Vào thời Xuân Thu, Khổng Tử có hai học trò, một người là Tử Cống, một người là Tử Lộ. Tử Cống hành vi cao thượng bị Khổng Tử phê bình, Tử Lộ dường như không cao thượng như Tử Cống, vì sao lại được Khổng Tử khen ngợi? 

Tử Cống hành vi cao thượng vì sao lại bị Khổng Tử phê bình 

Tử Cống là đại thương nhân nên thường giao dịch làm ăn với các nước khác. Nước Lỗ có luật rằng: Chỉ cần nhìn thấy người dân nước mình bị bán làm nô lệ ở nước khác là có thể chuộc họ trở về. Tiền chuộc sẽ do quốc gia chi trả. 

Pháp luật như vậy có tốt không? Vô cùng tốt! Có thể thức tỉnh lòng yêu mến và bảo vệ đồng bào của từng người dân mà giải cứu đồng bào mình. 

Trong cuốn “Uyên Giám Loại Hàm” có ghi lại rằng: Một lần nọ Tử Cống chuộc một người về nước. Khi quan phủ trả lại tiền chuộc cho ông thì Tử Cống từ chối không nhận. 

Thông thường mọi người sẽ cảm thấy Tử Cống thật cao thượng, không nhận cả tiền chuộc. Nhưng khi Tử Cống đến trước mặt Khổng Tử, Khổng Tử lại phê bình ông: “Tử Cống, con làm như vậy là sai rồi”.

Người nước Lỗ đều rất nghèo. Khi họ đến nước khác nhìn thấy người nước mình, họ sẽ nghĩ rằng: “Giả dụ mình chuộc anh ấy ra, mình lại nhận tiền chuộc, thì dường như thấp hơn Tử Cống một bậc”. Họ sẽ phải suy nghĩ, vì nếu nhận tiền chuộc thì có vẻ như không cao thượng bằng Tử Cống. Nhưng nếu họ không nhận tiền chuộc thì tình hình kinh tế lại rất eo hẹp, kinh tế trong nhà sẽ gặp khó khăn.

Đương nhiên, khi họ cứu người sẽ phải ngần ngại. Như vậy sẽ tạo thành ảnh hưởng không tốt. Ví như nói rằng có 100 người cứu người mà trong số đó chỉ có một người ngần ngại, thì rất có thể sẽ không chuộc người nước mình về. 

Vậy nên Khổng Tử mới nói rằng: “Con làm như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt”. 

Bậc trí giả nhìn xa trông rộng, ví như cách Khổng Tử dạy hai học trò đều ẩn chứa sự tu dưỡng, lòng bao dung của ông với thiên hạ. (Ảnh: wikipedia.org)

Tử Lộ dường như không cao thượng như Tử Cống, vì sao lại được Khổng Tử khen ngợi? 

Một hôm khác, Tử Lộ đang đi bộ trên đường thì vừa hay gặp một người sắp chết đuối. Vừa nhìn thấy, Tử Lộ đã lập tức lao người nhảy xuống nước, vớt người đàn ông nọ lên. Người được cứu trong lòng vô cùng cảm kích, bèn tặng cho Tử Lộ con trâu trong nhà mình. Tử Lộ vui vẻ dắt trâu về. 

Sau khi biết chuyện, Khổng Tử khen Tử Lộ rằng: “Sau này người nước Lỗ sẽ có rất nhiều người dũng cảm giúp đỡ người khác, cứu vớt sinh mệnh của người khác”. 

Bởi lẽ biểu hiện của Tử Lộ có thể khiến mọi người cảm nhận được sâu sắc rằng người hành thiện ắt sẽ được thiện báo. 

Thông thường mọi người cảm thấy việc Tử Cống không nhận tiền chuộc có vẻ khá chính xác. Tử Lộ dắt trâu về có vẻ không cao thượng như Tử Cống. Nhưng Khổng Tử quan sát sự vật, không chỉ nhìn kết quả trước mắt, mà còn nhìn vào tầm ảnh hưởng sau này. Ông không chỉ nhìn vào biểu hiện nhất thời mà còn nhìn sâu xa vào tâm ý bên trong. Ông không chỉ nhìn vào một người mà còn nhìn vào sức ảnh hưởng đối với cả thiên hạ. 

Tử Lộ dắt trâu về có vẻ không cao thượng như Tử Cống, nhưng Khổng Tử quan sát sự vật, không chỉ nhìn kết quả trước mắt, mà còn nhìn vào tầm ảnh hưởng sau này. (Ảnh: ĐKN)

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng vậy. Nhiều việc trên bề mặt tưởng là tốt, mà xét sâu xa lại gây hậu quả không tốt về lâu về dài. Nhiều việc có vẻ như trái với suy nghĩ của chúng ta, nhìn qua có vẻ không hợp với lẽ thường, nhưng thực sự lại mang đến những điều tốt đẹp.

Đặc biệt trong thời đại công nghệ truyền thông hiện đại ngày nay, chúng ta lựa chọn điều gì cũng không hề dễ dàng. Bởi lẽ việc này còn liên quan đến nguồn thông tin chúng ta tiếp cận có đáng tin cậy không, có trung thực không. Trào lưu đang nổi không phải lúc nào cũng là điều chuẩn xác và đáng theo đuổi. 

Theo Soundofhope 
Nhã Văn biên dịch