Người Việt Nam một thời đã không còn xa lạ với một vị hoàng đế Trung Hoa qua bộ phim truyền hình dài tập “Khang Hy vi hành”. Tuy vậy, phim ảnh thời hiện đại đã thêm vào nhiều yếu tố nhân tình, hư cấu, khiến cho diện mạo chân thật của nhân vật lịch sử bị che mờ. Khang Hy thật sự là vị hoàng đế có tấm lòng nhân từ và trí tuệ sáng suốt nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc…

Kể từ khi Hán Vũ đế đặt tên hiệu cho đất nước, nhiều triều đại nối tiếp nhau lên làm chủ Trung Nguyên, các đời hoàng đế lên thay hoặc gặp việc lớn, đều tiến hành “cải nguyên”, đó chính là lập một niên hiệu mới. Niên hiệu phần lớn mang ý may mắn, tốt lành hoặc tiến thủ, hưng thịnh, đặt kỳ vọng một đời đế vương vào quốc gia và bản thân. 

Nhìn vào niên hiệu các đời vua của triều đại nhà Thanh, Thái Tông Hoàng Thái Cực lấy niên hiệu là Sùng Đức, Thế Tổ Phúc Lâm đổi niên hiệu sang Thuận Trị, đến Thánh Tổ hoàng đế Khang Hy, chúng ta có thể thấy được mong đợi ấy đi từ hưng đến thịnh. Sau khi Hoàng đế Khang Hy tự mình chấp chính, ông cũng tuân theo truyền thống của Tổ tiên và các triều đại trước, thực hiện một loạt hoạt động, thiết lập nền tảng căn bản để xây dựng thời đại thịnh thế. 

Ngự môn nghe báo cáo và quyết định sự việc 

Hoàng đế Khang Hy từng nói: “Hơn 30 năm, sáng sớm mỗi ngày trẫm đều ở ngự môn nghe báo cáo và quyết định sự việc, gặp mặt quần thần, hỏi về những được mất khi thực thi các biện pháp chính trị, đã thành thói quen”. 

Tại cung vua trong Tử Cấm Thành, trên cổng chính của một tòa nhà nguy nga sang trọng viết 3 chữ “Cổng Càn Thanh”. Bởi vì mỗi người đều phải đi qua cổng thành này mới nhìn thấy được tẩm cung của cung Càn Thanh. Cửa cung này có chỗ đặc thù, không chỉ bởi vị trí mà quan trọng hơn chính là nó chứng kiến gần 100 năm lịch sử hoàng đế nhà Thanh thực hiện “Ngự môn nghe báo cáo và quyết định sự việc”. 

Sau khi Hoàng đế Khang Hy lên nắm quyền, ông vẫn tiếp tục truyền thống “Ngự môn nghe báo cáo và quyết định sự việc” ở cửa cung Cành Thanh. Hình ảnh cho thấy tấm bảng ở cửa cung Càn Thanh. (Ảnh: Được phép của Shizhao / Phạm vi công cộng)

Chế độ “Ngự môn nghe báo cáo và quyết định sự việc” chính là việc sáng sớm mỗi ngày Hoàng đế đích thân đến cửa cung Càn Thanh, nghe báo cáo chính sự, ra ý chỉ, điều mà mọi người vẫn gọi là “vào triều sớm”. Đây chính là cách mà Minh Thành Tổ Chu Lệ định ra, chỉ có điều địa điểm chọn ở cửa Điện Thái Hòa. Nhà Thanh kế thừa chế độ triều Minh, bắt đầu áp dụng từ thời Hoàng đế Thuận Trị, đến thời kỳ Khang Hy đã đạt đến đỉnh cao. Sau này các hoàng đế sửa lại thành Viên Minh viên để “tránh tiếng động lớn trong quá trình thảo luận và quyết định chính sự”. Điều này có lẽ đã phá vỡ trí tưởng tượng của con người này nay. 

Việc nghe báo cáo và quyết định việc nước của Hoàng đế Khang Hy được bắt đầu vào ngày ông tuyên bố đích thân chấp chính. Từ đó về sau, việc mỗi ngày đến “Ngự môn nghe báo cáo và đưa ra ý chỉ” đã trở thành đặc điểm chính sự nổi bật trong xử lý chính sự của Khang Hy. Ngoại trừ lúc đi thị sát bên ngoài, Hoàng đế Khang Hy đều đến cửa cung đúng giờ để cùng quần thần thảo luận việc nước. Chỉ khi xuất hiện cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè, địa điểm thảo luận chính sự mới tạm thời di chuyển đến cửa Doanh Đài ở khu nghỉ mát Tây Uyển. 

Lúc trời còn chưa sáng, các quan viên gồm đại học sĩ, học sĩ, cửu khanh, chiêm sự… bắt đầu tập hợp trước Ngọ Môn rồi qua nghỉ chân ở cửa trái, sau đó mới đến cửa cung Càn Thanh chờ triệu kiến. Vào mùa Xuân và mùa Hạ, thời gian bắt đầu lên triều là lúc 6 giờ, còn mùa Thu và mùa Đông thì thời gian bắt đầu là 7 giờ. Tất nhiên, thời điểm này, Hoàng đế Khang Hy cũng giá lâm đến cửa cung Càn Thanh để nghe và xử lý chính sự. Lúc này các quan viên xếp thành hàng bước vào, lần lượt bẩm tấu sự việc theo thứ tự. Sau khi kết thúc việc bẩm tấu, Đại học sĩ và học sĩ sẽ tổng hợp lại các tấu chương rồi xin ý chỉ và chuyển thành “Chiết bản”. Cái gọi là “Chiết bản” chính là bản tấu đã được phê duyệt, ở góc mỗi bản tấu đều có ký hiệu đánh dấu để các quan viên xem lại. 

Trong toàn bộ quá trình nghe tấu và đưa ra ý chỉ, Hoàng đế Khang Hy đối thoại trực tiếp với hạ thần, kịp thời đưa ra các quyết sách về chính vụ. 2 năm trước khi tự mình chấp chính, lúc đó vẫn là thời kỳ mà Phụ chính Ngao Bái tự ý lộng quyền, các ý chỉ của Khang Hy không cách nào được thực hiện. Lúc đó, việc nghe báo cáo và quyết định sự việc chủ yếu dựa trên ý muốn của Ngao Bái. 

Thời đại Phụ chính, các tấu chương của quan viên sẽ được gom lại để các Phụ chính đại thần cùng một số quan trong triều thảo luận vào ngày hôm sau, Đại học sĩ không được trực tiếp tham dự, không có con dấu nội các như triều đại Nhà Minh, các tấu chương chỉ cấp thêm quyền, tạo thuận lợi để Ngao Bái lộng hành. Khi Hoàng đế Khang Hy bắt đầu nghe báo cáo và quyết định sự việc, ông liền ra khỏi vòng tròn nhỏ hẹp là cung vua để có thể tiếp xúc trực tiếp với chí sĩ trong triều, đồng thời trực tiếp kiểm tra tài năng cùng phẩm hạnh của quan viên. 

Người ta nói rằng kế sách đều được đưa ra vào sáng sớm mỗi ngày. Việc nghe báo cáo và quyết định sự việc là cách thức quan trọng để Khang Hy nắm rõ tình hình bên dưới, phổ biến phương thức xử lý các sách lược trọng yếu quốc gia. Về sau, ông cũng nhiều lần thay đổi cách thức báo cáo và quyết định sự việc, yêu cầu quân thần đồng lòng chăm lo việc nước, đồng thời ông cũng cân nhắc đến tình huống thực tế của quan viên mà đưa ra cách xử lý uyển chuyển, để cho việc chầu sớm mỗi ngày đều thu hoạch được hiệu quả thực tế nhất định, cùng với đó là bản thân ông cũng đích thân lắng nghe thảo luận chính sự mỗi ngày. 

Các triều thần cảm thông với sự cần cù vất vả của Hoàng đế nên đã nhiều lần đề nghị đổi thời gian nghe báo cáo. Ví dụ như từ mỗi ngày đổi thành 3 đến 5 ngày nghe một lần. Hoàng đế Khang Hy lại cho rằng: “Đạo trị quốc, quan trọng là … chân thành và cần cù, trước sau vẹn toàn, không nên gián đoạn”, mang theo tâm chăm lo việc nước, lo cho từng quyền lợi của dân chúng và đất nước. Hoàng đế Khang Hy đã giữ vững hành động này suốt hơn 50 năm. 

Tu bổ và xây dựng lại nội các 

“Hoàng đế Khang Hy hạ lệnh đổi Tam viện thành Nội các. Trong số đó, các quan hàm Đại học sĩ và học sĩ cùng với quy chế cho nhân viên của Viện Hàn Lâm đều có tham khảo quy định cũ của năm Thuận Thị thứ 15” – Trích trong “Hồ sơ về triều đại Khang Hy”.

Đế nghiệp huy hoàng đều không tách rời khỏi sự trợ giúp của quan đại thần. Sau khi thời kỳ phụ chính kết thúc, trong triều vẫn cần có quan phụ trách các đầu mối để trợ giúp Thiên tử. Thế là Khang Hy liền xem lại chế độ triều Minh, kết hợp với các pháp chế của tổ tiên để thiết lập chế độ nội các. 

Bức tranh thể hiện “Bản đồ cung điện” của Lý Chiêu Đạo thời nhà Đường. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Triều đại Minh Thanh có điểm đặc biệt là thiết lập chế độ nội các có cơ cấu trung tâm đầu mối. Hiển nhiên Thái Tổ đã bỏ hình thức thư viện, sau đó bỏ đi chức thừa tướng, về sau Hoàng đế Khang Hy đã thiết kế cơ cấu nội các trong Hàn Lâm Viện. Tại sao Hàn Lâm Viện lại quan trọng như vậy? Nó được bắt đầu từ triều đại nhà Đường, quan viên lúc ban đầu đều là những nhân sĩ tinh thông kỹ nghệ, từ thời Đường Huyền Tông, quan viên trong Hàn Lâm Viện là những trợ lý phụ giúp các quan lại khởi thảo văn kiện, ví dụ như nhà thơ nổi tiếng Lý Bạch cũng từng làm học sĩ của Hàn Lâm Viện. 

Thời nhà Minh, trong Hàn Lâm Viện thiết lập Điện các Đại học sĩ, theo danh xưng là Văn Uyên các Đại học sĩ, Võ Anh điện Đại học sĩ… chức vụ tương đương với thư ký của Hoàng đế. Thời Minh Thành Tổ, nhóm quan viên Đại học sĩ bắt đầu tham dự chính sự, lúc đó mới có danh tiếng “nội các”, người đứng đầu gọi là “Thủ Phụ”, theo bản mô tả quyền, người này có quyền lực tương đương với Tể tướng. 

Đến triều đại nhà Thanh, năm Thiên Thông thứ 3 (1636), Hoàng Thái Cực cho bộ phận phụ trách sửa công văn, biên soạn lịch sử, công tác văn học gộp lại làm Tam Viện, tức là Nội quốc sử viện, Nội hoằng văn viện cùng Nội thư ký viện, bố trí trong đó là các Đại học sĩ người Mãn, Hán, dùng cho thảo luận chính sách quốc gia và bắt đầu hình thành quy mô như một nội các. Tuy nhiên, việc triều chính của triều đại Mãn Thanh do chư Vương và bối lặc nắm giữ, Nội Tam viện chủ yếu đóng vai trò kiểm soát chư Vương, gìn giữ quyền lực của Hoàng đế. Thời Thuận Trị, cũng chủ yếu duy trì thể chế Nội tam viện, từng phỏng theo cách thiết lập quan hàm Hàn Lâm viện và Điện các Đại học sĩ từ triều đại nhà Minh mà xây dựng. 

Sau khi loại bỏ Ngao Bái vào năm Khang Hy thứ 8 (1669), Hoàng đế Khang Hy đã thu hồi “Phê hồng quyền” tượng trưng quyền của hoàng gia, điều chỉnh lại chức vụ quan viên Đại học sĩ trong Nội tam viện. Cuối năm đó, Ngự sử Lý Chi Phương thượng tấu, đề nghị khôi phục lại chế độ cho các Đại học sĩ. Tháng 8 năm thứ 9, hoàng đế Khang Hy chính thức hạ chiếu sửa Nội tam viện thành Nội các, thảo luận thiết lập Hàn Lâm viện cùng với công việc và quan hàm của các Đại học sĩ và Học sĩ. Đến Tháng 10, các Đại học sĩ người Mãn và Hán đều được bổ nhiệm vào Hàn Lâm viện. Tháng 12, bổ nhiệm chức quan cho Học sĩ trợ lý, Học sĩ Thị giảng … chính thức thành lập cơ cấu Hàn Lâm viện. 

Dưới thời trị vì của Khang Hy, nhiệm vụ chính của các học sĩ nội các là: Thay người khác đọc tấu chương, soạn thảo phê duyệt, tham dự chính sự, biên soạn các tư liệu lịch sử… khởi tác dụng như một cơ quan đầu mối. 

Hoàng đế Khang Hy là người luôn ngưỡng mộ văn hóa Hán, cho nên ông rất coi trọng sự giao lưu giữa người Mãn và người Hán. Về tỷ lệ nhân sự trong nội các, ông cố gắng cân bằng trong việc chọn Đại học sĩ người Mãn, người Hán phương Bắc và người Hán phương Nam, để họ có cơ hội thi triển tài năng cho triều đình, thực hiện tốt hơn việc quan tâm đến phúc lợi của dân chúng trong các tộc người khác nhau. Như vậy, thể chế trung tâm quốc gia ngày càng trở nên kiện toàn hơn, việc mỗi ngày thực hiện “Ngự môn nghe báo cáo và quyết định sự việc” cũng đạt được hiệu quả cao và có ý nghĩa thiết thực. 

Kinh diên Nhật giảng

Trong ‘Thanh Thánh tổ thực lục’ có viết: “Việc nghiên cứu học vấn phải không gián đoạn thì mới có thu hoạch. Sau này, vô luận là thời tiết nóng hay lạnh, việc dạy và học đều không được ngừng nghỉ”.  

Khung cảnh của buổi kinh diên nhật giảng được trình bày trong “Từ hiển khanh hoạn tích đồ · Kinh diên tiến giảng”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Kể từ khi Hán Vũ đế tôn sùng học thuật Nho gia đến nay, Nho học truyền thống đã trở thành văn hóa chủ đạo của dân tộc Trung Hoa. Hoàng đế Khang Hy với tư cách là người chăm chỉ học tập nhất trong lịch sử các đời đế vương, ông cũng bắt đầu nghiên cứu văn hóa người Hán và Nho học ngay từ khi còn nhỏ. Khi vừa đăng cơ, ông đã theo hai vị nội thị là Trương Thị cùng Lâm Thị bắt đầu học tập vỡ lòng về cách đặt câu đối. Hai người này đều là học giả thời nhà Minh, khi dạy cho Hoàng đế Khang Hy, họ chủ yếu giảng giải kinh điển của Nho gia, sau này còn dạy cả thơ ca và viết văn. Về sau, Hàn Lâm Trẩm Thuyên nương theo sự am hiểu thư pháp của Đổng Kỳ Xương, người triều đại nhà Minh mà trở thành thầy giáo dạy thư pháp cho Khang Hy. 

Ngoài thời gian giải quyết việc chính sự, Hoàng đế Khang Hy cũng tận dụng quỹ thời gian rảnh rỗi ít ỏi để dốc lòng nghiên cứu học vấn. Ông thức dậy đọc sách lúc 5 giờ sáng, buổi chiều nghiên cứu lại kiến thức, học hỏi không ngừng nghỉ, thậm chí đến nỗi quá mệt mà ho ra máu, nhưng dù như vậy ông cũng không chịu nghỉ ngơi. Do đó, trong thời gian ngắn, trình độ học vấn của ông đã vượt trội hơn hẳn, hơn nữa còn viết được những bức thư pháp tuyệt đẹp. 

Theo tuổi trưởng thành, Hoàng đế Khang Hy cần thêm nhiều học giả có kiến thức uyên bác làm thầy dạy giúp ông nâng cao trình độ của chính mình. Kết quả là, các hoạt động Kinh diên và Nhật giảng cho bậc đế vương đã đạt đến đỉnh cao của triều đại nhà Thanh. Kinh diên được gọi là hoạt động hoàng đế cùng quan lại ngồi chiếu luận bàn kinh sử cùng đạo trị quốc. Đây là một hình thức mà đại thần giảng cho Hoàng đế nghe, quân thần nghiên cứu học tập kinh điển, chế độ học tập nghiên cứu thảo luận việc triều chính. 

Kinh diên được khởi thủy từ triều đại nhà Hán và hình thành rõ ràng vào triều đại nhà Tống, đến thời Minh Thanh tiếp tục lại chế độ này. Hoạt động Kinh diên được phân lớn nhỏ, đại kinh diên được mở vào hai mùa là mùa Xuân và mùa Thu, nghi thức rất long trọng. Còn tiểu kinh diên là hoạt động giảng nói tại chỗ và thực hiện nhiều lần, chú trọng đến tính thiết thực, giống như hoạt động giảng bài mỗi ngày. Vào thời Khang Hy, các quan đại thần nhiều lần đề xuất tổ chức hoạt động kinh diên. Bắt đầu từ năm Khang Hy thứ 9, sau khi kết thúc buổi chầu sớm, khoảng 9 giờ sáng, Hoàng đế Khang Hy lập tức đến điện Hoằng Đức, lắng nghe các quan giảng dạy giảng bài, đồng thời cũng chuẩn bị cho hoạt động Kinh diên. 

Vào đầu mùa xuân tháng 2 năm Khang Hy thứ 10 (1671), Hoàng đế Khang Hy đã lựa chọn hơn 10 học sĩ người Mãn và Hán trong Nội các để thực hiện hoạt động Kinh diên, tại điện Thái Hòa cử hành lễ mừng long trọng và trang nghiêm. Từ đó về sau, mỗi năm đến mùa Xuân và mùa Thu, theo thông lệ mà cử hành hoạt động này. Buổi hoạt động Kinh diên nhỏ thì cách ngày thực hiện một lần. Các thầy dạy của đế vương đều là người thông hiểu kinh điển Nho gia cùng các sự kiện trong lịch sử, họ dùng tư cách phò tá Thánh quân Minh chủ thực hiện nhiệm vụ của mình, dùng lời dạy của người xưa, kết hợp với chính sự, tận tâm tận lực dạy bảo hoàng đế. Thông qua học tập một cách hệ thống, Hoàng đế Khang Hy rất nhanh đã nắm được tinh hoa trọng yếu trong các kinh điển Tứ thư Ngũ kinh, Tư trị thông giám … 

Để việc học tập đạt được hiệu quả hơn, Hoàng đế Khang Hy đã ban hành sắc lệnh vào tháng 2 năm Khang Hy thứ 12 (1673) phá bỏ thông lệ cũ và ra lệnh cho các quan giảng viên, ngoại trừ lúc Hoàng đế ra ngoài cung xem xét đời sống dân chúng ra, mỗi ngày đều muốn họ dạy học, để cho hoạt động Nhật giảng đúng với cái tên của nó. Thiên tử làm việc, quân tử tự hoàn thiện bản thân. Hoàng đế Khang Hy tự nhắc mình, dù thời tiết nóng hay lạnh, dù việc chính sự bận rộn đến đâu, đều cần đến cung Càn Thanh, điện Hoằng Đức, hoặc điện Mậu Cần, khiêm tốn học hỏi các quan giảng, học hành chăm chỉ, tận dụng thời gian quý giá lúc nghỉ trưa. 

Hoàng đế Khang Hy cũng rất chú trọng đến hiệu quả thực tế của hoạt động giảng dạy. Ví dụ như, việc quan giảng một mình giảng bài chỉ là tuân theo lệ cũ, đối với việc học không có trợ giúp lớn, cho nên quyết định đổi thành phương thức tương tác qua lại giữa người học và người giảng. Vào tháng 4 năm thứ 14 (1675), ông nói với quan viên giảng dạy rằng: “Sau này, khi giảng bài, nghe xong bài giảng, trẫm cũng sẽ nói về kinh điển lịch sử, như thế sẽ giúp nhau thảo luận, vậy mới giúp việc học có hiệu quả thiết thực hơn”. 

Hoàng đế Khang Hy cũng rất chú trọng đến nội dung các bài giảng và tránh nói suông. Tháng 2 năm Khang Hy thứ 15 (1676), ông lại dặn dò rõ ràng với quan giảng dạy: “Không nên đàm luận quá nhiều về những chỗ ca tụng trong bài giảng và chỉ chọn những nội dung học vấn có ích cho thực tế để giảng giải”. Năm thứ 16, kiến ​​thức của Hoàng đế Khang Hy ngày càng tinh tiến, ông đã thay đổi phương pháp giảng dạy là để cho hoàng đế hỏi trước.

Chính nhờ sự chăm chỉ và nỗ lực ấy mà cuối cùng Hoàng đế Khang Hy đã trở thành một vị hoàng đế thông kim bác cổ, có tài văn chương trác tuyệt, lưu lại cho đời sau hơn ngàn bài thơ ca cùng hơn triệu chữ thư pháp, khiến người sợ hãi thán phục. Đồng thời, thái độ chăm học hỏi như khát kiến thức cũng thúc đẩy tinh thần mong muốn sáng tác văn học thời nhà Thanh, giúp văn hóa triều Mãn Thanh thêm phồn vinh. 

Xây dựng Nam thư phòng

Trong cuốn “Khang hy khởi cư chú” có trích lời của Khang Hy như sau: “Thỉnh thoảng trong lúc viết chữ và đọc sách, trẫm thấy tùy tùng bên cạnh không có người bác học hiểu biết chữ nghĩa, như thế sẽ không thuận tiện cho việc ứng đối. Cho nên, trẫm quyết định chọn hai người bác học thiện sách để phụng mệnh hai bên trái phải, cùng nhau nghiên cứu lý giải văn học”. 

Ảnh minh hoạ: HelloRF Zcool / Shutterstock

Triều đại Khang Hy có một cơ cấu nội cung đặc biệt, bao gồm các học giả và quan lại người Hán, trong đó có học giả nổi tiếng thời đầu nhà Thanh là Hùng Tứ Lý, Trần Đình Kính, Vương Sĩ Trinh, Tra Thận Hành… mỗi người đều có vai trò quan trọng trong cơ cấu này. Cho nên, nơi đây trở thành mảnh đất trọng dụng hiền tài bậc nhất triều Mãn Thanh, người Hán ở chỗ này mà đảm nhiệm những trọng trách vẻ vang. Tên của địa điểm này là Nam thư phòng. Cái tên nghe rất ưu nhã và không có chút nào uy hiếp, nhưng đây lại là cơ cấu quan trọng nhất để Khang Hy tham khảo ý kiến cùng quyết sách. 

Thời gian thành lập Nam Thư phòng là vào năm Khang Hy thứ 10, đây là hành động quan trọng trong buổi đầu Khang Hy tự mình chấp chính. Trong ‘Thanh sử cảo’ có viết một câu của Thư pháp gia Trẩm Thuyên, nội dung như sau: “Năm thứ 10, tùy tùng giảng dạy, thẳng đến Nam Thư phòng”. Hoàng đế Khang Hy thực hiện hành động lần này là làm theo chế độ cũ của quý tộc Mãn Thanh. Từ thời kỳ Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, con cháu trong tôn thất đều có thiết kế “Thư phòng”, đồng thời cũng tuyển người tài văn chương đến giảng dạy, kiêm nhiệm công tác ghi chép biên soạn. Thái Tông Hoàng Thái Cực đem Thư phòng đổi thành Văn phòng, đặc biệt tuyển chọn các Nho sĩ đảm nhiệm chức vụ, trở thành cơ cấu chính thức. Thế Tổ Thuận Trị mặc dù chưa thiết lập Thư phòng nhưng ông cũng mở một khu vực công, tuyển chọn các quan viên trong Hàn Lâm viện thay phiên thực hiện các việc, có thể triệu kiến bất cứ lúc nào để hỏi ý kiến việc chính sự. 

Ngay sau khi Khang Hy đế tự mình chấp chính không lâu, kế thừa khuôn mẫu của tổ tiên, ông dùng góc phía Nam của cung Càn Thanh, chính là nơi đọc sách cũ chuyển thành khu văn phòng làm việc, chọn người có tài năng trong Hàn Lâm viện, mở ra Nam thư phòng. Thời đầu, quan viên trong Nam thư phòng chủ yếu là nhân viên hầu việc văn học, tùy thời điểm mà gọi đến phục vụ hoàng đế để cố vấn, luận kinh sử, đàm thi văn, tiến tới phụ giúp hoàng đế phác thảo công văn chiếu lệnh, tham dự việc cơ mật. 

Quan viên trong Nam thư phòng không cố định số lượng cũng như biên chế, nhưng họ là những quan đại thần thân cận mà Hoàng đế Khang Hy rất coi trọng. Vào tháng 10 năm Khang Hy thứ 16 (1697), cơ cấu Nam thư phòng đã có bước phát triển mới. Hoàng đế Khang Hy nói với các Đại học sĩ Lặc Đức Hồng và Minh Châu: “Gần đây khi đọc sách viết chữ, trẫm thấy bên cạnh mình còn thiếu người bác học thiện sách, như thế khi đàm luận kinh sử, không thể nào trả lời một cách thuận lợi”. Thế là ông đã hạ lệnh tuyển hiền tài trong Hàn Lâm viện, tới làm tùy tùng hai bên để thuận tiện chú ý câu từ và ý nghĩa. Quan trọng hơn là, Hoàng đế Khang Hy còn ban tặng phủ đệ trong Tử Cấm Thành, để cho thấy sự ân sủng cùng vinh hạnh đặc biệt. Sau đó, Học sĩ hầu giảng Trương Anh cùng học sĩ nội các Cao Sĩ Kỳ được trở thành những thành viên mới của Nam Thư phòng mà mọi người ngưỡng mộ. 

Có hai hình thức tuyển chọn quan chức chính ở Nam thư phòng, một là cất nhắc của Khang Hy, hai là tuyển chọn của Hàn Lâm viện, ba là trực tiếp đề bạt những học giả tài hoa xuất chúng. Ví dụ như Tra Thận Ninh của Hải Ninh, một người tinh thông ‘dịch số’, thơ của ông được nhiều người biết đến. Còn có Trần Nguyên Long, người viết thư pháp rất được Hoàng đế thưởng thức, họ đều được đặc biệt triệu đến làm việc ở Nam thư phòng. 

Nói chung, các quan chức của Nam thư phòng đều là người thân cận bên Hoàng đế, có thể là thầy hoặc tâm phúc. Hoàng đế Khang Hy rất coi trọng và đối đãi long trọng đối với họ. Ví dụ như Trương Anh, chưa đến 3 năm đã được thăng lên học sĩ Hàn Lâm viện kiêm Lễ bộ thị lang, sau trở thành viện trưởng Hàn Lâm viện, Lễ bộ thượng thư, quản lý Nam thư phòng. Hoàng đế Khang Hy cũng từng khen ông: “Trương Anh luôn cung kính và cẩn trọng, có tác phong của một vị Thừa tướng thời xưa”. Sau khi Trương Anh thôi không làm quan nữa, Hoàng đế Khang Hy vẫn nhiều lần hỏi ý kiến ​​ông về tác phong và uy tín của các quan chức địa phương.

Nam thư phòng tôn sùng địa vị, phản ánh tầm nhìn rộng mở của Hoàng đế Khang Hy trong việc phá bỏ khoảng cách giữa người Mãn và người Hán, cũng như sự kính trọng đối với văn nhân cùng văn hóa Hán bác đại tinh thâm. Quân vương sai bảo thần tử dùng lễ, thần tử làm việc dùng trung quân. Bậc thiên tử thánh minh, người bên cạnh ông giống như trăm sông tạo thành biển lớn, giống như sự tập hợp một nhóm lớn trung thần hiền sĩ tài đức vẹn toàn. Họ trung thành đi theo Khang Hy, cùng nhau khai sáng nên thời đại hoàng kim của nhà Thanh. 

Xem trọn bộ Hoàng đế Khang Hy

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch