Làm một người quân tử không dễ dàng, cần tiếp nhận giáo dục ‘lục nghệ’[1] rất nghiêm khắc, còn phải chú trọng tu dưỡng phẩm đức, tuân thủ các quy phạm lễ nghi.

Trong gia đình, Khổng Tử có vợ có con. Xuất thân từ gia đình thế gia, trong hàng nam đinh ở vị trí thứ 2, nhưng không phải là con trưởng.

Cha Khổng Tử là Khổng Ngột, tự Thúc Lương, là tướng quân nổi tiếng của nước Lỗ. Một năm, liên quân chư hầu tấn công Bức Dương, binh sỹ ngoài thành đánh tiến được vào cổng thành, quân giữ thành Bức Dương bỗng nhiên hạ cổng thành xuống. Thấy liên quân sắp bị chặn ở trong thành, Thúc Lương Ngột giơ hai tay đỡ cổng thành rất nặng đó, để tướng sỹ liên quân thoát ra ngoài thành. Ông được mọi người ca ngợi “người có sức mạnh như hổ”. Thân hình cao lớn “trường nhân” của Khổng Tử có lẽ cũng được di truyền từ cha. Đáng tiếc Khổng Tử mới vừa 3 tuổi thì cha qua đời.

Tổ tiên của Khổng Tử là quý tộc nhà Thương, do đó Khổng Tử lấy vợ cũng là hậu duệ của quý tộc nhà Thương, người đời sau gọi bà là Cơ Quan Thị. Khi ông bà sinh con trai, quốc quân nước Lỗ lúc đó tặng một con cá chép để chúc mừng, do đó con trai duy nhất của Khổng Tử được gọi là Khổng Lý (Lý có nghĩa là cá chép). Cháu của Khổng Tử là Khổng Cấp, tự Tử Tư, là tác giả của cuốn sách “Trung Dung”.

Hiểu được thân thế gia đình của Khổng Tử, chúng ta biết ông không phải là thân thế bình dân, mà là một quý tộc thuở xưa.

Bức tranh ‘Chiêu công ban thưởng cá chép đồ’. (Ảnh: epochtimes.com)

Về ăn uống, Khổng Tử  rất chú ý:

Trước mỗi bữa cơm, nhất định đều lấy một ít mỗi loại món ăn ra, để vào bộ đồ riêng để cúng dâng cho Trời, biểu thị cảm tạ đã được Trời ban cho, uống nước nhớ nguồn. Nào sợ cơm thô canh rau, củ quả lúa gạo ngày thường, ông cũng đều nghiêm túc kính cẩn dâng lễ, không vì lễ mọn mà phế bỏ lễ.

Khổng Tử rất chú ý về ăn uống: “Thịt, cá ôi, không ăn. Màu sắc biến đổi, không ăn. Mùi vị thay đổi, không ăn. Chế biến không thỏa đáng, không ăn. Không hợp thời giờ, không ăn. Cắt thái không đúng, không ăn. Không gia vị, không ăn”.

Mấy điều trước thì dễ lý giải, nhưng cắt thái không đúng, không gia vị thì tại sao lại không ăn?

Bởi vì thức ăn là do Trời ban tặng, không nên tùy tiện cắt thái tùy ý. Cũng vì ngũ vị đối ứng với ngũ tạng, có gia vị thì có ích đối với sức khỏe.

Khổng Tử còn nói: “Thịt thì có thể ăn nhiều một chút, nhưng không được ăn nhiều hơn ngũ cốc. Rượu không hạn lượng, nhưng không được uống say. Rượu, thịt mua ở chợ không sạch sẽ thì không ăn. Mỗi bữa đều ăn gừng, nhưng không ăn nhiều”.

Về trang phục, Khổng Tử cũng rất chú trọng:

Đỏ sẫm dải đen, xanh sẫm dải đỏ là màu sắc trang phục dùng cho trai giới và tang phục, không dùng làm trang sức riềm áo. Màu đỏ và màu tía dùng trong các lễ nghi long trọng không làm y phục ngày thường. Mùa hè mặc áo mỏng, ra ngoài phải mặc áo khoác. Y phục da mặc cùng với áo bào da dê non, y phục tơ trắng mặc cùng với áo bào da hươu non, y phục màu vàng mặc cùng với áo bào da cáo. Khi ngủ phải mặc quần áo ngủ. Áo ngủ dài đến nửa thân, dài hơn áo bình thường một chút. Mồng một hàng tháng, phải mặc triều phục đi triều kiến quốc vương.

Khổng Tử rất coi trọng phục sức lễ nghi. Bức ‘Hiếu kinh’ do người Tống vẽ. (Ảnh: epochtimes.com)

Về đối nhân xử thế

Gặp người mặc tang phục, cho dù quan hệ rất thân mật, biểu lộ tình cảm phải nghiêm trang. Gặp người công vụ hoặc người mù, cho dù rất thân quen cũng không được vượt quá lễ nghi. Tham dự các lễ nghi long trọng phải đoan trang nghiêm túc. Gặp gió to sấm sét phải thành kính tự kiểm điểm mình bày tỏ sự kính sợ đối với Trời.

Đối với bằng hữu

Bằng hữu chết không có người lo liệu làm việc tang, ông nói: “Tôi làm”.

Bằng hữu tặng, dù là đồ quý giá như xe ngựa, nhưng không phải thịt lễ để cúng tế Thần linh, thì cũng không lễ bái.

Hiểu được cuộc sống của Khổng Tử, chúng ta mới biết, đây là vị quân tử kính Trời thuận theo Đất, tuân thủ lễ nghi, coi trọng phẩm chất cuộc sống lại có nhân cách, cá tính.

Một bức tranh về Khổng Tử được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật St. Louis, Hoa Kỳ. (Ảnh: epochtimes.com)

Khổng Tử được gọi là ‘quân tử’ vì thời Khổng Tử vẫn chưa có từ ‘quý tộc’. Khổng Tử chính là quý tộc.

Làm một người quân tử không dễ dàng, phải tiếp nhận giáo dục ‘lục nghệ’ rất nghiêm khắc, còn phải chú trọng tu dưỡng phẩm đức, tuân thủ quy phạm lễ nghi – là trách nhiệm ‘làm gương’ mà xã hội thượng tầng, thượng lưu vĩnh viễn phải đảm nhận, lấy bản thân mình dốc sức giáo hóa dân chúng, từ cổ xưa đến nay đều như thế. Cũng do cực kỳ không dễ, nên đến đời sau, từ ‘quân tử’ trở thành từ chuyên dùng biểu thị người có đạo đức phẩm chất cao thượng.

Ngược với quân tử là tiểu nhân. Tiểu nhân không phải là người xấu, mà là người phổ thông, là những người ngoài quân tử (quý tộc) ra. Khổng Tử có nói: “Duy nữ tử và tiểu nhân là khó dạy bảo, gần thì nhờn mà xa thì oán”. Tiểu nhân ở đây là chỉ những người dân thường chưa được giáo dục giáo hóa.

Câu nói này của Khổng Tử bị nhiều người lên án nhất, cho rằng ông coi thường phụ nữ, coi phụ nữ đều là tiểu nhân. Tuy nhiên, đây là quan niệm thiên kiến, không xét đến ngữ nghĩa bối cảnh thời đó. Thời Khổng Tử trở về trước, chỉ con em hoàng thân quốc thích, quan tước quyền quý mới được tiếp thu giáo dục để nối dõi làm quan. Phụ nữ và con em bình dân không có cơ hội học hành, nên họ không hiểu đạo lý ở các tầng thứ cao hơn.

Khổng Tử là người đầu tiên đã đem cơ hội tiếp thu giáo dục mở rộng cho tất cả mọi người, đến cả tầng lớp bình dân, khi đó gọi là tiểu nhân. Ông đề xướng “Hữu giáo vô loại”, tức là giáo dục không phân biệt tầng lớp dòng dõi, ai cũng có thể nhận được cơ hội giáo dục. Và những ‘tiểu nhân’ kia khi đã được tiếp thu giáo dục, đạo đức thăng hoa, trí tuệ khai mở, thì họ đã trở thành ‘quân tử’ rồi.

Nhưng xã hội thời đó người ta vẫn chưa cho con gái, em gái của họ đi học. Vậy là do xã hội, đâu phải do Khổng Tử?

Hơn nữa, rõ ràng đây là lời nói riêng giữa phu tử và đệ tử, bởi vì Khổng Tử luôn chủ trương kính trọng vợ. Khi ông nói chuyện với Lỗ Ai Công về quan hệ phu thê, ông nói: “Ba bậc Thánh vương xưa là Nghiêu, Thuấn và Vũ, khi họ chấp chính, đều tôn trọng vợ, tuân theo đạo phu thê. Bởi vì quan hệ với vợ là chủ yếu nhất trong các quan hệ tình thân, làm sao có thể không tôn trọng họ được?”.

Nhưng khi cùng với học trò thì khác, ông nói ra một đạo lý cao hơn người thường, là đạo lý của người quân tử nhân đức vì nhân quần, vì xã hội, vì người khác, chứ không như ở tầng thứ người thường là vì cá nhân như nữ tử và tiểu nhân.

Bức ‘Đồng xa thứ thừa đồ’ do Minh Cừu Anh vẽ trong cuốn ‘Khổng Tử thánh tích đồ’. (Ảnh: epochtimes.com)

***

Đạo lý Khổng Tử giảng có nhiều tầng thứ, mỗi tầng thứ khác nhau có ngữ nghĩa khác nhau. Thế nên, những câu nói của ông dạy học trò khi họ đã có cảnh giới nhân sinh khá cao, đạo đức đã thăng hoa, thì yêu cầu phải cao hơn, vượt hơn cảnh giới người thường. Trở thành người quân tử cao thượng nhân đức, bao dung vị tha, thì ắt phải có chỗ đối lập với tầng thứ người thường thấp hơn, vì người thường là vị kỷ vị tư vì tình cảm riêng.

Sau này, khi đạo đức con người trượt dốc, thì cảnh giới nhân sinh, tâm cảnh con người cũng tụt xuống theo, thế nên người đời sau không hiểu được câu nói dành cho tầng thứ cao hơn đó, nên mới diễn giải sai thành Khổng Tử trọng nam khinh nữ, coi thường phụ nữ. Như thế chẳng phải ‘lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử’ đó sao?

Chú thích: ‘lục nghệ’[1] chỉ lễ nhạc xạ ngự thư số, bao gồm: Lễ nghi, nhạc vũ (âm nhạc vũ đạo), bắn cung, đánh xe, thư pháp, lý số 

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch