392 từ dự ngôn chính xác các sự kiện lịch sử lớn trong lịch sử Trung Quốc cận hiện đại. Chúng ta hãy xem cuốn “Thiền sư thi” rốt cuộc có gì kỳ lạ.

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Nhắc đến cuốn sách dự ngôn nổi tiếng nhất Trung Quốc cổ đại, mọi người sẽ nghĩ đến “Thôi Bối Đồ” của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cương, những dự ngôn của 32 hình ảnh đầu tiên có thể nói là chuẩn xác 100%. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là “Thôi Bối Đồ” từ hình ảnh thứ 33 trở đi, trật tự ban đầu đã bị cố tình phá vỡ, khiến những dự ngôn từ cuối nhà Minh đến đầu nhà Thanh trở nên khó hiểu và khó giải thích. Mặc dù sau này, không ít chuyên gia và học giả đã đưa ra những cách giải thích khác nhau, và sắp xếp lại chúng theo thứ tự, nhưng họ vẫn không cách nào xác định được nguyên mạo ban đầu của nó.

Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một cuốn sách khác có thể nói là dự ngôn thần chuẩn về quốc vận, đó là cuốn “Thiền sư Hoàng Bách thi”, gồm 14 bài thơ với tổng cộng 392 từ, không chỉ dự đoán chính xác sự diệt vong của nhà Minh, các triều đại khác nhau của nhà Thanh, cuộc nội chiến kéo dài 8 năm giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng, sự kiện Quốc dân đảng rút lui về Đài Loan, đồng thời cũng chỉ ra vận mệnh tương lai Trung Quốc, trong đó điểm thời gian then chốt nhất rất có khả năng là năm 2025.

Vì có rất nhiều nội dung đáng để tìm hiểu, nên chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn trong hai tập.

Làm thầy của đế vương

Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt, Yên đắc mai hoa phác tỵ hương”, ý tứ là nếu không trải qua một mùa đông lạnh thấu xương, thì hoa mai sao có thể ngát hương – câu thơ kinh điển này tôi tin rằng rất nhiều bạn đều biết, nhưng bạn có biết tác giả của nó là ai không? Đó là nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta hôm nay, thiền sư Hoàng Bách, một vị cao tăng đời Đường.

Thiền sư Hoàng Bách nguyên danh là Hi Vận, không rõ họ, ông là người Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, từ nhỏ đã xuất gia ở núi Hoàng Bách. Vì yêu mến núi Hoàng Bách nên sau này khi thuyết pháp, ông thường dùng tên Hoàng Bách, và mọi người tôn xưng ông là thiền sư Hoàng Bách.

Thiền sư Hoàng Bách có nhiều đệ tử, trong đó phải kể đến hai vị đệ tử. Vị đầu tiên là Đường Tuyên Tông Lý Thầm. Khi Lý Thầm còn niên thiếu, có lần từng trèo lên long sàng của anh trai mình là Đường Mục Tông, làm động tác thần thái như thể đang tiếp kiến một đại thần, Mục Tông xem xong hết lời khen ngợi. Sau này, cháu trai của Lý Thầm, Đường Vũ Tông Lý Viêm lên ngôi, nhớ tới chuyện này, trong tâm oán hận Lý Thầm, muốn hại chết ông. Để tránh nạn, Lý Thầm ẩn thân trong thiền viện làm một tiểu tăng, sau này ông hướng tới thiền sư Hoàng Bách hành lễ đệ tử, theo thiền sư học tập thiền pháp. Vì để giúp Lý Thầm khai ngộ, thiền sư Hoàng Bách thậm chí đã tát hoàng đế tương lai vài cái. Sau khi Lý Thầm lên ngôi, ông đã lật ngược tố pháp “diệt Phật” của Đường Vũ Tông, chấn hưng Phật giáo.

Điểm ngộ tể tướng

Một vị đệ tử cư sĩ nổi tiếng khác của thiền sư Hoàng Bách là Bùi Hưu, tể tướng nổi tiếng của nhà Đường. Khi Bùi Hưu đang giữ chức thứ sử Hồng Châu, ông đã gặp thiền sư Hoàng Bách. Lúc bấy giờ, thiền sư Hoàng Bách đang tu hành tại tịnh xá ở núi Hoàng Bách. Bùi Hưu nhất tâm tu Phật, nhưng lại luôn không nắm được điểm trọng yếu, nên thiền sư Hoàng Bách đã hướng dẫn ông bằng nhiều cách.

Thiền sư Hoàng Bách từng nói với ông: “Người tu hành hiện tại ngày càng chú trọng biểu hiện bên ngoài, không muốn nhìn vào tâm chính mình, điều này đều là làm trái đạo. Nếu có thể phóng hạ thân mình, cam tâm tình nguyện làm một hạt cát, thì nhìn thấy Thần Phật đầy trời đi qua bên thân, hạt cát sẽ không kinh ngạc hoan hỉ; nhìn thấy từng đàn cừu dê trùng kiến ​​giẫm đạp lên mình, hạt cát sẽ không tức giận; Nhìn thấy kỳ trân dị bảo lung linh mãn nhãn, hạt cát sẽ không tham lam bảo vật mà chiếm lấy cho mình; Nhìn thấy rác rưởi ô uế chảy qua, hạt cát sẽ không khởi tâm chán ghét. Trong mắt hạt cát, nó đối với hết thảy sự vật bên ngoài không có phân biệt, nhân từ xem xét mọi sự vật, tâm trí tự nhiên viên minh phổ chiếu, đây chính là bản lai của tâm thanh tịnh”. 

Dưới sự hướng dẫn của thiền sư Hoàng Bách, Bùi Hưu dần dần lý giải đại nghĩa của Phật pháp, lúc bấy giờ người ta gọi Bùi Hưu là “Hà Đông đại sĩ” và “Tể tướng cát môn”. Cuốn “Thiền sư thi” do thiền sư Hoàng Bách khẩu thuật lưu lại, nghe nói chính là do tể tướng Bùi Hưu tự mình ghi chép.

Bây giờ chúng ta hãy xem cuốn “Thiền sư thi” rốt cuộc có gì kỳ lạ.

Miêu tả quốc vận của nhà Thanh

Bài thơ đầu tiên viết như thế này:

日月落時江海閉 Nhật nguyệt lạc thời giang hải bế
青猿相遇判興亡 Thanh viên tương ngộ phán hưng vong
八牛運向滇黔盡 Bát ngưu vận hướng điềm kiềm tận
二九丹成金谷藏 Nhị cửu đan thành Kim cốc tàng

Hai chữ “日月 nhật nguyệt” ở đầu ghép lại thành chữ “明 Minh”, nên câu đầu tiên có ý nói rằng khi nhà Minh diệt vong, Trung Quốc sẽ bước vào một thời kỳ bị bế quan tỏa quốc. Có thể mọi người muốn hỏi, thiền sư Hoàng Bách chẳng phải là người thời Đường sao? Tại sao không bắt đầu viết từ thời nhà Đường, mà lại bắt đầu từ Minh mạt Thanh sơ? Có người cho rằng trong “Thiền sư thi” thực ra còn có những nội dung khác nhưng đã thất lạc, không được lưu truyền lại. Một số người nói rằng cuốn sách này chính là như vậy. Tuy nhiên, theo chúng tôi xét, bất quản là tình huống nào, có lẽ chính là Thiên ý đã an bài như vậy. Quốc vận trước khi nhà Minh kết thúc, chỉ cần có “Thôi Bối Đồ” là đủ, đối với các thế hệ sau, “Thiền sư thi” được dùng để bù đắp những thiếu sót về trình tự quái tượng bị đả loạn trong “Thôi Bối Đồ”.

Chúng ta hãy tiếp tục xem câu tiếp theo, “Thanh viên tương ngộ phán hưng vong”. Cách dùng màu sắc đáp phối với các con giáp này rất thường thấy trong “Thiền sư thi”, ví dụ như có “hắc hổ”, “hồng kê” (gà hồng), “xích thử” (chuột đỏ), “kim xà” (rắn vàng), v.v.  Chúng ta nên giải thích từng điều này như thế nào?

Học thuyết ngũ hành cổ đại của Trung Quốc có nội hàm phi thường bác đại tinh thâm, ngũ hành có thể đối ứng thiên can địa chi, đối ứng các mùa và phương vị khác nhau với màu sắc. Từ “青thanh” trong “青猿 thanh viên” đối ứng với “mộc” trong ngũ hành, lại vừa đối ứng với  “甲 Giáp” trong thiên can, mà “猿 Viên” chính là đối ứng với “申 Thân” trong địa chi, phối hợp lại mà xem thì chính là chỉ năm con khỉ Giáp Thân 1644, lúc đó đã phát sinh chuyện gì? Quân Thanh tiến vào biên giới. Điều này vừa khớp đối ứng với câu đầu tiên: Minh triều diệt vong, hưng vong đã định.

Câu tiếp theo, “Bát ngưu vận hướng điềm kiềm tận”, “八牛 Bát ngưu” này hợp cùng nhau thành chữ “朱 Chu”. “滇黔 Điền kiềm” dùng để chỉ khu vực Vân Nam và Quý Châu. Khi nhà Minh ở Bắc Kinh bị lật đổ, các quan lại ở Nam Kinh bèn tôn một người trong hoàng tộc là Phúc Vương lên làm vua, lập nên nhà Nam Minh. Tuy nhiên, trước sự tấn công mạnh mẽ của quân Thanh, vị vua cuối cùng của nhà Nam Minh là Nam Minh Vĩnh Lịch Đế Chu Do Lang phải chạy sang Miến Điện. Ngô Tam Quế đem quân truy kích buộc vua Miến Điện phải giao Chu Do Lang, rồi đưa về Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam treo cổ, vương triều Nam Minh của họ Chu mới được tính là thực sự diệt vong. Nội dung đằng sau chính là nói về chuyện xảy ra vào triều đại nhà Thanh. 

Câu cuối cùng “Nhị cửu đan thành Kim cốc tàng” ám chỉ hoàng đế Thuận Trị của nhà Thanh trị vì 18 năm. Mặc dù sử sách nói rằng hoàng đế Thuận Trị qua đời vì bệnh tật, nhưng trong dân gian có thuyết pháp rằng ông đã xuất gia làm tăng.

Về bí ẩn xuất gia của Thuận Trị, chúng tôi sẽ có tập đặc biệt giải thích chi tiết sau, các bạn quan tâm đừng bỏ lỡ nhé.

Dưới đây chúng ta xem bài thơ thứ hai:

黑虎當頭運際康 Hắc hổ đương đầu vận tế khang
四方戡定靜垂裳 Tứ phương kham định tĩnh thùy thường
唐虞以後無斯盛 Đường Ngu dĩ hậu vô tư thịnh
五五還兼六六長 Ngũ ngũ hoàn khiêm lục lục trường

Bài thơ này thường được coi là mô tả chính trị nhân đức của hoàng đế Khang Hy. Khang Hy lên nắm quyền vào năm con hổ Nhâm Dần 1662. Nhâm thuộc thủy, thủy trong ngũ hành là màu đen, đối ứng với “hắc hổ”. Sau đó, Khang Hy bình định tứ phương, quốc chính thanh minh, mở ra thời đại thịnh thế của Khang Hy và Càn Long, đây là thời đại thịnh thế chưa từng xảy ra kể từ Đường Ngu, còn gọi là Nghiêu Đế. Câu cuối cùng tiết lộ thời gian trị vì của Khang Hy, “ngũ ngũ” là 25 năm, và “lục lục” là 36 năm, tổng cộng là 61 năm.

Chúng ta hãy xem bài thơ thứ ba:

有一真人出雍州 Hữu nhất chân nhân xuất Ung Châu
鶺鴒原上使人愁 Tích linh nguyên thượng sử nhân sầu
須知深刻非常法 Tu tri thâm khắc phi thường pháp
白虎嗟逢歲一周 Bạch hổ ta phùng tuế nhất chu

Chữ “雍 Ung” được nhắc đến ở đầu bài thơ, vì vậy bài thơ này hẳn là nhằm giới thiệu hoàng đế Ung Chính, người kế vị Khang Hy. Vậy câu thứ hai nói gì? “Tích linh” là một loài chim, có một câu thành ngữ gọi là “Tích linh tại nguyên” so sánh thâm tình huynh đệ, có thể bất chấp sinh tử mà cứu viện cho nhau; tuy nhiên vế sau lại là “sử nhân sầu” (khiến người ta buồn), nên nó được giải đọc là sự bất hòa giữa Ung Chính và những người anh em của mình.

Điều này phải nói đến trận tranh đế vương kịch liệt nhất trong lịch sử – chín hoàng tử tranh ngôi báu. Năm Khang Hy thứ 47, tức là năm 1708, Khang Hy phế truất thái tử Dận Nhưng, kết quả là ngôi thái tử bị bỏ trống, nên các hoàng tử khác cũng phấn đấu mục tiêu trở thành thái tử. Đương thời, Khang Hy có tổng cộng 24 hoàng tử, trong đó có 9 người tham gia tranh ngôi thái tử, về sau chủ yếu chia thành ba đảng phái: “Thái tử đảng” do nhị a ca bị phế truất đứng đầu, “Tứ da đảng” do tứ a ca Dận Chân đứng đầu, “Bát da đảng” do bát a ca Dận Tự đứng đầu.

Sau khi Ung Chính đăng cơ, Dận Tự và a ca thứ chín Dận Đường bị Ung Chính khai trừ khỏi gia tộc, phải đổi tên lần lượt là “A Kì Na” và “Tắc Tư Hắc”. Về hai cái tên này, dân gian cho rằng chúng có nghĩa là “lợn và chó” trong tiếng Mãn Châu, sau này các chuyên gia xác nhận rằng chúng có nghĩa tương ứng là “một bên hạ nhiệt đi” và “quỷ phiền toái”. Quả nhiên tình huynh đệ của họ thực sự không hòa hợp.

Tiếp theo, nhìn vào câu thứ ba, tương đối dễ hiểu, là nói dưới thời Ung Chính, ông đã áp dụng không ít chính sách bàn tay sắt, pháp trị rất nghiêm ngặt hà khắc. Câu cuối cùng là Ung Chính lên ngôi vào năm Nhâm Dần 1722, Tuế tinh, cũng chính là sao Mộc, cứ 12 năm là đi hết một vòng hoàng đạo, ý vị ông sẽ trị vì trong 12 năm. Xem đến đây, không biết mọi người có cảm thấy kỳ quái, vì sao Khang Hy lên ngôi năm hổ Nhâm Dần 1662 là “năm hổ đen”, đến năm Ung Chính lên ngôi cũng là năm hổ Nhâm Dần 1722 lại biến thành “năm hổ trắng”?

Một số cách giải thích cho rằng thiền sư Hoàng Bách không muốn dùng “hắc hổ” liên tục trong hai bài thơ trước và sau sẽ có vẻ đơn điệu và lặp đi lặp lại. Nhưng lẽ nào có thể “điên đảo trắng đen” như vậy? Đương nhiên là không, cao nhân sao có thể dùng từ tùy tiện? Chúng ta hãy nhìn vào nạp âm ngũ hành, chúng ta sẽ phát hiện “Nhâm Dần” đối ứng là “kim bạc kim”, mà “kim” lại đối ứng với màu sắc ngũ hành là “trắng”, do đó nói “năm Nhâm Dần” là năm bạch hổ cũng có căn cứ.

Thực ra, sau khi đọc kỹ, bạn sẽ thấy cách thức sắp xếp thứ tự thời gian về màu sắc và cung hoàng đạo Trung Quốc (12 con giáp) trong “Thiền sư thi” rất độc đáo, phản ánh đầy đủ đặc điểm dự đoán chuẩn xác nhưng lại ẩn dụ. Ví dụ: “hồng kê” và “xích thử” xuất hiện phía sau không chiểu theo quy luật thông thường, giải thích chúng như thế nào? Chúng ta sẽ nói về nó sau.

Chúng ta chuyển sang bài thơ tiếp theo:

乾卦占來景運隆 Can quái chiêm lai cảnh vận Long
一般六甲祖孫同 Nhất bàn lục giáp tổ tôn đồng
外攘初度籌邊策 Ngoại nhương sơ độ trù biên sách
內禪無慚太古風 Nội thiện vô tàm thái cổ phong

Tôi tin rằng sau khi đọc câu đầu tiên, mọi người sẽ biết đây là một bài thơ miêu tả hoàng đế Càn Long. Càn Long trị vì 60 năm, gần như đuổi kịp ông nội Khang Hi, nhưng để không vượt qua Khang Hy, ông những năm cuối đời đã truyền lại ngôi báu cho con, rất có phong điển nhường ngôi của tam hoàng ngũ đế. Trong bài thơ còn nói, Càn Long đã bình định rất nhiều cuộc phản loạn ở biên cương, mở rộng lãnh thổ nhà Thanh, tạo nên một thời đại thịnh thế khác của Thanh triều.

Dự ngôn xong về Càn Long, liền nói đến Gia Khánh, quả nhiên tên của nhân vật chính cũng được xướng lên ở đầu bài thơ tiếp theo:

赤龍受慶事堪嘉 Xích long thụ khánh sự kham gia
那怕蓮池開白花 Na phạ liên trì khai bạch hoa
二十五弦彈易盡 Nhị thập ngũ huyền đàn dịch tận
龍來龍去不逢蛇 Long lai long khứ bất phùng xà

Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi vào năm 1796, năm Bính Thìn, Bính thuộc hỏa, hỏa đối ứng với màu đỏ, nên được gọi là “xích long” – rồng đỏ. Câu thứ hai nói về loạn Bạch Liên Giáo sau khi Gia Khánh lên ngôi. Nhưng dự ngôn cũng nói, không phải sợ, không có nguy hiểm. Câu thứ ba và câu thứ tư nói rằng Gia Khánh trị vì 25 năm, lên ngôi vào năm Thìn, mất vào năm Thìn, tiếp theo là năm Rắn nên gọi là “rồng đến, rồng đi, không gặp rắn”.

Tiếp tục bài thơ thứ sáu:

白蛇當道漫騰光 Bạch xà đương đạo mạn đằng quang
宵旰勤勞一世忙 Tiêu cán cần lao nhất thế mang
不幸英雄來海上 Bất hạnh anh hùng lai hải thượng
望洋從此歎洋洋 Vọng dương tòng thử thán dương dương

Bài thơ này tiếp tục phong cách trước đó, câu đầu tiên chỉ ra năm hiệu “Đạo Quang”. Hoàng đế Đạo Quang lên ngôi vào năm 1821, năm con rắn Tân Tỵ, chúng ta bấm đốt tay, quả nhiên là năm rắn trắng. Đạo Quang đế là một vị hoàng đế cần cù, tiết kiệm nổi tiếng trong lịch sử, nhân cách đạo đức rất tốt, nhưng đáng tiếc nỗ lực cá nhân không thể đối kháng lại thiên mệnh. Năm 1840, năm Đạo Quang thứ 20, chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất nổ ra, pháo binh Anh đã mở tung cánh cửa bế quan tỏa quốc của nhà Thanh, từ đó quốc sự đa nan, rất nhiều thế lực ngoại bang cường đại vượt biển đến Trung Quốc, tha hồ cướp bóc.

Vậy bài thơ thứ bảy dự ngôn câu chuyện lịch sử nào?

亥豕無訛二卦開 Hợi thỉ vô ngoa nhị quái khai
三三兩兩總堪哀 Tam tam lưỡng lưỡng tổng kham ai
東南萬⾥紅巾擾 Đông nam vạn lý hồng cân nhiễu
西北千群白帽來 Tây bắc thiên quần bạch mạo lai

Hợi thỉ là chỉ năm con lợn, và hoàng đế Hàm Phong lên ngôi vào năm Tân Hợi 1851, năm con lợn. Vậy làm thế nào tìm được niên hiệu Hàm Phong? Trong 64 quẻ Kinh Dịch có hai quẻ tượng là quẻ “Hàm” và quẻ “Phong”, đối ứng với “nhị quái khai” ở câu thứ nhất. Câu thứ hai nói 3+3+2+2=10. Trong 10 năm trị vì của hoàng đế Hàm Phong, việc nước không suôn sẻ, vô cùng bi ai. Tại sao nó không thuận lợi? Đông Nam có Thái Bình Thiên Quốc, Tây Bắc có biến dân Hồi giáo. Có thể mọi người đã nghe nói về Thái Bình Thiên Quốc, chúng tôi sẽ nói biến cố của dân Hồi giáo. Vì nguyên nhân tôn giáo, xung đột giữa người Hán và người Hồi vào thời nhà Thanh đã nhiều lần nổ ra, mâu thuẫn giữa hai dân tộc ngày càng trở nên nghiêm trọng kể từ những năm cuối Đạo Quang. Năm 1861, người Hồi bắt đầu nổi loạn, năm 1862 loạn thế lan rộng. Sau đó, nhà Thanh phải mất 5 năm để bình phản, dân số vùng Thiểm Tây và Cam Túc giảm từ 6 đến 7 triệu người, sau chiến tranh, triều đình nhà Thanh buộc quân nổi dậy người Hồi phải di chuyển xa hơn về phía tây để tránh lại sinh chuyện.

Kết quả này còn có thể nhìn thấy ở bài thơ thứ tám:

同心佐治運中興 Đồng tâm tá trị vận trung hưng
南北烽煙一掃平 Nam Bắc phong yên nhất tảo bình
一紀剛周陽一復 Nhất kỉ cương chu dương nhất phục
寒冰空自戰兢兢 Hàn băng không tự chiến căng căng

Câu đầu tiên chỉ ra niên hiệu “Đồng Trị”, trong đoạn thời gian này, nhà Thanh bước vào thời kỳ tương đối ổn định, trong lịch sử gọi là “Đồng Trị trung hưng”. Câu thứ hai viết “Nam Bắc phong yên nhất tảo bình”, tức là vào thời kỳ Đồng Trị, Thái Bình Thiên Quốc và biến dân Hồi đều được bình định. Nhìn câu thứ ba, “Nhất kỷ cương chu” chính là vừa mới tròn 12 năm, “dương nhất phục” nghĩa là thêm 1 năm, chúng ta cùng xem nhé. Quả nhiên, Đồng Trị đã trị vì tổng cộng 13 năm. Và câu cuối cùng chỉ ra rằng mặc dù đang là thời kỳ trung hưng, nhưng nội ưu ngoại hoạn vẫn còn đó, đế quốc đại Thanh vẫn trải qua từng ngày cam go.

Bài thơ tiếp theo nói về điều gì?

光芒閃閃見災星 Quang mang thiểm thiểm kiến tai tinh
統緒旁延信有憑 Thống tự bàng diên tín hữu bằng
秦晉一家仍鼎足 Tần Tấn nhất gia nhưng đỉnh túc
黃猿運兀力難勝 Hoàng viên vận ngột lực nan thắng

Từ hai câu mở đầu, chúng tôi có thể tìm thấy hai chữ “光緒 Quang Tự”, ở đây cũng đề cập đến trong này cũng nhắc đến hoàng đế Tuyên Thống, tuy nhiên lại có “災星 tai tinh” nên khẳng định không phải chuyện tốt. Sách lịch sử ghi lại rằng trong khoảng thời gian này đã phát sinh các sự kiện lớn như chiến tranh Giáp Ngọ, phản loạn Nghĩa Hòa Đoàn, liên quân tám nước xâm lược v.v, nhà Thanh khí số dần tận. Từ “bàng diên” trong câu thứ hai ám chỉ vấn đề huyết thống giữa hoàng đế Quang Tự và hoàng đế Tuyên Thống, Quang Tự không phải là con trai của Đồng Trị mà là em họ của ông, mà Tuyên Thống cũng không phải là con trai của Quang Tự mà là cháu trai của ông. Câu thứ ba và thứ tư, các chuyên gia và học giả khác nhau có cách giải thích khác nhau.

Một giả thuyết cho rằng sau khi nhà Thanh sụp đổ, mặc dù chính phủ quốc gia Nam – Bắc trên bề mặt đã đạt được thỏa thuận hòa bình, trở thành “Tần Tấn một nhà”, nhưng trên thực tế họ vẫn là thế chân kiềng. “Hoàng Viên” chỉ vận khí của Hoàng Hưng và Tôn Trung Sơn đã cạn kiệt, lực lượng khó thắng được Viên Thế Khải. Tại sao chữ “Viên” lại chỉ Tôn Trung Sơn? Các chuyên gia suy đoán rằng “Viên” cũng có nghĩa là “con khỉ”, con khỉ tục gọi là “hồ tôn” (猢猻).

Nhưng chúng tôi cảm thấy cách giải thích này có phần khiên cưỡng, màu sắc và cung hoàng đạo tại năm trong tám bài thơ đầu của “Thiền sư thi” đều chỉ năm, tại sao phong cách của câu cuối lại đột nhiên cải biến?

Hãy cùng xem cách giải thích thứ hai được các chuyên gia đưa ra. “Tần Tấn nhất gia” ám chỉ thái hậu Từ Hy, hậu phi của hoàng đế Hàm Phong, bà bắt đầu xuất hiện trên vũ đài lịch sử từ thời hoàng đế Hàm Phong mãi đến khi nhà Thanh kết thúc, và đóng vai trò quyết định trong triều đình nhà Thanh. Bởi vì Từ Hy thái hậu rốt cuộc không phải là Võ Tắc Thiên, cũng không có đế vương niên hiệu, nên “Thiền sư thi” chỉ có thể đề cập đến bà một cách mơ hồ như vậy. Còn “Hoàng viên” (khỉ vàng) ám chỉ năm 1908, năm con khỉ Mậu Thân, Mậu thuộc thổ đối ứng với màu vàng. Năm đó, hoàng đế Tuyên Thống lên ngôi nhưng không thể cứu vãn được thời thế, nhà Thanh cuối cùng đã diệt vong.

Bởi vì dự ngôn hầu hết đều tương đối mơ hồ, trước khi phát sinh rất khó giải đọc ra, chỉ có thể giải đọc nó sau khi sự kiện phát sinh, mà mỗi người khác nhau sẽ có cách lý giải khác nhau. Về cách giải thích hai câu cuối của bài thơ thứ chín, chúng tôi vẫn thích cách giải thích thứ hai hơn, bạn nghĩ sao?

Trong 14 bài thơ của “Thiền Sư thi”, 9 bài đầu nói về quốc vận nhà Thanh, từ bài thơ thứ 10 bắt đầu nói về Trung Hoa Dân Quốc, Bắc phạt và Nội chiến giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng, đồng thời chỉ ra vận mệnh tương lai của Đài Loan, và kết cục cuối cùng của ĐCSTQ. Chúng tôi sẽ giải đọc chi tiết những nội dung này ở tập tiếp theo.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch