Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tại Việt Nam tăng cao liên tục từ năm 2012 và hiện đã lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp.

Con số trên được công bố tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018 với chủ đề “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế trung ương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội.

Báo cáo cho thấy, trong 3 khu vực kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cụ thể, hơn 48% doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam báo lỗ trong năm 2017, trong khi tỷ lệ này tại các doanh nghiệp FDI là gần 40% và tại khối các doanh nghiệp nhà nước là hơn 16%.

Việc các doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể một phần do hoạt động “chuyển giá”, nhưng con số gần một nửa số doanh nghiệp tư nhân thua lỗ đang nêu bật tình trạng khu vực doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn dù môi trường kinh doanh được cho là đang cải thiện.

Phân tích những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt, Tiến sĩ Tô Trung Thành đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất. Ngoài thủ tục vay phức tạp, rào cản về tài sản thế chấp, lãi suất cao và chi phí “lót tay”, quà tặng vẫn là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí sử dụng lao động đang có xu hướng tăng nhẹ, trong khi tỷ trọng chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn tăng đáng kể. Chi phí lao động của doanh nghiệp năm 2018 được nhận định có thể tăng lên 6,8%, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 11,4%.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics chưa hiệu quả về mặt chất lượng và kết nối, khiến thời gian và chi phí vận tải tăng cao.

Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam báo lỗ tăng kỷ lục, vẫn muốn mở rộng kinh doanh
Các doanh nghiệp tư nhân có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn

Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam báo lỗ tăng, nhưng vẫn muốn mở rộng kinh doanh

Bên cạnh con số 37,9% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2017, một kỷ lục khác cũng được ghi nhận trong khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là 54,3%.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định khả năng sinh lời của khối FDI bị suy giảm chưa thể khẳng định là tạm thời hay là một xu hướng dài hạn, nhưng rõ ràng chi phí kinh doanh tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến lời lãi của các doanh nghiệp FDI.

Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp FDI năm 2017 trung bình đạt 2,43 triệu USD, cao gấp 3 lần so với các năm trước. Tuy nhiên, chi phí kinh doanh cũng tăng cao tới 2,02 triệu USD.

VCCI cho biết các doanh nghiệp FDI đang có xu hướng nhỏ đi. Xét về vốn, tỷ lệ các doanh nghiệp có vốn dưới 0,5 tỷ đồng là 7,9%, vốn từ 0,5–1 tỷ đồng là 5,7%, và vốn từ 1–5 tỷ đồng là 16,7%. So với thời điểm năm 2012, các con số này tương ứng là 2,3%, 4,2% và 14,8%.

Xét về quy mô lao động, tỷ lệ doanh nghiệp có ít hơn 5 lao động tăng từ 5,9% lên tới 7,4% trong giai đoạn 2016–2017, còn tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5–9 lao động tăng lên 10,9%.

Dù vậy, khảo sát của VCCI cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện qua việc tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư năm 2017 đạt 13,2% (tăng nhẹ so với mức 11% của năm 2016) và tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 50% lên 60%.

Theo VCCI, nguyên nhân có thể là do môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện nhiều.

“Dưới nhiệm kỳ của chính phủ mới, cảm nhận chung của các doanh nghiệp FDI là tình trạng chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm đáng kể”, VCCI nhận định.

Khảo sát cho thấy chỉ còn 45% doanh nghiệp FDI cho rằng cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật để đòi hỏi, giảm 14% so với năm 2015, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan cũng giảm 13,5% xuống còn 53%. Tình trạng chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai cũng giảm xuống 17,5% từ mức 22,6% của năm 2016.

Tuy nhiên, với nhiều lĩnh vực không có nhiều cải cách, VCCI cho biết tình trạng chi trả chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến.

VCCI cho rằng mặc dù các doanh nghiệp FDI có thể chấp nhận tình trạng này như một phần của cuộc chơi, nhưng tham nhũng có thể vẫn là một trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng trong tương lai.

Minh Tuệ tổng hợp