Trước cơn sốt Uber, Grab trước đây, nhiều người đã đầu tư, thậm chí vay lãi ngân hàng để mua xe kinh doanh với kỳ vọng thu nhập vài chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bên cạnh số người thành công, nhiều người bắt đầu than phải liên tục bù lỗ.
 

Trao đổi với VnExpress, nhiều tài xế Uber, Grab bức xúc cho rằng cảm thấy như bị lừa khi trở thành đối tác của hai doanh nghiệp này. Nguyên nhân là Uber hay Grab trước đây đều quảng cáo thu nhập, chính sách hỗ trợ rất hấp dẫn.

Các tài xế nhận định, sau khi thu hút được một lượng lớn đối tác, hai hãng taxi công nghệ này dần tăng chiết khấu, giảm hỗ trợ, trong khi các chi phí khác ngày một tăng khiến đời sống lái xe trở nên khó khăn. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi vay tiền người thân, ngân hàng hay cắm cả sổ đỏ để mua xe.

Đang làm nhân viên cho một công ty tư nhân, anh Bắc đã quyết định bỏ việc và chuyển sang đầu tư mua ô tô chạy Uber và Grab với mong muốn kiếm được thu nhập cao hơn. Anh mua chiếc xe giá 520 triệu đồng, nhưng phải vay ngân hàng tới 420 triệu đồng.

Chia sẻ trên trang tin Người Lao động, anh Bắc cho biết anh chạy xe cả năm chỉ đủ trả tiền lãi và ăn, giờ có người hỏi mua xe với giá 370 triệu đồng, nếu bán thì phải bù thêm tiền để trả ngân hàng.

“Tôi làm quần quật cả năm không có ngày nghỉ, Tết chạy cả mồng Một và xuyên Tết, ăn uống tiết kiệm, toàn xôi, bánh mì, với mì tôm… Dậy từ lúc gà gáy, về lúc nửa đêm, con không thấy mặt bố. Lâu lắm rồi tôi chưa đưa con đi học buổi nào, hôm qua hứa cho nó đi công viên mà cũng chưa thực hiện được”.

Anh Bắc chỉ là một trong số rất nhiều tài xế giờ cũng đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng lan, không làm nữa thì không có tiền, còn làm tiếp thì chưa chắc đủ tiền trả lãi ngân hàng.

Anh Hải – một tài xế GrabCar, cũng chia sẻ: “Tháng trước, tôi vay tiền ngân hàng 100% để mua chiếc Vios để chạy GrabCar. Sau khi trừ hết chiết khấu, các chi phí như xăng, bảo dưỡng, điện thoại, tiền ăn… ngày chạy được 1 triệu đồng thì tôi chỉ lãi được 100.000–200.000 đồng. Như vậy, tôi không đủ tiền trả lãi ngân hàng”.

Lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều tài xế Uber, Grab đang trong tình trạng “vỡ mộng” khi trước đây nghĩ sẽ kiếm lời lớn từ nghề lái xe công nghệ này.

Anh Hưng – một tài xế Uber, cũng đang trong tình trạng bù lỗ ôm nợ. Anh chia sẻ: “Hàng ngày chịu khó chạy xe, cố gắng lo cho gia đình về kinh tế, giờ tay trắng, thêm cục nợ nữa, cứ suốt ngày kiếm khách rồi chạy xe, chỉ lo không có tiền trả lãi ngân hàng”.

Anh Cao, một tài xế khác, cho biết ban đầu thu nhập của anh cũng gần 15 triệu đồng/tháng, nhưng gần đây lượng “đồng nghiệp” tăng chóng mặt, cộng việc phải chịu thêm khoản thuế mới nên thu nhập của anh giảm mạnh. Lúc trước, mỗi ngày anh thu 1-1,2 triệu đồng, nhưng nay chỉ còn 700.000-800.000 đồng, chưa trừ xăng xe. Do đó, anh phải đăng ký vừa Uber vừa Grab với chiếc Kia Morning 4 chỗ mới đủ sống.

Quang Minh tổng hợp