Một nghiên cứu mới đây trên 3.000 trẻ em Úc đã cho thấy âm nhạc tự do cũng có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, khá giống với hoạt động đọc sách tập thể.

Các bậc cha mẹ luôn được khuyến khích đọc sách cho trẻ mỗi ngày vì điều đó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng. Ngoài việc phát triển khả năng văn chương, việc đọc sách cũng giúp cải thiện các kỹ năng xã hội, tình cảm và nhận thức của trẻ. Theo kết quả của một nghiên cứu xã hội được tiến hành gần đây, việc chơi nhạc tự do cũng có lợi ích to lớn trong việc phát triển khả năng tính toán và điều khiển cảm xúc, sự tập trung cũng như vốn từ vựng của trẻ.

Âm nhạc "mò mẫm" cũng có tác dụng tốt với sự phát triển của trẻ
Tiết âm nhạc ở lớp mẫu giáo là khoảng thời gian giao tiếp xã hội vui vẻ, không có áp lực để trẻ khám phá âm nhạc (Ảnh: Pixabay/Public Domain CCO)

Theo đó, các nhà khoa học đã đo lường mức độ ảnh hưởng của việc đọc sách và chơi âm nhạc một cách độc lập cũng như kết hợp đối với các đối tượng trẻ em từ 2 đến 3 tuổi. Cho đến khi trẻ lên 5 tuổi, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những đứa trẻ tham gia vào các hoạt động âm nhạc với gia đình cũng gặt hái được nhiều lợi ích tương tự như những em thường xuyên được nghe cha mẹ đọc sách.

Như vậy, chơi nhạc là một hoạt động rất tốt cho cuộc sống của con bạn. Mặc dù nó có vẻ khá là đơn giản, bạn cũng không nên coi nhẹ tầm quan trọng của nó. Đây cũng là tin tốt lành đối với những gia đình không đủ khả năng chi trả cho các hoạt động âm nhạc ngoại khóa, vì việc cùng trẻ tham gia vào một môi trường có thể bồi dưỡng khả năng cảm thụ âm nhạc cũng có tác dụng không kém một khóa đào tạo âm nhạc chính quy. Nói cách khác, con bạn sẽ không bỏ lỡ việc phát triển kỹ năng này.

Những hoạt động âm nhạc cho trẻ

Nếu bé nhà bạn thích những bài học âm nhạc chính quy, thì đây cũng là một điều tốt. Tuy nhiên, hãy cho phép con trẻ tự mình trải nghiệm âm nhạc, và thử sức với các loại nhạc cụ khác mà chúng chưa quen thuộc. Điều này sẽ giúp tăng cường tính sáng tạo, mở mang kiến thức âm nhạc, mang đến niềm vui và sự thư giãn.

Âm nhạc "mò mẫm" cũng có tác dụng tốt với sự phát triển của trẻ
Những đứa trẻ thích nghe những âm thanh khác nhau của các loại nhạc cụ mới (Ảnh: Pixabay/Public Domain CCO)

Dưới đây là một số ý tưởng giúp trẻ tiếp cận với âm nhạc:

  • Tạo lời ca mới cho những giai điệu quen thuộc.
  • Gõ theo nhịp điệu của các bài hát đếm số hay bảng chữ cái.
  • Chơi bản nhạc mà con bạn thích.
  • Cùng nhau chơi một bài hát trên nhạc cụ mà bạn chọn, sau đó thay đổi nhạc cụ với nhau.
  • Giới thiệu cho trẻ những loại âm thanh mới, sau đó yêu cầu trẻ chơi cho bạn xem một âm thanh mà chúng có thể thực hiện.
  • Thu thập các loại nhạc cụ, một số loại nhạc cụ khá rẻ và dễ tìm – bạn cũng có thể tự mình chế tạo riêng một cái.
  • Biến những dụng cụ nhà bếp thành nhạc cụ.
  • Lập một đội diễu hành.
  • Mang theo một nhạc cụ không thấm nước, ví như kẻng tam giác vào phòng tắm.
  • Mang âm nhạc vào trong các câu chuyện kể bằng cách sử dụng các nhạc cụ khác nhau để làm nổi bật tâm trạng hay các nhân vật trong chuyện. Ví như, khi người khổng lồ tiến đến, trẻ có thể chơi một nhạc cụ trầm thấp.
  • Hãy nghĩ về một câu chuyện, một hoạt động, hay một người nào đó, sau đó thử cùng trẻ sáng tác một bài hát.
  • Chế ra những nhạc cụ từ các vật liệu tự nhiên. Đôi khi chúng sẽ có âm thanh tinh tế hơn so với một nhạc cụ bằng kim loại.
Âm nhạc "mò mẫm" cũng có tác dụng tốt với sự phát triển của trẻ
Những đứa trẻ đang thử sức với một loại nhạc cụ của thổ dân châu Úc, gọi là didgeridoo, được cấu tạo từ một chiếc ống các-tông (Ảnh: Pixabay/Public Domain CCO)

Những hoạt động âm nhạc trên đây không hề có giới hạn, và đây chính là những gì bạn muốn – không có đúng hoặc sai, chỉ có sự vui vẻ, sáng tạo, và một khoảng thời gian khám phá âm nhạc cùng trẻ.

Tác giả: Chani Blue, Vision Times.
Đọc bản gốc ở đây.
Sử dụng bản dịch của Tinh Hoa net.

Xem thêm: