“Nếu không phải vì sợ oai thế hình phạt, vì muốn ăn mày ăn xin sự yêu thương của kẻ khác, hoặc vì muốn ‘ngọt mật chết ruồi’ thì chắc chắn là không có cái lợi gì khác buộc ta phải nói dối ta”.

Án Tử không chịu thề

Thôi Tử là quyền thần nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không, nhất quyết không chịu thề.

Thôi Tử bảo Án Tử: “Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước thì chia cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức”.           

Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những muốn đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi, mà Án Tử không biến sắc mặt, ung dung nói rằng: “Lấy lợi mà nhử người ta, bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân; lấy binh khí hiếp đáp người ta, mà làm cho người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm”.

Thôi Tử nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy, khoan thai bước ra.

Nhạc Chính Tử và cái đỉnh quý của vua Lỗ

Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang. Vua Tề bảo: “Phải có Nhạc Chính Tử đem cái đỉnh sang nói, ta mới tin”.

Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi.

Nhạc Chính Tử hỏi: “Sao không đưa cái đỉnh thật?”.

Vua Lỗ nói: “Ta quý nó lắm”. Nhạc Chính Tử thưa: “Nhà vua quý đỉnh ấy thế nào, tôi quý cái đức “Tín” của tôi cũng như thế”.

Sau Vua Lỗ phải đưa đỉnh thật. Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

(Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Không nói dối là phẩm chất của bậc đại dũng

Trong câu chuyện thứ nhất, Án Tử nếu không phải là người đại dũng, thì không bao giờ dám nói sự thật giữa đám quân binh gươm giáo hầm hầm. Ở câu chuyện thứ hai, Nhạc Chính Tử một đời không bao giờ chịu nói dối, nên không vì quyền thế của quân vương mà vi phạm đức Tín của mình. Có đủ can đảm để nói sự thật, nhất là trong hoàn cảnh bị uy hiếp, là biểu hiện của tinh thần bất uý (không sợ hãi), của ý chí lực phi thường.

Nhìn lại thực tế, chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mà sự dối trá lại được đăng đường trang trọng. Từ quan chức nói dối rằng mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp, nghiêm túc cho tới khi vụ việc bê bối bị phanh phui; tới cha mẹ dạy con cái phải biết khéo ăn khéo nói lấy lòng người khác, không để mình bị thiệt.

Trong cái xã hội ấy, người biết nói dối được khen là “khôn ngoan”, và sự thành thật bị coi là xuẩn ngốc. Bởi vì thành thật thì có thể sẽ mất đi lợi ích vật chất nhãn tiền, nên có người sẵn sàng bẻ cong lòng ngay thẳng của mình để làm nô lệ cho đồng tiền, danh vọng, tình ái hay nỗi khiếp nhược trong tâm.

Hai chữ “khiếp nhược” đã lột tả bản chất của vấn đề: Người ta chỉ nói dối khi sợ hãi. “Nếu không phải vì sợ oai thế hình phạt, vì muốn ăn mày ăn xin sự yêu thương của kẻ khác, hoặc vì muốn ‘ngọt mật chết ruồi’ thì chắc chắn là không có cái lợi gì khác buộc ta phải nói dối ta” (Nguyễn Duy Cần – “Cái Dũng của Thánh nhân”).

Theo luật Võ sĩ đạo (Bushido) của người Nhật, giữ lời hứa là danh dự của người đại dũng. “Cấm nói dối” cũng là một trong ngũ giới của nhà Phật. Đức Phật Thích Ca không bao giờ nói dối. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân khiến Ngài được xưng tụng là bậc Đại Hùng, Đại Lực?

Người bình thường chúng ta tuy rằng không thể một bước mà ngay lập tức đạt tới cảnh giới của Thánh nhân, nhưng con đường ngàn dặm nào lại không bắt đầu từ những bước chân nhỏ? Nước chảy đá mòn, nếu như mỗi ngày chúng ta đều cố gắng hằng trì “không nói dối”, thì cái dũng khí trong ta sẽ ngày càng được bồi bổ gia cố thêm lên, dần dần sẽ tu thành bậc đại dũng, là chính nhân quân tử mọi người đều kính phục. Kinh điển giáo dục nổi tiếng “Đệ tử quy” có hai câu kết là:

“Chớ tự chê, đừng tự bỏ,

Thánh và hiền, dần làm được”.

Thanh Ngọc

(Tham khảo: Nguyễn Duy Cần – “Cái Dũng của Thánh nhân”)