Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Ghé Cẩm Nê vào một ngày đầy nắng cuối tháng 10, khác xa với trí tưởng tượng của Hạ Mi về một làng quê rộn rã sắc màu, chiếu giăng đầy sân, cói lát đầy vườn, tiếng kẽo kẹt thoi đưa nhịp nhàng đều chân… Làng chiếu giờ đây buồn bã và lặng lẽ hơn những ngày xa xưa nhiều lắm.

Làng Cẩm Nê thuộc xã Hòa Vang huyện Hòa Tiến, thuộc phía Tây Nam, cách thành phố biển Đà Nẵng 14 km. Qua khỏi trung tâm, con đường đến làng chiếu trải dài thênh thang, hai bên vẫn là những cánh đồng đang nằm dài nghỉ đông sau vụ chiêm bận rộn. Mây trời trong xanh hòa cùng nắng và gió biển khiến quang cảnh trước mắt trở nên thật rộng lớn và mênh mông.

Từ nhiều thế kỷ trước, đây từng là nơi hàng trăm hộ gia đình cùng nhau sản xuất chiếu đưa đi các nơi buôn bán. Chiếu Cẩm Nê dày, bền và đẹp, khi xưa từng được dâng vào nội triều để bậc vua chúa và đế vương sử dụng. Nhiều nghệ nhân của làng chiếu Cẩm Nê đã được phong chức sắc, có người tới hàng cửu phẩm. Trải bao thăng trầm cùng biến cố lịch sử, quang cảnh làm chiếu xưa giờ chỉ còn hiện về trong kí ức, tất cả đều trở thành dĩ vãng của quá khứ đã qua.

Làng chiếu những ngày cuối thu. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Giữa cái nắng của buổi chiều thu rực rỡ, những bó cói mới phơi đầy trước sân, bên trong căn nhà nhỏ, một cụ bà vẫn đang miệt mài thắt từng nút, từng nút cho chiếc chiếu mới. Cụ đã ngồi đó và làm công việc này suốt gần 8 thập kỷ. Năm tháng trôi đi, cuộc sống xoay quanh cơm áo gạo tiền có lẽ đã khiến nhiều người quên, nhưng cụ Đào vẫn nhớ, nhớ đến từng chi tiết và kỷ niệm.

Gặp cụ Phan Thị Đào, 80 tuổi, nghệ nhân cuối cùng của làng chiếu Cẩm Nê đối với Hạ Mi và những người bạn là một mảnh ghép của nhiều xúc cảm khó quên. Đó là kỷ niệm đầu tiên đối với Đà Nẵng, với làng quê và con người nơi đây.

Nhìn mái tóc đã ngả màu bạc, đôi mắt đã đục mờ, làn da nhăn nheo của tuổi già, nhưng đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt ghì mạnh từng mối nút cho chiếc chiếu mới khiến người xem có cảm giác say mê đến lạ. Cái nghề đối với cụ như là mối duyên nợ. Cuộc đời cụ vất vả, từ ngày còn nhỏ do cuộc sống khó khăn nên cụ Đào đã theo cha đi học làm chiếu cho tới tận khi con đàn cháu đống như bây giờ mà cũng không khá lên là bao. Cái nghề cùng cụ lớn lên, cùng cụ vui buồn và rồi cũng theo cụ mà già đi.

Cụ Phan Thị Đào, nghệ nhân cần mẫn với nghề của làng chiếu Cẩm Nê. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Con trai cụ, anh Lê Tân kể lại:  

“Ngày đó thuê xe chở cả trăm chiếc chiếu đi đổ hàng ở vùng khác, khắp làng trên xóm dưới đều làm chiếu, vui lắm!”, nhưng “vui thì có vui nhưng mà cũng cực lắm”. Vì làng Cẩm Nê không trồng đay và lát nên người trong làng phải đến nơi khác mua nguyên liệu. Anh nhớ ngày đó phải ra tận Phú Lộc ngoài Huế mua lát. Mỗi lần đi là rất nhiều đàn ông trong làng cùng đi một chuyến mang theo cơm nắm cơm đùm. Ra Huế mua cả mảnh, cả ruộng rồi chia nhau cắt. Ai chăm thì cắt được nhiều, ai biếng thì cắt được ít hơn.

Những bó lát được đem phơi dưới nắng. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Lát đưa về làng là mọi người phải thức đêm để chẻ, vì nếu cây khô sẽ không chẻ được. Sau công đoạn chẻ lát là phơi lát, lát cần được phơi nắng cho chuyển thành màu trắng, sợi lát càng trắng càng dễ bắt màu nhuộm.

Không giống như cách làm chiếu ở nhiều nơi, sợi lát của Cẩm Nê sau khi phơi nắng sẽ được đưa đi thay màu áo mới, tức là nhuộm màu trực tiếp, những sắc xanh, đỏ, tím, vàng… để chuẩn bị đưa lên khung dệt. Từng bó lát với những sắc màu khác nhau được đem ra phơi nắng tạo nên một khung cảnh vui tươi và sống động cho làng chiếu Cẩm Nê.

Nhuộm lát là một công đoạn đặc biệt của chiếu Cẩm Nê. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Khung dệt chiếu gồm nhiều kích thước khác nhau để phục vụ nhu cầu của khách hàng, có loại mét tư, có loại mét sáu, mét tám. Ứng với mỗi loại chiếu, người thợ dệt sẽ chọn loại khung phù hợp. Mỗi lần dệt chiếu cần 2 người thợ, một người giữ khổ, một người cầm thoi, từng nhịp thoi đưa, khổ dệt đẩy qua đẩy lại đều tay như vậy, một chiếc chiếu hoàn thành cần mất khoảng 1 ngày là người ta có thể làm xong, chưa kể công đoạn bẻ biên và ghim đầu dây đay sao cho sợi lát không bị sụt ra. Không giống như nhiều loại chiếu nhiều vùng chỉ dùng vải may đùm, biên chiếu Cẩm Nê được làm rất công phu và cẩn thận tới từng sợi lát.

Dù mắt đã mờ, tuổi đã cao nhưng đôi tay cụ Đào vẫn rắn chắc và khỏe mạnh ghì mạnh từng mối nút. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Nếu nhiều nơi, người ta chỉ dùng vải may đùm lên biên chiếu để giữ cho sợi lát không bị sụt ra. Nghệ nhân làng chiếu Cẩm Nê sẽ dùng cách đút ghim và bẻ biên. Kỹ thuật này khá công phu và tỉ mỉ, yêu cầu người nghệ nhân phải dùng lực, sự nhanh tay và kiên nhẫn.

Chiếu Cẩm Nê không yêu cầu cao về thẩm mỹ mà chú trọng nhiều vào độ bền và chắc, kỹ thuật nhuộm và màu nhuộm cũng cần được chú trọng sao cho sắc màu lâu phai. Với những công đoạn như vậy, người ta thường mất 2 ngày để dệt nên một chiếc chiếu hoàn chỉnh với điều kiện đã chuẩn bị xong nguyên liệu từ trước đó nhiều ngày. Vì sức khỏe giờ đây đã yếu đi nhiều, cụ Đào có thuê thêm 2 người trong làng đến nhà phụ cụ dệt chiếu, sau đó cụ sẽ làm công đoạn cuối cùng là bẻ biên và thắt nút chiều cho chắc. 

Chiếu Cẩm Nê bao đời vẫn vậy chẳng đổi, vẫn cách dệt đó, vẫn những sắc màu đó, vẫn chung thủy và tận tình với giấc ngủ của con người bao năm tháng.

Thiết nghĩ, cái chiếu Cẩm Nê quý không chỉ ở đường biên, mũi chỉ hay độ dày bằng gấp đôi chiếc chiếu của những nơi khác mà quý ở cái tâm của người làm chiếu. Họ mong mỏi chiếc chiếu mình làm ra đem bán cho người khác dùng cũng phải thật êm, thật bền, thật chắc. Ở đó, người ta không có tư duy làm sao được nhanh, được nhiều, thu được nhiều lợi. Có lẽ cũng bởi thế mà chiếu Cẩm Nê trở thành món hàng xưa đã hiếm nay càng hiếm hơn, hiếm cả về mặt hàng lại hiếm cả cái tâm của người làm ra chiếc chiếu. 

Chiếu Cẩm Nê sau những ngày dài vất vả. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Đến Cẩm Nê, Hạ Mi và những người bạn thấy sức bền của sự kiên trì cố gắng. Năm tháng rồi có thể khiến đôi mắt ta mờ đi, làn da nhăn lại, mái tóc ngả màu bạc, nhịp đập trái tim yếu hơn nhưng chẳng thể khiến tâm người thay đổi. Gần 8 thập kỷ trôi qua, cụ Đào vẫn cần mẫn với công việc của mình, cụ vẫn ngồi đó dệt nên những câu chuyện, kỷ niệm, ký ức cho nghề chiếu nơi làng quê này.

Đến Cẩm Nê, những kí ức của làng tranh Đông Hồ lại ùa về, đó cũng là một làng nghề từng rất phát triển, nhưng rồi giờ đây chẳng ai thấy hình bóng của giấy dó đâu nữa. Là tranh thay đổi, là màu chiếu phai mờ, hay là do lòng người nay đã khác?

Trái Đất, năm Mậu Tuất, tháng Ất Sửu, ngày Tân Hợi 

Hạ Mi