế ruộng đất đầm ao của dân địa phương mà tự cấp cho mình. Cho nên, Lý Thánh Tông khi nghĩ đến những tù phạm chịu đói rét trong tù, thì cũng nghĩ đến cả những người canh giữ tù phạm ấy. Rõ ràng, chính sách khoan hồng của vua sẽ khó thành nếu đám quan lại này không lương bổng. Vì biết đâu họ sẽ “khảo lương” từ đám tù nhân và người nhà? Cho nên, tâm ngài thật bao dung, và trí ngài thật sáng suốt kín kẽ.

Nhà vua còn xuống chiếu khuyến nông, ngài đi khắp nơi để xem dân gặt lúa. Gặp năm mất mùa hay sản xuất khó khăn còn miễn thuế và mở kho phát chẩn cho dân. “Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc, và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Thực đúng là vị vua có lòng dạ Bồ Tát.

Một chi tiết hài hước trong ngoại giao với nhà Tống

Tống triều sau loạn Nùng Trí Cao ở biên giới Việt-Tống luôn có ý xâm lăng Đại Việt. Quan tri châu của Ung Châu (nay là Nam Ninh tỉnh Quảng Tây) là Tiêu Chú tâu bày với vua Tống Nhân Tông muốn đánh Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông cũng biết việc này, ngài sai “đem con thú lạ sang tặng nhà Tống, nói gạt là con lân.

Xu Mật sứ nhà Tống là Điền Huống nói rằng: “Đó chỉ là con thú lạ, chứ không phải con lân”. Tư Mã Quang nói: “Nếu quả là con lân thực, mà xuất hiện không đúng lúc, cũng không phải là điềm lành; nếu lại là con lân giả thì chỉ tổ cho người phương xa cười thôi”. Thế rồi nhà Tống tặng tiễn ưu hậu, bảo sứ giả đem về” (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).

Ý vua Lý Thánh Tông có lẽ muốn “tiên lễ hậu binh”, dùng biện pháp ngoại giao trước xem Tống triều phản ứng ra sao. Thế nhưng kỳ lân là con gì, thực tế trông hình dáng ra sao ai mà biết. Nước Nam có thú lạ chắc mẩm người phương Bắc không biết nên cố ý nói thác là kỳ lân chăng? Cũng để xem Tống triều có người giỏi không, ứng xử thế nào.

Nhà Tống về võ bị thì không mạnh, nhưng văn chương, kiến thức thì huy hoàng. Những Tư Mã Quang, Tô Thức, Vương An Thạch còn đó thì cũng khó mắc lỡm Đại Việt. Tuy vậy, nếu thế nước Đại Việt mà yếu so với phương Bắc thì làm sao dám có hành động này? Ta như thấy cái cười che miệng kín đáo của vua Lý Thánh Tông và quần thần mưu sĩ trong vụ “tặng lân” này.

Một vị vua có tài thao lược

Nhà Lý có một nét rất đặc biệt: vừa trọng văn vừa trọng võ. Cho nên các hoàng tử, nhất là những hoàng thái tử thì đều văn võ song toàn, hầu như ai cũng có thể cầm quân đánh trận. Nên Lý Thánh Tông là vị vua giỏi thao lược và rất có ý chí. Phạt Tống, bình Chiêm, ngài nhiều lần thân chinh đánh thắng nhiều trận.

Dù ngài đã dùng sách lược ngoại giao mềm mỏng, Tống triều vẫn có ý lăm le xâm chiếm. Không những thế, Tống triều còn hậu thuẫn cho Chiêm Thành gây rối Đại Việt. Cũng lại mưu chước muôn đời ấy thôi, muốn kẹp Đại Việt ở giữa hai hướng tấn công phía Bắc và Tây Nam. Ngài cho quân sang đánh Khâm Châu một trận rồi rút về, không cần chiếm đất làm gì, “đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Đến nỗi nhà Tống cũng đành sang điều đình với Đại Việt, đồng thời cách chức các quan võ đã gây hấn và cắn răng công nhận Chiêm Thành là chư hầu của Đại Việt. Tổ chức binh bị của quân đội Lý Thánh Tông đạt trình độ cao đến mức mà Tống Thần Tông cũng phải khen ngợi khi Thái Diên Khánh nhà Tống bắt chước cách tổ chức quân đội của Đại Việt (xem Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn).

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.

Mùa hạ, tháng 6 đem quân về. Mùa thu, tháng 7, vua từ Chiêm Thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước”. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị.

Lý Thánh Tông không chỉ tỏ rõ là vị vua có tài thao lược, mà còn rất có ý chí và biết tự xét mình. Ngài cũng có công mở rộng quốc thổ.

Tín Phật, mộ Đạo

Ảnh hưởng từ cái gốc Phật Giáo của vị vua đầu triều Lý Thái Tổ, Thánh Tông cũng rất sùng Phật. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn. Vua thân làm bành… Mùa đông, tháng 12, làm hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ. Đúc hai pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để phụng thờ”.

Nhưng có lẽ việc tín Phật cao nhất của Ngài không phải là tô tượng, đúc chuông, làm chùa, mà là lấy đức để giáo hóa dân chúng, lấy đức phục người. Vì ai thực lòng tín Phật đều hiểu câu “Phật tại tâm”, Phật là nhìn vào nhân tâm chứ không trọng hình thức.

Tuy vậy, ngài vẫn bị sử quan chê nhẹ ở chỗ “nhọc sức dân để xây tháp Báo Thiên, phí của dân để dựng cung Dâm Đàm, đó là chỗ kém” (theo sử thần Lê Tung thời vua Lê Tương Dực, tác giả bộ Đại Việt thông giám tổng luận). Ý muốn nói tới việc ngài sai dựng tháp Báo Thiên và hành cung bên bờ Dâm Đàm (Hồ Tây ngày nay) để dùng khi ngự xem đánh cá là không đúng. Chút công trình đó còn để nói với đời rằng ngài vẫn chưa phải là một vị Thánh.

Thiển nghĩ, ngài cũng là con người, lại là một ông vua. Làm người được như ngài đã là khó, làm ông vua còn khó hơn. Công lao của ngài với muôn dân và với Đại Việt có lẽ là cái mà muôn thế hệ người Việt phải ghi nhớ hơn hết. Đồng thời chúng ta thấy được rằng, cũng không vì thế mà hậu nhân bỏ sót một chút khiếm khuyết của ngài. Đánh giá của sử quan thời phong kiến thật nghiêm khắc, mà cũng thật là cần thiết để thế hệ mai sau tự răn mình. Chẳng đáng giá lắm sao?

Vì vậy, khúc vĩ thanh về vua Lý Thánh Tông, chúng tôi xin mượn đánh giá của sử thần Ngô Sĩ Liên: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình Chiêm; phía bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền. Hoặc có người bảo là vua nhân nhu có thừa mà cương đoán không đủ, ngu ý chưa cho là phải”.

Video: Nhẫn dưỡng phúc, từ bi dưỡng tâm, khoan dung dưỡng khí

videoinfo__video3.dkn.tv||3daf5638c__