Trung Quốc đang nhập khẩu tất cả mọi thứ, từ quặng sắt đến sữa công thức, từ linh kiện điện tử đến sầu riêng, và điều đó có thể sẽ biến quốc gia này từ nước xuất khẩu lớn nhất thành nước nhập khẩu hàng hóa đứng đầu thế giới trong vài năm tới, theo Bloomberg.

Dẫn lời một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 4/12 của Công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc (CICC), Bloomberg cho biết Trung Quốc giờ đây đã nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn Mỹ từ các thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, châu Nam Mỹ và Đông Âu.

Và nếu tốc độ hồi phục như đang thấy trong năm 2017 tiếp diễn, có khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu số 1 thế giới vào năm 2022.

Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn nhất và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới.

Báo cáo của CICC cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, tăng trưởng nhập khẩu bình quân của Trung Quốc đạt mức 21,5%, cao hơn 6 điểm phần trăm so với Mỹ.

Việc chuyển dịch cơ cấu từ một nước chuyên sản xuất để phục vụ xuất khẩu thành một xã hội tiêu dùng sẽ làm tăng thêm nhu cầu về hàng nhập khẩu. Trung Quốc có thể bắt đầu nhập khẩu nhiều sản phẩm tiêu dùng hơn các sản phẩm công nghiệp.

Là nước sản xuất lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đứng đầu về nhập khẩu nguyên liệu thô, phụ tùng và linh kiện trong nhiều năm qua. Nhưng về hàng tiêu dùng, nước này vẫn kém xa so với Mỹ.

Theo CICC, khi người tiêu dùng Trung Quốc giàu hơn, họ sẽ mong muốn được hưởng thụ các sản phẩm ngoại và do đó tiêu dùng sẽ ngày càng trở nên quan trọng với kinh tế nước này.

Các chuyên gia kinh tế của CICC cho rằng đây có thể là tín hiệu tốt cho nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới, vì Trung Quốc hiện nhà nhập khẩu lớn nhất của 41 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việc gia tăng nhập khẩu sẽ khiến cán cân ngoại thương của Trung Quốc trở nên cân bằng hơn.

Minh Tuệ