Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Gần đây chúng ta đã nói về rất nhiều dự ngôn, cũng đề cập đến không ít tai nạn: Núi lửa phun trào, động đất lớn, đảo cực từ của Trái Đất, sao chổi va vào Trái Đất, v.v. Có người nói rằng, nếu những dự ngôn này trở thành hiện thực, thì chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên đại tuyệt chủng các loài.

Đại tuyệt chủng các loài

Kỳ thực Trái Đất trong cuộc đời lâu dài và chậm rãi của nó, đã trải qua không chỉ một cuộc khủng hoảng như vậy. Giới khoa học tin rằng, trong hơn 500 triệu năm qua, những cuộc tuyệt chủng các loài quy mô lớn đã phát sinh ít nhất 5 lần trên Trái Đất, dẫn đến 75% đến 90% vật chủng trên Trái Đất biến mất trong nháy mắt. Sự tuyệt diệt của loài khủng long từ 66 triệu năm trước chính là lần gần đây nhất.

Khủng long bị tuyệt diệt như thế nào? Giới khoa học hiện nay thường tin rằng đó là kết quả của một tiểu hành tinh va vào Trái Đất. Sau khi hứng chịu một cú đấm rất mạnh, mặt đất bắt đầu chảy máu, một lượng lớn magma phun trào, tro bụi dày đặc cản trở ánh sáng Mặt Trời khiến nhiệt độ trên Địa Cầu giảm mạnh, sinh vật không thể sinh tồn, sự tuyệt diệt trên diện tích lớn bắt đầu.

Vậy còn bốn đợt tuyệt chủng hàng loạt còn lại thì sao? Lần tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên xảy ra cách đây hơn 400 triệu năm, nguyên nhân trực tiếp là do một vụ nổ siêu tân tinh. Tia gamma thoát ra sau vụ nổ đã phá hủy tầng ozone của Trái Đất, khiến tia cực tím từ Mặt Trời chiếu vào, làm gần như mọi sinh vật trên Trái Đất đều bị cháy nắng đến chết.

Sau gần 100 triệu năm, Trái Đất một lần nữa tràn đầy sức sống, thực vật bắt đầu sinh sản với số lượng lớn. Tuy nhiên, quá nhiều thực vật cũng gây ra nhiều vấn đề, đó là hàm lượng oxy trong khí quyển Trái Đất tăng lên rất nhiều, lượng carbon dioxide lại giảm đáng kể, khiến Trái Đất biến lạnh, tiến vào kỷ băng hà, nhiều sinh vật bị đóng băng đến chết, một lần tuyệt diệt sinh vật hàng loạt khác lại xuất hiện.

100 triệu năm sau, tức gần 250 triệu năm trước, magma dưới lòng đất ở Siberia đột nhiên bắt đầu phun trào trên quy mô lớn, khiến gần như toàn bộ sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn bị tuyệt chủng. Đây cũng là sự kiện tuyệt chủng các loài lớn nhất trên Trái Đất, vào thời đại đó, toàn bộ loài bọ ba thùy từng thống trị Trái Đất giống như khủng long đều biến mất.

Gần 50 triệu năm sau, một sự kiện tuyệt diệt hàng loạt khác xảy ra. Lần này không rõ vì lý do gì, đối thủ của loài khủng long trên đất liền đã bị tiêu diệt chỉ sau một đêm. Sau đó, tộc khủng long phát triển mạnh, cuối cùng thống trị Trái Đất. Nhưng, như chúng tôi đã nói lúc đầu, khủng long cuối cùng cũng không thoát khỏi số phận tuyệt chủng.

Thuyết tai biến

Nói đến đây, có thể sẽ có người hỏi, cái mà bạn đang nói là có mũi có mắt, nhưng người hiện đại chúng ta làm sao biết chuyện gì đã xảy ra cách đây hàng trăm triệu năm? Các nhà khoa học nói, chúng ta có hóa thạch. Bạn thấy đấy, tất cả hóa thạch khủng long có thể tìm thấy ngày nay đều có niên đại từ 66 triệu năm trước, trong khi hóa thạch bọ ba thùy không còn được tìm thấy sau 260 triệu năm. Ngoài ra còn có nhiều hóa thạch khác của các sinh vật thời tiền sử cho thấy Trái Đất đã hết lần này đến lần khác trải qua những sự kiện tuyệt diệt mà bước tới ngày nay. Căn cứ vào suy trắc, kể từ khi Địa cầu ra đời, hơn 98% loài sinh vật từng xuất hiện đã bị tuyệt chủng.

Trên cơ sở này, một số nhà địa chất đề xuất “thuyết tai biến”, tin rằng lịch sử Trái Đất có tính chu kỳ, từng phát sinh nhiều lần đại tai nạn, mà trong mỗi lần tai nạn đó các chủng loài cũ bị tuyệt diệt, sau đó các chủng loài mới lại sáng được tạo ra. 

Vậy thì, ai đã mang đến những tai nạn này, và ai đã sáng tạo ra những chủng loài mới? Đây là một câu hỏi mà khoa học không thể giải đáp được. Vì vậy, một số nhà khoa học liền giữ lập trường phản đối, nói rằng sự biến hóa của Địa Cầu là kết quả của sự tích tụ lâu dài những biến hóa lớn lớn nhỏ nhỏ về mặt địa chất, hết thảy đều là dần dần tuần tự tiến lên, không có tai nạn đột nhiên giáng xuống. Đây chính là “thuyết tiệm biến”. “Thuyết tiệm biến” này sau đó đã cung cấp cơ sở về mặt lý luận cho “thuyết tiến hóa” của Darwin.

Trong vài trăm năm qua, trong giới địa chất học, cuộc tranh luận giữa “thuyết tiệm biến” và “thuyết tai nạn” chưa bao giờ dừng lại. Một vấn đề rất lớn chính là các loài. Những loài mới rốt cuộc là được sáng tạo ra, hay chúng trải qua thời gian dài đấu tranh sinh tồn ưu thắng liệt thải mà tiến hóa ra?

Câu chuyện con voi

Sau này, “Cha đẻ của Cổ sinh vật học”, nhà tự nhiên học người Pháp Georges Cuvier đứng lên nói, đừng tranh cãi nữa, việc một loài này tiến hóa thành một loài khác là điều không thể, và một khi một loài đã hình thành, thì nó sẽ không còn biến hóa nữa. 

Năm 1796, ông viết một luận văn kể câu chuyện về con voi (Mémoires sur les espèces d’éléphants vivants et fossiles, xuất bản năm 1800). Theo luận văn, ông đã phân tích xương của voi châu Á và châu Phi, kết luận rằng chúng không cùng một loài. Nói cách khác, mặc dù hai con voi này trông rất giống nhau, nhưng chúng không có họ hàng thân thích gì với nhau. Trong bài báo, Cuvier cũng phân tích loài voi ma mút Siberia đã tuyệt chủng cách đây 3.700 năm. Mặc dù voi ma mút cũng có thân dài và ngà lớn của voi, nhưng Cuvier cho rằng qua phân tích hóa thạch, chúng cũng là một loài độc lập, không liên quan gì đến voi châu Á hay châu Phi.

Để chứng minh lý thuyết của mình về tính bất biến của các loài, Cuvier còn nghiên cứu các xác ướp. Ông từng là ủy viên hội đồng hoàng gia của Napoléon, hai người có mối quan hệ tốt đẹp. Khi Napoléon chinh phục Ai Cập, ông đã mang về một số xác ướp động vật làm chiến lợi phẩm. Cuvier được yêu cầu đến để nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu, ông phát hiện những loài động vật có từ hàng nghìn năm trước không khác gì động vật hiện đại.

Nhưng những tiếng nói phản đối đã sớm xuất hiện. Người ta nói, mấy ngàn năm so với hàng tỷ năm lịch sử Trái Đất có là gì? Sự tiến hóa của các loài chỉ có thể được nhìn thấy sau hàng triệu năm. Không chịu thua kém, Cuvier cho biết kinh nghiệm sâu rộng của ông trong nghiên cứu hóa thạch, cho thấy hóa thạch của một sinh vật thường không dần dần tiến hóa thành hóa thạch của sinh vật khác. Trong phần kết của luận văn, Cuvier viết:

“Tất cả những sự thật này đều dẫn đến một kết luận. Không thể chối cãi rằng thế giới trước chúng ta đã bị hủy diệt bởi loại tai nạn nào đó.”

Bài viết này sau đó đã trở thành một cột mốc quan trọng trong cổ sinh vật học. Trên thực tế, Cuvier đã dành cả cuộc đời mình để chống lại thuyết tiến hóa các loài. Ở đây cũng cần giải thích rằng, mặc dù mọi người đều biết rằng thuyết tiến hóa là do Darwin đề xuất, nhưng lý thuyết cho rằng các loài tiến hóa theo thời gian đã được các nhà khoa học đề xuất ngay từ thế kỷ 17. Cuvier cực lực phản đối thuyết tiến hóa này, ông là một người rất hâm mộ thuyết tai biến. Ông đề xuất rằng Địa Cầu cứ cách một khoảng thời gian sẽ phát sinh đại tai nạn, và lần đại tai nạn cuối cùng đã được ghi chép lại trong “Sáng Thế Ký”, đó chính là đại hồng thủy.

Thật không may, Cuvier đã qua đời vào năm 1832. “Nguồn gốc các loài” của Darwin ra đời 27 năm sau, thuyết tiến hóa bắt đầu thống trị giới khoa học, còn “thuyết tai biến” dần dần bị lãng quên.

Tuy nhiên, đến thế kỷ 20, một nhân vật huyền thoại khác lại xuất hiện, khiến dư luận một lần nữa phải chú ý đến thuyết tai biến. Ông là nhà địa chất người Mỹ J Harlen Bretz (1882-1981). Bretz huyền thoại ở đâu? Ông đã chứng minh sự tồn tại của trận Đại hồng thủy.

Giải mã “cánh đồng sẹo”

Điều khiến Bretz chú ý là cao nguyên Columbia ở phía đông bang Washington, Mỹ. Có hàng trăm thác nước cạn nằm rải rác khắp cao nguyên rộng lớn. Một thác nước khô ở trung tâm sa mạc lớn gấp 10 lần thác Niagara nếu có nước. Không chỉ vậy, còn có những hẻm núi khô cằn kỳ lạ, những đống sỏi cao như những tòa nhà chọc trời, những hang động có thể chứa được một thành phố và những điều kỳ lạ khác ở vùng đất này. Đặc biệt là ở phía đông nam bang Washington, nông điền và hẻm núi có cảm giác như ai đó đã cắt phá rồi chắp ghép chúng lại với nhau, nông dân địa phương gọi chúng là “cánh đồng sẹo”.

Đối với các nhà địa chất, những vết sẹo này là một bí ẩn.

Năm 1909, giáo viên trung học 27 tuổi Bretz đến Đại học Washington để xem bản đồ Cao nguyên Columbia, phát hiện có một thác nước khô khổng lồ ở phía tây của lưu vực Quincy (Quincy Basin) của cao nguyên, rơi xuống một hẻm núi sâu hàng trăm mét. Bên dưới hẻm núi là sông Columbia. Lượng nước lớn như vậy trên cao nguyên đến từ đâu, và thác nước khô này được hình thành như thế nào?

Bretz hỏi những giáo sư bên cạnh, nhưng họ nói không biết. Để tìm ra câu trả lời cho bí ẩn, Bretz quyết định chuyển sang nghề địa chất, đến Đại học Chicago để theo đuổi bằng tiến sĩ địa chất. Năm 1922, ông tốt nghiệp và trở về Washington, D.C., bắt đầu nghiên cứu cao nguyên bí ẩn này.

Sau nửa năm khảo sát thực địa, ông đưa ra một kết luận khiến bản thân cũng cảm thấy chấn động, đó là một trận lũ lụt quy mô lớn thảm khốc hiếm có trong lịch sử Trái Đất từng quét qua toàn bộ cao nguyên Columbia, xé nát thổ nhưỡng và nham thạch ban đầu, chỉ trong vài ngày đã điêu khắc ra những hẻm núi và thác nước này.

Năm 1923, ông xuất bản một bài báo nói rằng, một trận đại hồng thủy là lời giải thích duy nhất cho thác khô. Chỉ có một trận lụt thảm khốc và dữ dội mới có thể tạo ra một đặc điểm địa lý như “Scarfield” – cánh đồng sẹo.

Ông cũng tạo ra một bản đồ chi tiết với độ chính xác cao. Bản đồ thể hiện những kênh, mương được hình thành sau khi hồng thủy tàn phá cao nguyên. Ông cho biết những con kênh này chỉ có thể được tạo ra bởi hồng thủy tốc độ cực nhanh và mãnh liệt. Nhưng nếu thực sự có một trận đại hồng thủy, thì tại sao chỉ có cao nguyên Colombia có dạng địa hình này, mà không phải những nơi khác? Bretz cho biết đó là do đá bazan hình thành nên cao nguyên Columbia tương đối giòn và yếu, một trận hồng thủy quy mô lớn có thể nhanh chóng xé nát nham thạch, chỉ sau một đêm đã hình thành một hẻm núi lớn.

Thật không may, lý thuyết trận đại hồng thủy này đã bị giới địa chất bác bỏ ngay khi nó được đề xuất. Bởi vì điều này khiến người ta nhớ đến câu chuyện Con tàu Nô-ê trong Kinh thánh. Lẽ nào câu chuyện về Thần sáng thế là thật? Không, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với giới khoa học.

Năm 1927, Bretz có cơ hội thuyết phục các nhà chức trách về địa chất Mỹ. Năm đó, họ mời ông đến Washington, D.C. để diễn giảng. Trong bài phát biểu, Bretz đã diễn giải với các chuyên gia dưới khán đài rằng một trận đại hồng thủy đã bao trùm Canada và miền bắc nước Mỹ, tích tụ lại thành một hồ nước lâm thời, rồi đổ vào hẻm núi Sông Columbia giống như cảnh nước tràn bồn tắm.

Vậy trận đại hồng thủy này xảy ra như thế nào? Bretz không thể trả lời. Sau đó nhà chức trách liền nói, bạn đã không thuyết phục được chúng tôi. Lý luận trận đại hồng thủy của Bretz đã bị gác lại.

Đại hồng thủy thời tiền sử

May mắn thay, vào những năm 1940, một nhà địa chất khác đã vô tình giúp đỡ Bretz. Ông ấy là Joseph Pardee.

Vào ngày 18 tháng 6 năm 1940, Pardee đã trình bày một bài báo tại một hội nghị ở Seattle, chỉ ra rằng, từ 18.000 đến 13.000 năm trước, vào thời điểm cuối của kỷ băng hà lớn cuối cùng, cùng với sự nóng lên của khí hậu, mực nước ở hồ băng Missoula ở Montana bắt đầu dâng cao, cuối cùng khiến con đập băng cao 2.000 foot bị sập, một lượng nước khoảng 500 dặm khối phun ra với tốc độ cực nhanh. Và nơi duy nhất dòng nước này có thể chảy đến là vùng đất hoang ở bên ngoài – cao nguyên Columbia. Đây chính là trận đại hồng thủy quét qua cao nguyên Columbia năm đó.

Kể từ đó, các nhà địa chất khác đã phát hiện ra nhiều bằng chứng về trận đại hồng thủy này. Bản thân Bretz đã làm việc chăm chỉ và xuất bản 30 bài báo trong 30 năm để hỗ trợ lý thuyết của mình. Vào năm 1965, mọi chuyện cuối cùng đã chuyển biến tốt đẹp hơn. Hiệp hội Nghiên cứu Đệ tứ Quốc tế (International Association for Quaternary Research) đã tổ chức một cuộc họp tại Boulder, Colorado, còn đặc biệt tổ chức cho mọi người đến thăm Lưu vực Columbia. Mặc dù Bretz, người đã hơn 80 tuổi, không thể tham gia vì lý do sức khỏe, nhưng hiệp hội đã gửi cho ông một bức điện vào ngày hôm sau với nội dung: “Bây giờ tất cả chúng ta đều là những người theo đuổi ‘thuyết tai biến’”.

Năm 1972, NASA công bố hình ảnh vệ tinh màu đầu tiên về Trái Đất, trong đó cho thấy rõ những rãnh, kênh giống như vết sẹo của cao nguyên Colombia, nó giống hệt bản đồ mà Bretz đã vẽ bằng tay vào những năm 1920. Kết quả, toàn bộ giới địa chất đã chấn động.

Bảy năm sau, vào năm 1979, nỗ lực cả đời của cụ Bretz 96 tuổi cuối cùng cũng có được một kết thúc có hậu. Hiệp hội Địa chất Mỹ đã trao tặng ông danh hiệu cao quý nhất của Hiệp hội Địa chất Hoa Kỳ, Huân chương Penrose. Bài phát biểu trao giải cho biết, mặc dù lý thuyết về trận đại hồng thủy của Bretz còn gây tranh cãi, nhưng những bức ảnh của NASA đã “cung cấp bằng chứng rõ ràng về phạm vi và bản chất của thảm họa thời tiền sử này”.

Kể từ đó, Bretz được ca ngợi là người có tầm nhìn xa, tôn trọng sự thật, phản đối chủ nghĩa giáo điều và được mệnh danh là “cha đẻ của ‘thuyết tai biến’ mới”. Một số người cho rằng, những gì ông để lại cho thế giới có thể không chỉ là lý thuyết, mà còn là dũng khí và thái độ mà một nhà khoa học chân chính cần có khi đối mặt với những nghi ngờ.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch