Có câu nói rằng: “Khiêm tốn bao nhiêu còn chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa!”. Đức khiêm tốn vì sao lại được ngợi ca đến vậy?

Kinh Dịch viết: “Đạo của Trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiếu hụt; Đạo của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì được đắp bồi; Đạo quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn; Đạo của người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương”.

Dưới đây là 3 câu chuyện nhỏ về lòng khiêm tốn.

“Chúa cần đến tôi”

Trong một chuyến tàu hỏa xuyên châu lục, một giám mục già đang kể với một linh mục trẻ về cuộc đời đầy những biến cố của ông. Nói xong, ông yêu cầu linh mục trẻ chia sẻ về cuộc đời anh ta.

Linh mục trẻ kiểu cách đáp lại:

“Ồ, nói ra thì rất đơn giản, tất cả những gì con muốn nói là vì Chúa đã cần đến con”.

Giám mục già nhận xét:

“Này anh bạn trẻ, đây là sự trùng khớp thật thú vị: Nếu như tôi còn nhớ, trong Tin Mừng chỉ có một lần Chúa nói Người cần một cái gì đó. Trong Lu-ca 19:34 nhân dịp Người sắp sửa vào Giê-ru-sa-lem một cách vinh quang, Người nói Người cần một con lừa”.

Chó ngao Tây Tạng và chó già trụi lông

Có một anh chàng dắt theo một con chó ngao Tây Tạng trị giá cả bạc triệu ra ngoài đi dạo. Anh ta hễ gặp ai cũng đều đem con chó ra khoe, lại còn huênh hoang mà nói rằng: “Người nếu là không có bốn năm trăm cân sức lực thì kéo cũng không kéo nổi chú chó của tôi”.

Lúc này, anh chàng nhìn thấy một ông già bị hói đầu bên đường cùng với một con chó gần như đã rụng hết lông đang ngồi bên cạnh. Con chó ngao Tây Tạng của anh ta hướng về phía con chó đó kêu sủa ầm ĩ, nhưng con chó già kia không thèm để ý đến nó.

Chàng trai cảm thấy không vui. Anh ta bèn nói: “Ông lão này! Con chó của ông lớn thế kia, là giống chó gì vậy? Hãy để hai con chó của chúng ta đấu với nhau thử xem? Nếu chó của ông thua hãy đưa cho tôi 500 đồng, còn nếu chó ngao Tây Tạng của tôi thua thì tôi sẽ đưa cho ông 2000 đồng”.

Ông lão nói: “Tôi đang lo lắng về thức ăn tháng sau của anh bạn già này đây! Nếu được thì hãy đánh cược lớn hơn một chút? Nếu chó của tôi thua, tôi sẽ đưa cho anh 5 vạn, còn nếu chó của anh thua thì anh hãy đưa cho tôi 3 vạn”.

Anh chàng cười lớn: “Con chó này của tôi là giống chó ngao Tây Tạng thuần chủng. Sau này, ông đừng có nói là tôi đã không nói cho ông biết trước. Được thôi!”

Hai con chó giao tranh chưa được hai phút, chó ngao Tây Tạng kia đã bị đo ván, chẳng còn dám kêu sủa gì nữa. Anh chàng thua mất 3 vạn đồng, vô cùng sầu não: “Ông này, con chó đó của ông là chó gì thế? Sao lại dũng mãnh thế kia?”

Ông lão vừa đếm tiền vừa nói: “Đến bây giờ tôi cũng không biết nó là chó gì nữa. Nhưng trước khi chưa rụng lông thì người ta gọi nó là sư tử!”

Hai con chó giao tranh chưa được hai phút, chó ngao Tây Tạng kia đã bị đo ván, chẳng còn dám kêu sủa gì nữa. (Ảnh minh họa: dkn)

Muối Bé và Muối To

Hạt Muối Bé nói với hạt Muối To: “Em đến chia tay chị này, em sắp được hòa trong đại dương”. Muối To trố mắt: “Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế! Em muốn thì em cứ làm, chị không điên!”

Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Muối To lên bờ, sống trong vuông muối. Nó vẫn ngạo nghễ, to cứng và nhìn chúng bạn bé tí ti đầy khinh khỉnh. Thu hoạch, diêm dân gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đội lên đầu, hay bê bên lưng rồi đóng vào bao sạch đẹp… Lần đầu tiên Muối To thấy mình bị xúc phạm!

Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng người ta cho nó vào nồi cám heo. Phải hóa thân phục vụ cho lũ heo dơ bẩn này ư? Thật xấu hổ! Lòng kiêu hãnh không cho phép nó “tế thân” cho lũ heo hạ tiện. Nó thu mình co cứng hơn, mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được, dù là cái vảy da của nó.

Khi rửa máng heo, người ta phát hiện ra nó, và chẳng cần nghĩ suy, ném nó ra đường lộ. Người người qua lại đạp lên nó.

Trời đổ mưa, Muối Bé, bây giờ là hạt mưa, gặp lại Muối To thì mừng rỡ, ngạc nhiên: “Ôi chị Muối To của em, sao chị lại nằm trơ trốc một mình ở chốn này!”

Muối To sụt sùi kể: “Số kiếp của chị khổ lắm, tủi nhục lắm… hư, hư… còn em sống thế nào?”

“Tuyệt lắm chị ơi!” – Muối Bé hí hửng – “Khi em hòa tan trong nước biển, em được bay lên trời, thỏa thích ngắm Trái đất trên cao, đẹp lắm. Sau đó em thành mưa tưới mát cho Trái đất thêm xanh tươi. Chưa hết, em còn đi chu du nhiều nơi trên Trái đất trước khi về biển, chuẩn bị một hành trình tuyệt vời khác… Thôi em chào chị, em phải đi để sớm về với cội nguồn”.

Nhìn Muối Bé hòa mình với dòng chảy, xa dần… bỗng dưng Muối To thèm khát cuộc sống như Muối Bé, muốn hòa tan, hòa tan… Nhưng… chao ôi, quá muộn rồi! Nó đã trở thành sỏi đá, mãi sống trong cô đơn, mãi bị người ta chà đạp!

Khiêm Từ (tổng hợp)