Sau 22 tháng khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, công ty vận hành tuyến đường này là Hanoi Metro đã báo lỗ nặng. 

Theo truyền thông trong nước dẫn Báo cáo tài chính của Hanoi Metro cho thấy, tàu Cát Linh-Hà Đông đang đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng.

Tuyến Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2022, do Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vận hành khai thác.

Số liệu báo cáo từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, tính tới hết tháng 8/2023, đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận chuyển được gần 16 triệu lượt khách, bình quân khoảng 30.000 lượt khách/ngày. Trong đó, đa số khách sử dụng vé tháng (khoảng 60%), riêng giờ cao điểm tỷ lệ khách sử dụng vé tháng lên tới 80%. Doanh thu từ vé tháng năm 2022 đạt hơn 66 tỷ đồng.

Tổng doanh thu từ bán vé mang lại cho Hanoi Metro gần 120 tỷ đồng. Trong đó, hai tháng cuối năm 2021 tuyến đường sắt này vận chuyển hơn 870.000 lượt khách, doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Năm 2022, lượng khách đi tàu tăng lên hơn 8,2 triệu lượt, doanh thu hơn 66 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm nay, tuyến đường này vận chuyển hơn 6,7 triệu lượt khách, doanh thu gần 48,3 tỷ đồng.

Bộ GTVT đánh giá, lượng khách tiêu thụ và doanh thu hàng năm đều tăng.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của Hanoi Metro, tính tới hết tháng 6 năm nay, công ty có tổng tài sản hơn 3.077 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 52 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Tất cả khoản nợ này đều là nợ ngắn hạn. Do đó, công ty đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng; lỗ sau thuế luỹ kế hơn 28 tỷ đồng.

Năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu vận chuyển hơn 10,6 triệu lượt khách, doanh thu gần 74 tỷ đồng. Riêng chi phí quỹ lương hơn 97 tỷ đồng, nên nếu xét riêng hoạt động chính công ty lỗ hơn 23,5 tỷ đồng.

Trước đây, năm 2011, sau khi Hanoi Metro báo cáo tài chính lỗ lũy kế gần 160 tỷ đồng, Hà Nội đã đưa ra nhiều nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đã điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có lộ trình trùng với tuyến đường sắt số 2A, bổ sung các tuyến xe buýt mới đi từ các nhà ga, mở mới các bãi đỗ xe gần các nhà ga để tăng sự khớp nối trong hệ thống giao thông chung nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị. Ngoài ra, công ty sẽ đẩy mạnh khai thác thương mại trên toàn tuyến để tạo thêm nguồn thu, bù đắp số lỗ luỹ kế.