Khi các chuyên gia đều có cùng một nhận xét, ảo tưởng của Bắc Kinh rằng họ có thể “cứu nền kinh tế” giờ đã gần như tan vỡ, ngay cả một nhóm “bạn cũ” và “bạn lớn” của ĐCSTQ cũng bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là vào năm 2024.
Mới đây, chuyên gia gốc Hoa về các vấn đề Trung Quốc, Vương Hách, (王赫) đăng bài báo chỉ ra rằng, năm 2021, chính phủ Trung Quốc ca tụng “phương Đông trỗi dậy, phương Tây suy tàn”, nhưng năm 2022, tình thế đã hoàn toàn đảo ngược, và lý thuyết “kinh tế Trung Quốc thoái trào” đã trở nên phổ biến trong cộng đồng quốc tế.
Vào năm 2023, thị trường kinh tế Trung Quốc rung chuyển. Theo tác giả, ảo tưởng của Bắc Kinh rằng họ có thể “cứu nền kinh tế” đã tan vỡ, sự hiểu biết trong và ngoài nước về xu hướng kinh tế của Trung Quốc đã nhất quán chưa từng có, ngay cả một nhóm “bạn cũ” và “bạn lớn” của ĐCSTQ cũng bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là vào năm 2024.
Vào ngày 27 tháng 3, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp và học viện chiến lược Hoa Kỳ, dư luận nói rằng Trung Quốc đã đạt đỉnh và giờ đang ở bên kia con dốc.
Trong hai ngày 1 và 2/4, Đài Á Châu Tự Do liên tục phát sóng cuộc phỏng vấn độc quyền với Stephen Roach, cựu kinh tế trưởng và là Chủ tịch châu Á của ngân hàng Morgan Stanley.
Người được mệnh danh là “cực kỳ lạc quan về Trung Quốc” này đã được mời tham gia “Diễn đàn Phát triển Trung Quốc” trong 24 năm liên tiếp kể từ năm 2001. Tại cuộc họp thường niên từ ngày 24 đến 25 tháng 3, chuyên gia kinh tế Roach đưa ra ba điểm:
Thứ nhất, Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về tăng trưởng trung và dài hạn, như sự suy giảm lực lượng lao động và suy giảm năng suất tổng hợp, và Trung Quốc có thể sẽ theo chân Nhật Bản.
Thứ hai, sự phản kháng về cơ cấu đã gây ra tình trạng kém hiệu quả trong dài hạn của người tiêu dùng Trung Quốc, và cần phải cải cách an sinh xã hội để giảm bớt khoản tiết kiệm phòng ngừa quá mức do sợ hãi gây ra.
Thứ ba, xung đột Mỹ-Trung vẫn là một thách thức lớn đối với cả hai nước và thế giới. Ông cũng khuyến nghị thông qua việc thiết lập Cơ cấu tham gia mới do Ban Thư ký Thường trực Hoa Kỳ-Trung Quốc xây dựng sẽ thể chế hóa quy trình giải quyết xung đột.
Theo chuyên gia gốc Hoa về các vấn đề Trung Quốc Vương Hách, chuyên gia kinh tế Roach đã xác định được mấu chốt của nền kinh tế Trung Quốc và tình thế của ĐCSTQ. Đây thực ra là sự đồng thuận của cộng đồng đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc chưa chắc đã chấp nhận những đánh giá và khuyến nghị của chuyên gia, thậm chí có chấp nhận thì cũng khó vận hành. Ví dụ, chuyên gia kinh tế Roach đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách của ĐCSTQ trong 15 năm liên tiếp thúc đẩy việc tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu dùng.
Chuyên gia Vương Hách nêu một ví dụ khác, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ không còn có thể kiềm chế được nữa, và “cạnh tranh chiến lược cực đoan” Trung – Mỹ sẽ chỉ ngày càng khốc liệt hơn. “Ý tưởng Ban thư ký thường trực Mỹ-Trung” của Stephen Roach sẽ không được cả hai bên chấp nhận.
Theo ông Vương, một đòn giáng mạnh hơn vào chuyên gia Roach là việc ĐCSTQ cấm ông phát biểu trước công chúng liên quan đến các vấn đề Hồng Kông. Stephen Roach nói: “Tôi đã viết một số bài báo, một trong số đó có tiêu đề ‘Hồng Kông đã kết thúc’, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tương lai của Hồng Kông. Điều này đã chạm đến một số vấn đề nhạy cảm ở Bắc Kinh, và chính vì lý do này mà họ yêu cầu tôi không nói về vấn đề này tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc”.
Chuyên gia Roach chỉ trích Diễn đàn Phát triển Trung Quốc lần này có nhiều hạn chế hơn những lần trước. Trước, trong và sau sự kiện, ban tổ chức đều nói rõ rằng họ không muốn nghe công khai những câu hỏi hóc búa và chỉ muốn tập trung vào “quan điểm mang tính xây dựng đối với Trung Quốc”.
Ông cũng tuyên bố rằng 8 đại diện học thuật và doanh nghiệp Hồng Kông đã không phản ánh trung thực tình hình ở Hồng Kông trong thời gian họ ở Bắc Kinh.
Chuyên gia kinh tế Roach lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không bền vững. Ray Dalio, một ông trùm khác ở Phố Wall và là người sáng lập quỹ phòng hộ Bridgewater của Mỹ, đã đăng một bài viết dài trên LinkedIn vào ngày 27/3, nói rằng ĐCSTQ đang phải đối mặt với một “cơn bão một thế kỷ mới có một lần”, trong số đó có năm thách thức lớn là gánh nặng nợ nần và già hóa dân số, khoảng cách giàu nghèo và xung đột liên quan đến giá trị, xung đột địa chính trị Trung-Mỹ, thiên tai và sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Ông trùm Dalio nói: “Quan điểm của tôi là những gì đang xảy ra hiện nay và sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình phải được nhìn trong bối cảnh của một chu kỳ lớn hơn. Nói cách khác, điều quan trọng là phải phân biệt giữa những quân bài mà ông Tập nắm giữ và cách ông ấy chọn chơi chúng”.
Ông trùm phố Wall đánh giá rằng, cách tiếp cận theo chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mao dường như là hướng đi mà ông Tập đã chọn để cai trị đất nước.
Tương tự như lời phàn nàn của chuyên gia kinh tế Roach về việc không thể thảo luận các vấn đề một cách tự do và cởi mở, ông trùm phố Wall, Dalio, nói: “Trở ngại là cách làm truyền thống của lãnh đạo ĐCSTQ không phải là giao tiếp trực tiếp hơn và cởi mở hơn, mà họ đang quay lại trạng thái khép kín hơn của thời kỳ Mao. Nên rất dễ hiểu khi có rào cản giao tiếp như vậy”.
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon, với tư cách là Giám đốc điều hành tại vị lâu nhất của một ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, phát biểu một cách khéo léo hơn nhiều so với các chuyên gia kinh tế Roach và Dalio.
Vào ngày 17 tháng 1, trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Mỹ CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Giám đốc điều hành Dimon cho biết, các nhà đầu tư vào Trung Quốc cần phải “đau khổ một chút” vì “lợi nhuận rủi ro đã thay đổi đáng kể”.
Sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1, Lawrence Summers, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ và là Hiệu trưởng Đại học Harvard, cho biết, có những lo ngại tiềm ẩn lớn về triển vọng kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tiết kiệm dư thừa, đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, v.v.
Ông cảnh báo rằng trong điều kiện nhu cầu tổng thể không đủ và giảm phát, nguy cơ nợ xấu tồn đọng của Trung Quốc sẽ chỉ trở nên nặng nề hơn và rơi vào vòng luẩn quẩn.
Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên nước ngoài, Cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Summers cho biết, những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt tương tự như những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt trong những năm 1990. Hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ không mắc sai lầm như Tokyo, đánh giá sai chính sách kinh tế vĩ mô và khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài hàng chục năm.
Bert Hofman, cựu kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là cựu giám đốc Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới, hiện là giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore.
Ông tin rằng trước đây, nền kinh tế Trung Quốc dựa vào đầu tư lớn, kéo người dân rời khỏi khu vực nông thôn để tham gia vào nhiều hoạt động sản xuất hơn, ăn cắp công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và có lợi thế nhờ lợi tức nhân khẩu học. Bây giờ, những thứ này đã biến mất. Trong quá trình tăng trưởng trước đây của Trung Quốc, “cải cách” là yếu tố quan trọng nhất.
Cải cách là phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Cựu kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho hay: “Với những chính sách đúng đắn, Trung Quốc vẫn có thể duy trì tăng trưởng”, nhưng tiền đề đặt ra là liệu Trung Quốc có thể duy trì được con đường cải cách kinh tế hay không? Ông dự đoán xu hướng GDP trong 15 năm tới của Trung Quốc bằng ba kịch bản chính và cho rằng, việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vào công nghệ là vô ích.
Quan điểm của Cựu kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhất quán với quan điểm của Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva. Ngày 24/3, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, bà Georgieva phát biểu rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang ở “ngã ba đường”, và phải lựa chọn giữa các chính sách trong quá khứ, hoặc “cải cách theo hướng thị trường” để giải phóng sức sống tăng trưởng kinh tế.
Song theo chuyên gia gốc Hoa về các vấn đề Trung Quốc Vương Hách, vấn đề là, mặc dù chính quyền Trung Quốc vốn đang nghiêng về cánh tả, vẫn nói về “cải cách và mở cửa” nhưng thực tế làm sao họ có thể thực hiện được “cải cách theo hướng thị trường”? Vào ngày 11 tháng 3, “Báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên năm 2024” do Văn phòng Giám đốc Tình báo Hoa Kỳ công bố cho biết: “Bắc Kinh hiểu vấn đề, nhưng họ đang tránh cải cách vì nó đi ngược lại các ưu tiên của ông Tập Cận Bình về sản xuất và đầu tư công nghiệp do nhà nước lãnh đạo”.
Hơn nữa, ĐCSTQ càng ngày càng cứng nhắc, chỉ muốn nghe cái gì tốt, muốn nghe những điều muốn nghe, nếu những người “bạn lớn”, và “bạn cũ” không muốn bị cấm thì họ phải tự kiểm duyệt. ĐCSTQ cuối cùng sẽ trở thành một chế độ đơn độc.