Vấn đề giải cứu nông sản đã được nhiều cử tri đề cập tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 19/3.

Trong phiên chất vấn, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi về tình trạng được mùa, mất giá của nông sản Việt đã tái diễn nhiều năm qua với thanh long, dưa hấu, hành tím, chuối… và mới đây là su hào, củ cải trắng. Bà Nga không chỉ đặt ra câu hỏi về giải pháp giúp nâng giá trị cho nông sản với Bộ Khoa học – Công nghệ mà còn đặt câu hỏi về trách nhiệm với các bộ trưởng ngành Nông nghiệp, Công Thương có mặt trong phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh thừa nhận câu chuyện giải cứu đang là một thực tế đáng quan tâm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết đây là vấn đề quan tâm nhằm tăng cường hiệu quả cho nhà nước. Vừa rồi nhận thức đây là một khâu rất quan trọng trong chuỗi sản xuất, do đó không chỉ các chương trình quốc gia như trước đây mà Bộ cũng đặt hàng một số doanh nghiệp, một số nghị định thư với các nước để chuyển giao công nghệ nhanh nhất cho chế biến nông sản.

“Đây là những giải pháp được đặt ra rất đồng bộ để giải quyết cho thấu đáo tình trạng giải cứu nông sản”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết giải pháp căn cơ là phải có chính sách thị trường, và chắc chắn sẽ được thực hiện khi có chuỗi sản xuất. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&CN đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện chế biến toàn bộ sản phẩm quốc gia, như trái cây, củ quả…

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu chế biến và chuyển giao công nghệ chế biến. Và ngay trong năm nay sẽ có 8 nhà máy chế biến, tạo thêm cơ hội cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ.

3 Bộ cùng bắt tay "giải cứu" nông sản
3 Bộ cùng bắt tay “giải cứu” nông sản

Tham gia vào phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sức sản xuất của nông nghiệp Việt Nam rất lớn, nhưng 2 khâu đang yếu hiện nay là chế biến và tổ chức thị trường. Do đó, Bộ đang đi sâu vào 2 mảng yếu này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cường cũng khẳng định: “Tới đây sẽ khánh thành nhà máy chế biến đầu tiên tại Long An với tổng công suất 200.000 tấn với chuỗi sản phẩm khoảng 20-25 sản phẩm, tiếp đến là khánh thành nhà máy ở Tây Ninh, Đồng Tháp, Gia Lai, Sơn La…”.

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh rằng cần phải tái cơ cấu trên cơ sở xây dựng chuỗi nông nghiệp xuất khẩu khu vực và toàn cầu, chứ không thể tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ.

Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do và sẽ còn ký nữa. Nhu cầu thị trường rất lớn mà Việt Nam phải tiếp cận. Mục tiêu không chỉ xuất khẩu 36 tỷ USD như năm 2017 mà sẽ còn nhiều hơn. Tuy vậy, trong quá trình xuất khẩu cũng vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật và công nghệ nên ngành khoa học công nghệ phải tháo gỡ nút thắt này.

“Ba bộ sẽ đưa ra khung chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. Chuyến đi thăm Úc và New Zealand vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến những mô hình thành công của 2 nước này. Ba bộ đã bàn để có sự phối hợp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng lưu ý, “chúng ta cũng đối mặt với hàng rào xuất khẩu và những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt về an toàn thực phẩm, như vậy công nghệ chế biến phải bảo đảm chất lượng sản phẩm”.

Diệu Thu