Phóng đi hàng trăm quả rocket và cày nát toàn bộ mục tiêu trong vòng vài giây là cách loại vũ khí hùng mạnh với cái tên âu yếm “Kachiusa” hủy diệt cơ sở vật chất và tinh thần chiến đấu của phát xít Đức.

Ngày 21 tháng 6 năm 1941, một ngày trước khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, chính phủ Xô Viết đã ra quyết định sản xuất hàng loạt các hệ thống pháo phản lực “Kachiusa” để sẵn sàng nghênh địch. Đây là hệ thống pháo phản lực đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong thực tế chiến tranh. 

Xe phóng hỏa tiễn Kachiusa (Ảnh: youtube.com)

Vì là hệ thống đầu tiên được phát triển, quân đội Đức đã chịu phen kinh hãi trước những đợt tấn công của loại vũ khí này. Một cựu chiến binh Đức kể lại rằng: “Tôi và những binh sĩ Đức còn sống sót sau lần đầu chịu đựng hỏa lực và tiếng gầm thét của “Kachiusa” hầu như không còn tinh thần để chiến đấu nữa”.

Những xe phóng đầu tiên

Cách thức tấn công của Kachiusa không mới. Trong lịch sử, các xe phóng tên lửa cỡ nhỏ đã xuất hiện từ thế kỉ 14. Chẳng hạn, hệ thống Hwacha của Triều Tiên xuất hiện vào giữa thế kỉ 15 có 100 ống phóng, mỗi ống bắn ra những mũi tên dài 1m gắn thuốc phóng và đôi khi là cả thuốc nổ ở đầu đi xa 100m, thậm chí tới 400 – 500 m nếu được đặt trên cao điểm. Những mũi tên này đủ sức xuyên thủng mọi loại áo giáp và lá chắn. Tuy nhiên, đến trước khi Kachiusa ra đời, về cơ bản lĩnh vực pháo phản lực phóng loạt không có bước tiến gì đáng kể.

“Siêu hỏa tiễn” Hwacha của Triều Tiên (Ảnh: b2b.mekia.net)

Vào những năm 30 của thế kỷ 20, đạn rocket phát triển mạnh cho mục đích gắn trên máy bay chiến đấu. Tiêu biểu là đạn rocket 82 mm cho máy bay tiêm kích để tiêu diệt các mục đích trên bộ và trên không.

Đến năm 1937, loại rocket phản lực 132 mm có sức công phá lớn cũng trải qua các thử nghiệm và được tiếp nhận trang bị cho máy bay ném bom tốc độ. Ban đầu các công trình sư chỉ định sử dụng chúng cho máy bay, tuy nhiên họ cũng cân nhắc loại vũ khí này cho mục đích tấn công mặt đất.

Đạn rocket ban đầu được phát triển chủ yếu cho mục đích gắn trên tiêm kích chiến đấu (Ảnh: Pinterest)

Kết quả các cuộc thử nghiệm đầu tiên năm 1938 không tốt đẹp chút nào. Đại tá V.Glukhov, người đã làm việc khá lâu trong bộ phận sáng chế quân sự kể lại về một trong những cuộc họp thời gian đó: “Các nhà thiết kế tên lửa nhận được câu hỏi: thế nào, thế vấn đề bắn chụm của các vị ra sao?”

“Họ trả lời: kém hơn vài lần so với đại bác. Trong phòng họp cười. Thế còn độ chính xác thì sao? Cũng tồi hơn đại bác. Lại nghe tiếng cười. Thế còn tiêu tốn thuốc súng thì thế nào? Thuốc súng thì lại cần nhiều hơn vài lần so với đại bác. Lúc đó thì hầu như cả phòng họp cười ầm”.

Tuy nhiên, các công trình sư không nản chí, họ nỗ lực hoàn thiện và dần dần các thiết bị này trở nên hiệu quả và uy lực. Đến tháng 6/1941, loạt hàng mẫu BM-13 đầu tiên được sản xuất để đem ra thử nghiệm thực địa.

Loạt bắn thử nghiệm của Kachiusa đã khiến các tướng lĩnh Liên Xô sửng sốt (Ảnh: Pinterest)

Chỉ trong vài giây, mỗi xe phóng đi 16 quả rocket 132mm hoặc 32 rocket 82 mm khiến toàn bộ khu vực mục tiêu biến thành bình địa và xe phóng sau đó chỉ mất vài phút để di chuyển sang vị trí khác để tránh hỏa lực đối phương, đây là điều không thể có được ở các khẩu pháo truyền thống. Kết quả ấn tượng đã khiến các tướng lĩnh quân đội Xô Viết ngay lập tức ra quyết định đưa hệ thống vào sản xuất hàng loạt.

Sức mạnh đáng sợ

Theo đánh giá của các nhà sử học, chính hoả tiễn Kachiusa đã đóng một vai trò quyết định trong nhiều trận chiến đấu quan trọng của cuộc chiến tranh Vệ quốc và tiên liệu cho chiến thắng của Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít.

Sức mạnh của “Kachiusa” không chỉ nhờ khả năng sát thương lớn mà còn thông qua việc gây ra một sức ép tâm lý cực lớn với tiếng hú đặc trưng của mình.

“Phải thú thật là sau loạt bắn đầu tiên tôi ướt hết cả quần vì sợ. Gần một tuần chúng tôi mới quen được với tiếng hú của đạn và tiếng rầm rầm như nuốt hết tất cả”, đó là lời của ông Ivan Dmitrievich Dunaev, cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, người chỉ huy “Kachiusa” từ năm 1941 cho đến tận ngày chiến thắng.

Điều này thể hiện rõ nét trong lần xuất trận đầu tiên của hoả tiễn Kachiusa tại thành phố Orsa, tỉnh Vichepsk ở Belarusia. Là một vị trí chủ chốt, để kẻ thù không thể chiếm được vũ khí đạn dược cũng như tàn phá các cơ sở công nghiệp tại đây, loại vũ khí mới đã được Hồng quân đưa vào sử dụng lần đầu tiên ngày 14/7/1941 với kết quả ngoài sức tưởng tượng.

Quân Đức thực sự hoảng loạn sau lần tấn công đầu tiên của Cachiusa tại Orsa (Ảnh: Pinterest)

16 viên hoả tiễn được phóng đi trong vòng 15 đến 20 giây với tầm xa đến 8 km. Quân phát xít còn chưa kịp hiểu chuyện gì xẩy ra thì tất cả các căn cứ đã biến thành địa ngục lửa. Sau đó nhiều tháng, tình báo phát xít vẫn chưa thể xác định được đây là loại vũ khí gì, và đành phải báo cáo lên cấp trên rằng, quân đội Nga đang sở hữu loại “đạn lửa tự động khủng khiếp”.

Trong những tài liệu mật của Đức có những thông báo về “đại bác phun lửa tự động nhiều nòng của Nga”. Những binh sĩ Đức còn sống sót sau lần đầu chịu đựng hỏa lực và tiếng gầm thét của “Kachiusa” hầu như không còn tinh thần để chiến đấu nữa, vì bị sát thương, hoặc là bị điếc hay chết lặng vì hoảng sợ.

Tiếng hú kinh hoàng của dàn hỏa tiễn Kachiusa (Nguồn: Youtube)

Sau những loạt Kachiusa, lính Đức phát điên chạy ra khỏi hầm hố và làm mồi cho những loạt tiếp theo. Kachiusa phá tan, san bằng các loại công sự, đốt cháy cả tuyết! Có lần nó còn phá huỷ toàn bộ cả một cụm xe tăng Đức vào ban đêm sau kết quả trinh sát của lính Nga.

Người Đức cố gắng chiếm được dù một khẩu “Kachiusa” bằng mọi giá. Tuy nhiên chỉ huy Xô viết đã hạ lệnh cho Hồng quân phá hủy “Kachiusa” trong trường hợp rút lui, để loại vũ khí này không rơi vào tay kẻ thù.

Các binh lính đang chuẩn bị một trận địa Kachiusa (Ảnh: alamy.com)

Một sĩ quan Đức bị bắt làm tù binh, sau những trải nghiệm khi “Kachiusa” xung trận, tại cuộc hỏi cung đã nói: “Tôi đã bị thương nặng và chẳng bao lâu nữa sẽ chết. Tôi sẽ không thể đưa bí mật của các ông cho ai. Nhưng hãy nói cho tôi trước khi tôi chết – đó là cái gì thế? Cái gì đáng sợ đã rót lửa xuống chúng tôi, nó thật khủng khiếp?”.

Loại vũ khí mang cái tên dịu dàng của cô gái Nga

Tên chính thức của các dàn hỏa tiễn phóng loạt trong chiến tranh Vệ quốc là BM -13 nhưng từ lâu, với người dân nước Nga, loại vũ khí này mãi mãi đi vào tâm trí với cái tên Kachiusa.

Katyusha là bài hát nổi tiếng của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc và là một trong những bài hát lừng danh nhất nước Nga nói về một người con gái chờ đợi người yêu của mình, khi đó đang phục vụ trong quân đội. Và có lẽ niềm tin vào sức mạnh của loại vũ khí này sẽ giúp đánh đuổi quân thù, sớm mang lại bình yên cho tổ quốc, trở về với người con gái nơi hậu phương đã khiến những người lính Xô viết đặt tên cho loại vũ khí này như vậy.

Bài hát Kachiusa mang vẻ đẹp của những cô gái Nga nơi hậu phương (Ảnh: youtube.com)

Loại vũ khí hùng mạnh với cái tên âu yếm “Kachiusa” là một trong những át chủ bài đóng góp to lớn và chiến thắng của những người con nước Nga trước cuộc xâm lăng của phát xít Đức.

Những biến thể hiện đại

Thế chiến II kết thúc cũng là lúc uy danh của Kachiusa lan ra thế giới. Rất nhiều quốc gia nhanh chóng nhận ra sự lợi hại của loại vũ khí này và nhanh chóng phát triển các hệ thống cho riêng mình.

Các nhà máy quốc phòng của Liên Xô cũng cải tiến không ngừng Kachiusa và ra mắt hàng loạt các biến thể với cỡ đạn và tầm bắn khác nhau được gắn trên xe tải hoặc xe bánh xích như BМ-21, BМ-27, ТОS-1 và mạnh nhất hiện nay là tổ hợp BМ-30 Smerch. 

BМ-30 Smerch – Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt mạnh nhất của Nga (Ảnh: Military-Today.com)

Được phát triển trong những năm 1970 và chính thức đi vào biên chế năm 1987, BM-30 mang 12 ống phóng 300mm, tốc độ bắn tối đa 10 giây, thông thường 20 giây và chỉ mất 36 phút để tái nạp đạn. 

Không chỉ bắn nhanh, BM-30 còn được trang bị các hệ thống cảm biến và tính toán mạnh, máy bay không người lái cho phép tự trinh sát, tính toán và dẫn đường đầu đạn. Nhờ đó, nó hoạt động nhanh, mạnh và chính xác từ cự li 70–90 km.

Ngày nay, pháo phản lực bắn loạt đã trở thành một hệ thống vũ khí không thể thiếu trong trang bị của hầu hết các quốc gia và tất cả đều bắt nguồn từ cái tên Kachiusa đầy cảm hứng.

Hoài Anh