91 núi lửa nằm sâu dưới lớp băng đá Tây Nam Cực vừa được phát hiện làm dấy lên lo ngại một đợt phun trào có thể gây mất ổn định cả lục địa và làm nước biển dâng cao.

Một nhóm các nhà địa chất học tại Đại học Edinburgh đã tìm thấy 91 núi lửa với chiều cao từ 100-4.000 m, sâu khoảng 2 km dưới đáy lớp băng tuyết của Tây Nam Cực. Cộng thêm với 47 núi lửa đã biết trước đó, Nam cực giờ đây được cho là nơi có mật độ núi lửa dày đặc nhất thế giới, Iflscience đưa tin hôm 13/8.

“Chúng tôi đã bất ngờ trước số lượng núi lửa tại đây. Rất có thể vẫn còn nhiều núi lửa khác nằm dưới đáy biển, bên dưới thềm băng Ross”, Robert Bingham, chuyên gia từ Đại học Edinburgh, cho biết.


Bản đồ vành đai núi lửa mới được khám phá tại Nam Cực (Ảnh: Iflscience)

Để thu được kết quả trên, các nhà khoa học đã sử dụng radar đo đạc xuyên băng, lắp đặt trên máy bay, quét toàn bộ rìa phía tây của Nam Cực. Kết quả sau đó được so sánh với dữ liệu vệ tinh, thông tin địa chất, và dữ liệu phân tích từ nhiều nghiên cứu trong quá khứ. Việc hầu hết núi lửa ở đây có hình nón cho thấy chúng không bị xói mòn băng giá – đồng nghĩa với việc chúng khá trẻ.

Tình trạng hoạt động của các núi lửa trên hiện chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại hiện tượng ấm lên toàn cầu trong những năm gần đây có nguy cơ khiến những ngọn núi lửa này thức giấc.

Đằng sau vẻ bề ngoài yên bình của Nam Cực là nguy cơ của những trận phun trào núi lửa một khi các lớp băng tan dần và mỏng đi (Ảnh: Iflscience)

“Khi lớp băng phía trên tan đi, áp lực lên các núi lửa bên dưới sẽ được giải phóng, điều này có khả năng dẫn tới những vụ phun trào”, Bingham cho biết.

Các vụ phun trào núi lửa có thể không tiến tới bề mặt nhưng có thể làm tan băng từ bên dưới và làm mất ổn định nó. Nghiêm trọng hơn, ông Bingham cảnh báo khi một núi lửa phun trào, nó sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền kích thích sự phun trào tại các núi lửa còn lại, gây mất ổn định toàn bộ Nam Cực và khiến nước biển dâng ở mức báo động.

Hoài Anh

Xem thêm: