Con người chỉ có một tấm thân, có thể làm việc tốt, cũng có thể làm việc xấu. Ví như cũng là cánh tay, nếu dùng nó để đánh người thì là việc xấu, nhưng dùng nó để giúp người khác lại là việc tốt. Tiền cũng có đồng tiền trong sạch và đồng tiền không trong sạch. Vì thế, là con người thì cần phải hành thiện 3 thứ: Thân – Khẩu – Ý.

  1. Thân: Có thể làm việc xấu, việc tốt.
  2. Khẩu: Có thể nói lời tốt, lời xấu.
  3. Ý: Có thể nghĩ điều tốt, điều xấu.

Cổ nhân thường nói: Đừng có tạo nghiệp ác, tạo nghiệp thiện còn có thể lên thiên đàng, nghiệp ác, phải xuống địa ngục. Con người có thể lên thiên đàng, cũng có thể xuống địa ngục, tất cả đều do ý niệm của mình mà ra.

Cái được gọi là làm tốt 3 thứ: Thân, Khẩu, Ý, chính là thân làm điều tốt, miệng nói lời hay, tâm nghĩ việc thiện. Ví như khi chúng ta đứng ở ngã ba, trước mặt có hai con đường, một thiện một ác, không biết chọn con đường nào là đúng, vậy ta hãy dùng 3 thứ này để đo lường, nó sẽ giúp chúng ta tìm ra đâu là con đường chúng ta chọn. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, vấn đề chỉ là thời gian.

Có người luôn nghi hoặc: “Nhân quả thiện ác, rút cuộc nó có tồn tại hay không?” Tại sao có người làm việc thiện nhưng lại không gặp được thiện báo, làm việc ác lại phú quý đầy nhà?

Vấn đề này, dưới góc độ nhân quả mà nhìn nhận thì: Người làm việc xấu kia, họ đang hưởng giàu sang phú quý, đó là cái thiện nhân họ gieo lúc trước, bây giờ ra quả; Điều ác mà họ đang làm, đó chỉ là mới gieo ác nhân, sau này nhân nở họ sẽ gặp ác báo.

Người làm việc thiện, nhưng lại gặp cảnh không may, cuộc sống khó khăn, cái khó khăn mà họ đang phải gánh chịu kia, đó chính là ác nhân khi xưa họ gieo nay tới ngày ác báo; việc thiện lúc này họ làm, đó mới chỉ là gieo thiện nhân, sau này khi đủ nhân duyên họ sẽ được nhận thiện báo.

nhan qua 1

Ngoài ra, tiền bạc, đạo đức, sức khỏe, mọi thứ trên đời đều có nhân quả căn duyên của nó. Muốn có sức khỏe, bạn phải vận động, ăn uống đủ chất, phải giữ vệ sinh. Không thể nói bạn cứ ăn chay, bái Phật là bạn có thể sống lâu trăm tuổi, đó là ngộ nhận sai lầm. Muốn phát tài, thì phải chịu khó lao động, tạo dựng sự nghiệp. Có nhân thì mới có quả, nhân và quả không tương ứng thì không thể nào tương báo.

Làm tam thiện chính là gieo nhân thiện. Có người nói: “Làm người tốt không thấy thiện báo”. Chúng ta chớ có vội, “Nhân-quả” không bao giờ sai lệch một ly, chỉ là mọi thứ đều cần có nhân duyên đầy đủ, khi nhân duyên đến, nó sẽ trả bạn những gì bạn đáng được hưởng.

Trong 70 năm xuất gia, điều tôi thể ngộ được chính là, trên thế giới này, thứ công bằng nhất chính là Nhân – Quả. Ví như tại sao một người lại tự dưng đánh bạn? Nguyên nhân đằng sau có thể là bạn từng sỉ nhục bố mẹ họ, làm tổn thương người thân, bạn bè của họ… đằng sau nó, luôn luôn phải có một nguyên nhân.

Giữa nhân quả còn có một thứ quan trọng,  đó là “duyên”. Có nhân thì có quả. Tền tài, sự nghiệp, bạn bè, tất cả moi thứ đều như vậy, đều dựa vào duyên phận. Duyên phận là thứ gì đây? Phật Thích Ca dưới cội bồ đề đã ngộ ra chân lý: Mọi vật trong vũ trụ này được sinh ra là bởi chữ Duyên, tất cả đều do duyên khởi.

nhan qua 2

Bàn về quan hệ nhân duyên: Nhân không thể trực tiếp sinh thành quả, cần phải có duyên, ví như khi bạn trồng dưa, bạn không thể cứ đem hạt Dưa để trên bàn là có thể nảy mầm đơm hoa kết trái. Bạn phải đem nó trồng trong đất, có ánh nắng, có không khí, có độ ẩm, tưới nước bón phân mới có thể nảy mầm, đơm hoa và kết trái, cho nên Nhân – Duyên – Quả, đây là chân lý không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu được.

Bước thứ nhất của nhân duyên đó là chính kiến, phải có chính kiến, có nhận thức chính xác, không được ngộ nhận sai lầm.

Trên thực tế, chúng ta có rất nhiều nhận thức sai lầm tự thân không biết, thị phi, thiện ác, tốt xấu, đều có tiêu chuẩn nhất định của nó, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng nhận biết được. Từ góc độ con người mà nhìn đồ vật, đôi khi cùng là một sự vật nhưng mỗi người lại có cách nhìn nhận khác nhau.

Là người tri thức, là học giả, hay là bậc thánh hiền, mỗi người đều có chính kiến của riêng mình. Cùng là một ly nước, có người thì chỉ nhìn ra đó là ly nước, nhưng có người lại nhìn ra nó được làm bằng sứ, là xuất xứ từ đâu, giá trị bao nhiêu… có thể nhìn thấy rất nhiều bên trong.

Lại ví dụ: Gõ vào mặt bàn hỏi mọi người, “Đây là cái gì?” Mọi người đều nói nó là cái bàn. Sai! Cái bàn này là giả, chân chính mà nói thì nó là gỗ, gỗ có thể làm ra ghế, làm ra bàn.

Bạn bảo nó là gỗ? Vẫn không đúng, đây không phải là gỗ, những miếng gỗ này cũng chỉ là giả tướng, nó là một cái cây, nhưng nó có thực sự là một cái cây hay không? Cũng lại không chính xác, nó là một cái hạt giống, nó thông qua hấp thụ ánh nắng mặt trời, nước, không khí, dinh dưỡng trong lòng đất… Kết hợp những nhân tố đó, nó trở thành một cái cây.

nhan qua 3

Đừng nói là một cái cây, mà ngay cả một hạt cát, nó cũng phải kết hợp năng lượng vạn vật trong vũ trụ này mới có thể sinh ra. Mỗi người đều có gia đình, trong gia đình lại có nhân duyên, nhân duyên vợ chồng, con cái.

Có nhân duyên tốt, có nhân duyên xấu, trong đó mỗi người chí hướng khác, có người có mặt này nhiều, mặt kia ít, có người mặt kia nhiều mặt này ít, cho nên, nhân duyên phải vừa đủ, nó mới trở thành thiện duyên. Đôi khi, dù chỉ là tình cờ, bạn nghe thấy tôi nói một câu nói vô tình nào đó, sau khi nghe xong, nó lại trở thành là duyên.

Duyên cần phải có điều kiện, không thể đơn độc tồn tại, ví như con người chúng ta thì không thể nào đơn độc tồn tại. Người thì cần phải có ăn cơm, mà có gạo thì cần có nông dân cấy trồng, cần mặc quần áo, mà quần áo thì lại cần có người dệt vải, cần mua sắm đồ dùng, cần có thương nhân, v.v., con người cần phải có rất nhiều nhân duyên mới có thể tồn tại.

Cũng chính bởi Nhân – Duyên – Quả là chân lý vĩnh hằng, nên cổ nhân vẫn dạy rằng: Làm người phải hành thiện, tích đức, làm nhiều việc tốt kết thiện duyên, như vậy mới có thể sống an lạc, đủ đầy.

Minh Vũ biên dịch

Xem thêm:

Từ Khóa: