“Đồng khí liên chi các tự vinh, tá tu ngôn ngữ mạc thương tình”, – anh em cùng chung dòng máu của cha mẹ như cành liền cây, vì vậy đừng nói ra những từ ngữ tổn thương. “Nhất hồi tương kiến nhất hồi lão” – gặp nhau mấy chốc mà đã già, là huynh đệ với nhau được mấy thời? 

Anh em, hay huynh đệ, còn được gọi là “thủ túc”, tức là chân tay, hình dung mối quan hệ anh em thân thiết gần gũi đến như vậy. Sách “Độc Thư Lục” viết, thiền sư Pháp Chiêu có mấy câu thơ: 

Đồng khí liên chi các tự vinh, tá tu ngôn ngữ mạc thương tình.
Nhất hồi tương kiến nhất hồi lão, năng đắc kỉ thời vi đệ huynh?

Tạm dịch
Đồng huyết liền chi các tự vinh, chớ buông lời lẽ tổn thương tình. Gặp nhau mấy chốc đầu đã bạc, hỏi được mấy thời gọi đệ huynh? 

[Chú thích: ‘chi’ vừa có nghĩa là chân tay, vừa có nghĩa là cành cây; ‘các’ là mỗi người, ai nấy; ‘vinh’ vừa có nghĩa là vinh quang, vừa có nghĩa tươi tốt. “Đồng khí liên chi các tự vinh” ý nghĩa là anh em ruột thịt như chân với tay, như cây liền cành, chăm sóc lẫn nhau thì ai nấy đều tự sẽ tươi tốt phồn vinh]

Vậy mà, một số người đối đãi với anh em của họ như những người xa lạ, gặp nạn không cứu, kết quả sẽ như thế nào? Lại có người anh rất yêu thương em, tình như thủ túc, phúc báo không cầu mà đến.

Em gặp nạn anh không cứu, kết quả thế nào?

Vào thời nhà Thanh, có một vị thư sinh tên là Chu Thức, gia cảnh bần cùng, phải dạy học trong làng để mưu sinh. Vào cuối một năm nọ, Chu Thức trở về nhà đón năm mới cùng với số tiền dạy học dành dụm được trong một năm. Trên đường đi, chàng nhìn thấy một người nông phu bị trói, khóc lóc thương tâm. Chu Thức hỏi anh ta vì sao lại khóc. Nông phu nói với chàng rằng anh ta đã mượn tiền quan phủ để mua cây giống, nhưng mùa màng thất bát, giờ trả không được. Vì vậy, Chu Thức đã lấy tiền dạy học mình vừa nhận được, giúp người nông phu trả nợ cho quan phủ, để người nông phu được trả tự do.

Cũng có một vị thư sinh cùng làng, tên là Lưu Triệt. Gia cảnh của Lưu Triệt khá giàu có, học vấn cũng có danh tiếng, nhưng tham gia khoa cử đã mấy lần mà đều không trúng cử. Lưu bèn hướng thần linh thỉnh thị về tiền trình của mình. Trong mộng, Thần linh khai thị: “Trong bổn mệnh của ngươi có một điểm phúc lộc, nhưng đời này ngươi đã tổn đức, nên không thể đắc được!”. Lưu Triệt thỉnh vấn bản thân mình đã tổn thất đức gì.

Thần linh khải thị: “Em trai ngươi nợ tiền quan phủ, ngươi chỉ khoanh tay ngồi nhìn không quản, không giúp đỡ chút gì. Kết quả em trai ngươi suýt mất mạng, đây không phải là tổn đức sao?”

Lưu Triệt nói: “Là vì bản thân em trai ta không làm tốt, chứ ta có tội gì?”

Thần nói: “Trên đường có người chịu nạn, người nhìn thấy cũng không nhẫn tâm, chìa tay giúp đỡ. Ngươi và em trai ngươi cùng một gốc rễ, vì sao mà nhìn thấy hắn gặp nạn cũng không động lòng? Ngươi không biết người đồng hương Chu Thức dù không quen biết, đã trả tiền nợ cho nông phu em trai ngươi? Anh ta sẽ đắc được âm đức phúc báo!”

Sau khi Lưu Triệt tỉnh dậy, bèn đến thăm Chu Thức, mới biết chàng đã giúp đỡ một nông phu trên đường, như Thần đã nói với ông. Lưu Triệt lập tức chán nản và hối hận. Sau này, Chu Thức sinh được ba người con trai, tất cả đều hiển quý, nhưng Lưu Triệt thì suốt đời không thể đỗ đạt.

Em chưa thành thân, anh chưa cưới, huynh đệ hữu ái kết phúc báo

Thượng Thiên minh giám, anh trai giúp em nhỏ, em yêu kính anh cả, một nhà có phúc (Pixabay)

Hứa Vũ, tự Văn Trường, mồ côi cha từ nhỏ, Hứa Vũ là anh cả, trong nhà còn có hai em trai nhỏ. Sau khi cha qua đời, Hứa Vũ bắt đầu làm nông ở nhà, vì hai em còn nhỏ không thể nhấc cuốc, cuốc đất không nổi, vì vậy Hứa Vũ bảo các em trai của mình đứng bên cạnh xem và học cách làm ruộng.

Ban ngày làm công việc đồng áng, buổi tối Hứa Vũ chong đèn đọc sách, để hai em ngồi bên cạnh bàn, dạy chúng đọc chữ, đoán câu, giải thích chi tiết ý nghĩa cho các em. Trong suốt quá trình học tập, Hứa Vũ thời thời khắc khắc đều dùng đạo nghĩa giáo đạo các em về đạo lập thân xử thế.

Các em nếu chỉ hơi không tiếp thu, Hứa Vũ quỳ trước ban thờ, hướng tới tổ tiên mà nói: “Con bản thân vô đức, không thể cảm hóa, giáo huấn các em. Mong cha mẹ trên trời có linh, khuyên nhủ truyền cảm hứng cho hai em!” Hứa Vũ cứ quỳ như vậy, cho đến khi hai đứa em lớn tiếng khóc lóc, cầu xin chàng cho chúng một cơ hội sửa sai, thì chàng mới đứng dậy, chưa bao giờ dùng lời lẽ nặng lời đối với các em.

Trong nhà chỉ có một cái giường thấp và hẹp, ba anh em ngủ chung một giường. Khi Hứa Vũ đến tuổi lập gia đình, có người thuyết phục chàng lấy vợ, Hứa Vũ nói: “Sau khi lấy vợ, vợ và em trai dễ sinh hiềm khích, e rằng sẽ làm tổn thương tình anh em thủ túc của chúng ta.”

Hứa Vũ vì hữu ái, được dân làng tiến cử nhập triều, được phong chức nghị lang. Sau đó, chàng trước tiên giúp hai em tìm đối tượng kết hôn, giúp họ thành thân rồi bản thân mình mới lấy vợ. Hai người em chàng đều học hành đỗ đạt, được địa phương tiến cử làm quan.

Cuốn “Nhan Thị gia huấn” thuyết đạo: Song thân không còn, giữa huynh đệ cần chiếu cố lẫn nhau, tương hệ tương liên như hình với bóng, như thanh với âm. Yêu thân thể mà tiền nhân cấp cho chúng ta, mở rộng ra chính là ái hộ (yêu thương che chở) huynh đệ của bản thân mình, ái hộ nhau cũng chính là ái hộ bản thân mình! Trẻ mồ côi còn nhỏ, một mình khốn khổ, huynh trưởng như nghiêm phụ kiêm từ mẫu (anh cả như người cha nghiêm khắc kiêm người mẹ hiền từ), dạy dỗ chăm sóc em, không gì không làm. Huynh trưởng đối đãi các em làm được như thế, cũng chính là mở ra một cảnh giới cao tầng ở nhân gian.

Tác giả: Hoài Nhẫn Nhẫn, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch