“Rồng biển là một loài cá với vẻ đẹp mê hồn… Hình dáng bên ngoài giúp chúng ngụy trang giữa lớp cỏ biển và tảo bẹ trong vùng nước nông ở bờ biển phía nam Australia”, các nhà nghiên cứu viết.

Trong 150 năm, các nhà khoa học chỉ biết đến sự tồn tại của hai chủng loại rồng biển: rồng biển lá (Phycodurus eques) và rồng biển cỏ (Phyllopteryx taeniolatus). Nhưng một bài báo trên tạp chí Royal Society Open Science của Anh đã tuyên bố việc phát hiện được một chủng loại thứ ba, với tên gọi là rồng biển ruby (Phyllopteryx dewysea) do màu sắc đỏ tươi đáng kinh ngạc của nó. Mới được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Nam Australia, rồng biển thuộc cùng một họ với loài cá ngựa: Họ Cá chìa vôi (Syngnathidae).

Loài rồng biển này được phát hiện lần đầu tiên sau khi một con đực bị bắt trong một cuộc khảo sát đa dạng sinh học sử dụng lưới vét vào năm 2007. Ban đầu, các nhà khoa học nghĩ đây là loài rồng biển lá thông thường. Nhưng kết quả DNA lại cho thấy sự khác biệt. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng họ đã phát hiện được một thứ gì đó mới. Họ liền đi tra lại trong các mẫu vật của bảo tàng để xem nếu có ai khác từng thu thập được chủng loại mới này chưa. Có 3 mẫu vật khác được tìm thấy trong ngăn kéo.

“Loài rồng biển mới này gia nhập bộ sưu tập của Bảo tàng Tây Australia vào năm 1919, và nằm ở đó mà chưa được xác nhận trong gần một thế kỷ”, đồng tác giả Nerida Wilson thuộc Bảo tàng Tây Australia nói. “Việc nhận ra được chủng loại mới này cho thấy cách bộ sưu tập của bảo tàng củng cố cho các khám phá đa dạng sinh học”.

Cùng với nghiên cứu ADN, đội ngũ cũng chụp cắt lớp CT của một trong những mẫu vật trên.

“Bản chụp cho chúng ta 5.000 lớp cắt tia X-quang mà chúng ta có thể tập hợp thành môt mô hình 3-D xoay tròn của chủng loại rồng biển mới”, theo trưởng nhóm tác giả Josefin Stiller. “Sau đó chúng ta có thể xem một vài đặc điểm đặc biệt của khung xương. Chúng khá khác so với hai chủng loại trước. Từ đó củng cố cho bằng chứng về mặt di truyền này”.

Loài rồng biển trước nguy cơ tuyệt chủng

Là một sinh viên cao học ở Viện nghiên cứu Scripps, Stiller là người đầu tiên tìm thấy mẫu vật con đực, lúc đó đang mang thai. Giống như cá ngựa, rồng biển đực giữ trứng [đã được thụ tinh].

Các nhà khoa học tin rằng phải mất một khoảng thời gian dài như vậy để phát hiện ra chủng loại rồng biển mới này vì nó được tìm thấy ở tầng nước sâu hơn ngoài khơi, có thể còn xa hơn khu vực lặn biển giải trí. Môi trường sống ở tầng nước sâu hơn cũng có thể lý giải cho màu sắc đỏ đậm của nó.

Các nhà nghiên cứu viết: “Mặc dù đỏ là một màu khá nổi bật khi mang ra khỏi nước, nhưng ánh sáng đỏ sẽ nhanh chóng hấp thụ theo độ sâu và vì vậy hình dáng màu đỏ bên ngoài có thể làm loài rồng biển trông có vẻ bí ẩn hơn”.

Màu đỏ cũng sẽ mờ dần không lâu sau khi chúng bị mang ra khỏi nước biển, từ đó khiến chúng ta khó nhận biết được rằng đây là một loài hoàn toàn khác biệt.

Trước lượng thông tin còn ít ỏi về chủng loại rồng biển mới này, các nhà nghiên cứu cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa trước khi các nhà bảo tồn quyết định xem có nên liệt nó vào danh sách nguy hiểm không.

“Hiện nay, số lượng tư liệu còn ít ỏi ở phía tây nam Australia về chủng loại rồng biển mới này không thể đưa ra một bức tranh thỏa đáng về khu vực phân bổ của chúng”, theo các nhà nghiên cứu. “Hơn thế nữa, các tư liệu ngoài khơi thành phố Perth đã được gần 60 tuổi và không rõ Phyllopteryx dewyse có còn xuất hiện trong khu vực này không. Quá trình đô thị hóa xung quanh khu vực Perth là khá nổi trội trong thế kỷ vừa qua, bao gồm các thay đổi trong chất lượng nước và sinh thái thực vật, những điều có thể cũng đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ngoài khơi”.

Hai chủng loại rồng biển khác đã được liệt vào danh sách Gần tuyệt chủng. Chúng bị đe dọa bởi sự hủy hoại môi trường sống, sự thoái biến, và khả năng vô tình bị lọt lưới trong quá trình đánh bắt thủy sản. Cũng có một số lo ngại về hành vi thu thập rồng biển phục vụ cho mục đích thương mại.

Mặc dù được gọi là rồng biển ruby, nhưng chủng loại mới này thực ra được đặt tên theo Mary “Dewy” White, nhà đồng sáng lập Quỹ Lowe Family, người đã hỗ trợ nghiên cứu này.

“Tôi luôn luôn bị hấp dẫn với đời sống thủy sinh, đặc biệt là với loài rồng biển, thế nên đây là một phát hiện tuyệt vời”, ông White nói. “Con người luôn nói về việc đi ra ngoài không gian nhưng họ lại quên mất rằng chúng ta có cả một đại dương ở đây trên Trái đất. Đối với tôi, việc nghiên cứu và bảo tồn đại dương là điều quan trọng nhất. Và chúng ta cần phải làm những gì có thể để khuyến khích và ươm mầm công cuộc khám phá đại dương”.

Trích dẫn tài liệu của: Josefin Stiller , Nerida G. Wilson , Greg W. Rouse. Một chủng loại mởi tuyệt vời của rồng biển (Syngnathidae). Royal Society Open Science, tháng 2 năm 2015 DOI: 10.1098/rsos.14045

Bài viết được đăng lại với sự cho phép, đọc bản gốc ở đây.
Jeremy Hance, news.mongabay.com
Biên dịch: Quý Khải; Biên tập: Phan A